VIỆT NAM (NV) – Sau khi quét qua phía Bắc miền Trung Việt Nam hôm 17 tháng 7, Talas – trận bão thứ hai đổ vào Việt Nam trong năm nay đã và đang gây thêm nhiều thiệt hại trầm trọng.
Thiệt hại về nhân mạng tính đến hết ngày 17 tháng 7 là hai người chết: Một cư trú tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An chết do nhà sập. Một là thủy thủ tàu vận tải VTB 26 bị lật ở đảo Hòn Ngư, tỉnh Nghệ An. Do bão ập tới khi đang vận chuyển 4.700 tấn than từ Quảng Ninh đến Cửa Lò, thuyền trưởng VTB 26 đã cho tàu tạt vào đảo Hòn Ngư tránh bão. Rạng sáng 17 tháng 7, VTB 26 bị sóng to, gió lớn đánh lật. Thủy thủ đoàn của tàu VTB 26 có 13 người. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn chỉ mới vớt được bảy người và một thi thể, năm người còn lại vẫn đang mất tích.
Tờ Thanh Niên dẫn tin từ chính quyền huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, hoàn lưu bão Talas đã đánh chìm 36 tàu đánh cá của ngư dân, ba sà lan của Cảng vụ tỉnh Quảng Bình, một tàu kéo của hải quân, đang trú bão tại xã Quảng Đông. Riêng tại xã Quảng Đông có bảy người bị thương do bão và chín tàu vận tải khác bị đẩy sâu vào bờ, nay đang mắc cạn. .
Theo thống kê sơ bộ về thiệt hại do Ủy ban Phòng chống thiên tai của Việt Nam công bố hôm 17 tháng 7, ở Nghệ An, bão Talas phá hỏng khoảng 2.700 công trình xây dựng (tư gia, công thự, trạm xá, trường học), hủy hoại khoảng 2.650 héc ta vừng, dưa hấu, cây keo trồng lấy gỗ. Tại Hà Tĩnh, bão Talas phá hỏng khoảng 80 công trình xây dựng, trong số này có bốn trường học, một công thự, hủy hoại khoảng 900 héc ta lúa và hoa màu, đánh chìm bốn tàu đánh cá. Thanh Hóa có khoảng 100 công trình xây dựng, 1.600 héc ta ruộng vườn bị hư hại.
Cũng do bão Talas đốn ngã nhiều cây, cột điện, khiến chúng đổ vào đường ray, tuyến đường sắt xuyên Việt bị nghẽn tại đoạn chạy ngay hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Báo điện tử Vn Express cho biết có đến 4.000 hành khách của mười chuyến tàu bị kẹt giữa hành trình từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại.
Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam cho biết, ước tính sơ bộ về thiệt hại do bão Talas gây ra đối với hệ thống cầu đường ở Việt Nam khoảng 55 tỉ đồng.
Ở Quảng Ninh dù lệnh cấm tàu thuyền ra biển đã được rút lại nhưng do biển vẫn còn động dữ dội, các tàu chở khách loại lớn chưa thể đến đảo Cô Tô đưa du khách về đất liền. Cho đến chiều 17 tháng 7, vẫn còn khoảng 3.000 du khách phải tá túc trên đảo Cô Tô.
Tuy cường độ của bão Talas đã giảm xuống thành áp thấp nhiệt đới và đang trên đường đổ vào miền Trung của Lào nhưng Ủy ban Phòng chống thiên tai của Việt Nam cảnh báo, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vẫn có gió giật mạnh, sức gió lên tới cấp 9 (từ 75 đến 88 cây số/giờ), mưa to vẫn còn kéo dài trên toàn miền Bắc.
Do ảnh hưởng của bão Talas, mưa lớn đang trút nước xuống miền Bắc Việt Nam. Lượng nước tích tụ từ các đợt mưa lớn xảy ra liên tục suốt từ trung tuần tháng 6 đến nay đã làm mực nước sông Hồng dâng thêm khoảng ba mét. Mực nước của dòng sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã dâng thêm từ bốn mét đến sáu mét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Việt Nam thì tình trạng mưa lớn ở miền Bắc Việt Nam sẽ còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Cũng vì vậy, nguy cơ lụt, lũ, lũ quét, sạt lở vẫn hiện hữu.
Trong đợt mưa lớn từ trung tuần tháng 6 đến ngày 12 tháng 7, tại miền Bắc Việt Nam đã có 20 người tử nạn vì lụt, lũ, lũ quét, sạt lở. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment