HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam trước các con số thống kê nói tăng trưởng kinh tế nhiều phần đạt kế hoạch cho cả năm. Tuy nhiên giới chuyên viên khuyến cáo lạm phát đang chạy theo bén gót.
Theo tờ Trí Thức Trẻ, căn cứ theo bản Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Tài Chính 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017 của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia (UBGSTCQG) nhận định thì nền kinh tế của Việt Nam “tăng trưởng cả năm có thể vượt mức 6.7% – chỉ tiêu được coi là không thể đạt được vài tháng trước đây.”
Nguồn tin còn thuật ý kiến của ông Dương Mạnh Hùng, phó vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài Khoản Quốc Gia (tổng cục Thống Kê) có nhận định tương tự và cho rằng “đây không phải là dự báo quá lạc quan.”
“UBGSTCQG đánh giá tăng trưởng GDP trong Quý 3, 2017 đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng 7.46% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân GDP tăng mạnh trong Quý 3 là do cả 3 khu vực của nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ,” theo báo Trí Thức Trẻ.
Trước những tin tức có vẻ lạc quan như thế, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Chính Sách (gọi tắt là VEPR, một tổ chức của phân khoa kinh tế, đại học quốc gia Hà Nội) vừa công bố Báo Cáo Kinh Tế Vĩ Mô Quý 3, 2017 của Việt Nam cho rằng “lạm phát Quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4.16%, vượt qua mức mục tiêu là 4% và cao hơn 1.97 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR trong quý trước.”
“Với đà phục hồi trong giá thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, chúng tôi cho rằng lạm phát Quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4.16% so với một năm trước, vượt qua mức mục tiêu là 4%,” tờ Trí Thức Trẻ thuật theo bản báo cáo .
Đi vào chi tiết, tổ chức VEPR nhận thấy, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong Tháng Tám và Tháng Chín với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. Sức ép gia tăng đối với lạm phát phần lớn đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.
Giữa tuần trước, tờ Tuổi Trẻ nói ra một sự thật chính yếu về lý do nhờ đâu mà nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tốt đẹp “vượt chỉ tiêu ở nửa sau của năm 2017.”
“Tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 có thể đạt 6.7% đưa quy mô GDP lên $225 tỷ nhưng lại đang dựa vào các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa trong khi GDP bình quân đầu người lại thấp hơn Lào,” tờ Tuổi Trẻ thuật theo lời phát biểu của ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng, trong buổi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội “nghe và thảo luận về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc Hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách năm 2017, kế hoạch năm 2018.”
Theo ông Nguyễn Đức Thành, viện trưởng VEPR viết trong bản báo cáo, một yếu tố khác mà theo ông có thể là chỉ dấu báo hiệu lạm phát sẽ tăng lên cao hơn dù nhà cầm quyền trung ương qua ông Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ phát biểu “dứt khoát” không cho lạm phát lên hơn 4%. Ông Thành nói trong khi nhà cầm quyền trung ương muốn thúc đẩy cho tín dụng gia tăng tới 21% để đạt thành tích kinh tế, tới nay người ta mới chỉ thấy tín dụng tăng được 10% ở quý 3.
Muốn kinh tế tăng trưởng như phía nhà cầm quyền Hà Nội muốn, họ phải bơm vào nền kinh tế thêm 200 ngàn tỷ đồng (khoảng $8.88 tỷ). Nếu chuyện này xảy đến, không những kích thích lạm phát gia tăng mà còn kéo theo nguy cơ của những món nợ xấu trong tương lai. (TN)
No comments:
Post a Comment