HÀ NỘI (NV) – Các công ty của Trung Quốc đang lặng lẽ thâu tóm các công ty của Việt Nam theo hình thức mua cổ phần. Theo các báo Đất Việt và Dân Trí.
Từ mấy năm qua, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có tin tức liên quan đến vấn đề này cũng như chuyện người Trung Quốc đổ tiền ra mua bất động sản tại Việt Nam từ những dự án xây dựng lớn đến những vụ mua đất, mua nhà nhỏ lẻ núp tên người khác.
Các nguồn tin kể trên dựa theo các tài liệu thống kê của Cục Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư của chính phủ CSVN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, “Trung Quốc vẫn lọt vào top 4 các nhà đầu tư vào Việt Nam với con số $1.7 tỷ. Trung Quốc đã đầu tư vào 195 dự án mới ở Việt Nam với số vốn trung bình mỗi dự án vào khoảng $133 tỷ.”
Tuy nhiên, nếu xét về các dự án góp vốn, mua cổ phần (phần lớn là đăng ký mua lại, thâu tóm doanh nghiệp Việt) thì Trung Quốc lại đứng ở vị trí thứ 2 với hơn 593 dự án. Còn số vốn mà công ty Trung Quốc đứng ra mua lại các công ty Việt thì rất thấp, chỉ khoảng $280 triệu. Tính trung bình, mỗi dự án hay doanh nghiệp Việt do Trung Quốc mua lại, mua cổ phần có giá trị khoảng $472,000, theo tờ Đất Việt thuật lại.
Đó là chỉ tính riêng một mình các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Theo tờ Đất Việt, nếu tính cả lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) thì vốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam lên tới $612 triệu, vượt qua Hàn Quốc, đứng vị trí số 1 về mua bán, thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.
“Con số này chiếm 15% tổng số vốn mua bán và sáp nhập ở Việt Nam 9 tháng qua ($4.1 tỷ). Số dự án mà Trung Quốc mua cổ phần hiện chiếm gần 1/3 tổng số dự án góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam trong 9 tháng qua (hơn 3,700 dự án). Có thể so sánh ngay được rằng, Trung Quốc đang tập trung vào việc mua lại các dự án bị thâu tóm, dự án cổ phần hóa lên sàn, dự án có vốn đầu tư nước ngoài… hơn là đầu tư trực tiếp vào Việt Nam,” tờ Đất Việt nhận xét.
Sự khôn ngoan của người Trung Quốc là “số vốn đầu tư mua lại các dự án Việt Nam cũng thấp chứng tỏ các doanh nghiệp được Trung Quốc chú ý nhắm tới là doanh nghiệp nhỏ, việc thâu tóm, mua lại cũng không gây sự chú ý.”
Tháng trước, báo điện tử Zing cho hay từ Tháng Tư 2017, hàng loạt các dự án thuộc các tỉnh thành khu vực Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, được các chủ đầu tư chuyển nhượng, hoặc đánh tiếng liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong số đó, đáng chú ý nhất phải kể tới siêu dự án Casino Nam Hội An trị giá $4 tỷ.
Giữa Tháng Năm 2017, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư cho hay, một số công ty Trung Quốc ở cả Hồng Kông và Hoa Lục đã đổ tiền thâu tóm một số dự án xây dựng ở Sài Gòn, Biên Hòa và tại một số tỉnh thảnh khác.
Người ta từng thấy báo chí tại Việt Nam đưa tin người Trung Quốc đổ tiền lâp các dự án khu nghỉ dưỡng tại những địa điểm nhạy cảm dòm ngó cảng quân sự hay gần phi trường quân sự ở Đà Nẵng. Cũng không thiếu các vụ người Trung Quốc mua chui những miếng đất nho nhỏ và xây những căn nhà cao tầng tại một số địa phương.
Trước sự xâm lăng không tiếng súng nhưng “cuồn cuộn” diễn ra hàng ngày, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, từng phát biểu sự lo ngại về số lượng người Trung Quốc đang có mặt tại nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh rằng: “Mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi.”
Báo chí tại Việt Nam ồn lên vài ngày rồi sau đó lại rơi vào yên lặng về những dấu hiệu không thuận lợi cho Việt Nam đến từ Trung Quốc từ kinh tế đến chủ quyền lãnh thổ. (TN)
No comments:
Post a Comment