TQC Van Truong
Theo Người Việt 11-04-2017
Ðã bốn mươi năm trôi qua, kể từ ngày đảng Cộng Sản Việt Nam, với sự tiếp tay của lũ quan thầy Liên Xô và Trung Cộng, xua quân tiến chiếm miền Nam thân yêu của chúng ta, xin mời quý độc giả cùng chúng tôi mở lại trang lịch sử vô cùng thương tâm của một trong những hàng mấy trăm ngàn thuyền nhân vào giai đoạn trốn chạy ách cai trị tàn ác vô nhân đạo và ngu muội của bè lũ Cộng Sản Việt Nam.
Nguyễn Thị Hoa Mai là một nữ sinh dịu hiền trong trắng của một trường trung học Công Giáo tại Sài Gòn trước 30 Tháng Tư năm 1975. Khi Cộng Sản miền Bắc tung hàng trăm ngàn chiếc nón cối, và vài ba trăm ngàn đôi dép râu vào dẫm nát mảnh đất miền Nam tự do của chúng ta, thì lúc đó Mai mới chỉ là cô bé 16 tuổi, lứa tuổi của ô mai ngọc ngà, đầy mộng mơ. Mai là một cô bé mình hạc xương mai, nước da trắng như bông bưởi, duyên dáng mặn mà, một chút nhí nhảnh, dễ thương, và rất thông minh. Mỗi ngày cắp sách tới trường Mai thường diện một bộ đồ trắng tươi, một chiếc nón cũng nền trắng nhưng được trang trí hoa văn rất điệu đà. Mới 16 tuổi nhưng đã có không ít những chàng sĩ quan QLVNCH vẫn thường hay bám sát những bước chân của Mai từ trường về nhà. Nhưng lần nào cũng vậy khi sắp tới cửa để chuẩn bị vào nhà, Mai cũng chỉ tặng các chàng một nụ cười duyên dáng, rồi biến mất sau khung cửa.
Ông thân sinh của Mai là một quân nhân trong quân lực VNCH, một người lính chiến can trường, không bao giờ chịu đội trời chung với Cộng Sản (CS). Ông là một trong những người theo gia đình di cư vào Nam đầu tiên sau khi Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi đất nước ta có hiệu lực. Ông lập gia đình với mẹ Mai sau khi công cuộc di cư đã ổn định vào khoảng năm 1955. Cô bé dễ thương có một cụm tên đầy đủ là: Maria Têrêsa Nguyễn Thị Hoa Mai được sinh ra vào năm 1959 với sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ và họ hàng. Vì là gia đình Công Giáo, cha mẹ của Mai lại là những tín hữu ngoan đạo nên cho dù chỉ sống với nhau có 9 năm ngắn ngủi, mẹ Mai cũng cho ra đời được 8 người con, đa số là con gái, cũng vì đạo Công Giáo không cho phép ngừa thai, ngoài ra trước khi từ giã cõi đời, ông thân của Mai lại đã ưu ái tặng cho mẹ Mai một cặp song sinh, chính là hai cô em út xinh đẹp của cô. Ông thân sinh của Mai đã anh dũng hy sinh trong một cuộc hành quân tiễu trừ CS và đã phơi thây ngoài sa trường, biệt vô âm tín. Sau khi bố Mai đã hy sinh vì tổ quốc, gia đình Mai, một dạo, cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng may, một vị sĩ quan cao cấp của quân đội, thấy tình cảnh mẹ góa con côi, đã cho mẹ Mai được vào làm việc hành chánh trong một cơ sở của quân đội. Ngoài ra bà ngoại của Mai cũng đã bao bọc cho mẹ con Mai rất nhiều trong giai đoạn đó.
Mai là người con thứ hai trong gia đình nên cũng vất vả; ngoài giờ đi học, Mai còn phải thay mẹ lo lắng cho các em về mọi phương diện. Cuộc sống không sung túc, nhưng cũng tương đối thoải mái. Mặc dù còn đi học, Mai chưa dám nhận lời tỏ tình của ai cả, nhưng Mai cũng thấy có cảm tình đặc biệt với một chàng sĩ quan bộ binh, nghe đâu đang làm nhiệm vụ tại Vùng 2. Tuy chàng không hào hoa, bảnh chọe như những anh chàng Không Quân mà Mai thường thấy theo đám nữ sinh của trường Mai, nhưng chàng Bộ Binh này có một vẻ phong sương, đúng là một người lính thứ thiệt. Với bộ râu mép và bộ đồ lính vương bụi đỏ của vùng đồi núi cao nguyên, chàng đúng là mẫu người được sinh ra để bảo vệ quê hương, và dĩ nhiên, cũng để bảo vệ cho phái yếu như Mai. Trong một lần về phép, đón Mai ở cổng trường chàng đã dúi vào tay Mai một lá thư, ngoài lời tỏ tình rất chân thành, chàng còn tặng Mai một bài thơ, mà sau bao nhiêu biến cố, Mai vẫn còn nhớ nguyên văn:
Gửi Người Em Gái
Em biết không người chiến sĩ sa trường,
Chưa vào đời phải từ giã văn chương,
Mang trên vai nợ non sông, tổ quốc,
Ra chiến trường để bảo vệ quê hương.
Chưa vào đời phải từ giã văn chương,
Mang trên vai nợ non sông, tổ quốc,
Ra chiến trường để bảo vệ quê hương.
Hôm gặp em giữa trưa nắng cổng trường,
Bóng dáng nhỏ, ôi đẹp, lại dễ thương,
Anh như thấy cả trời Xuân rực sáng,
Hồn chiến sĩ trong giây lát, vấn vương!
Bóng dáng nhỏ, ôi đẹp, lại dễ thương,
Anh như thấy cả trời Xuân rực sáng,
Hồn chiến sĩ trong giây lát, vấn vương!
Anh ngày đêm, vùng đất đỏ miệt mài,
Trả nợ nước, làm sao có ngày Mai,
Nhớ thương em nàng nữ sinh diễm tuyệt,
Xin tặng em cả bốn đóa (hoa mai) trên vai!
Trả nợ nước, làm sao có ngày Mai,
Nhớ thương em nàng nữ sinh diễm tuyệt,
Xin tặng em cả bốn đóa (hoa mai) trên vai!
Mong một ngày, quê mẹ, sẽ thanh bình,
Em càng lớn, trổ mã, lại càng xinh,
Anh xin phép cùng em bên Thánh giá,
Ðể khấn cầu Ngôi Hai cho phép mình!…
Em càng lớn, trổ mã, lại càng xinh,
Anh xin phép cùng em bên Thánh giá,
Ðể khấn cầu Ngôi Hai cho phép mình!…
Nụ hoa tình yêu vừa chớm nở trong lòng, Mai còn đang say sưa với chút men tình vừa dậy, thì ngày 30 Tháng Tư 1975 ập tới, chàng trai phong sương, kiêu hùng, mà Mai tưởng rằng sẽ có thể trao trọn tình yêu cho chàng, đã bị bắt, bị lưu đầy trên rừng thiêng nước độc, không hẹn ngày về!
Sau 30 Tháng Tư 1975, Mai phải nghỉ học ở trường một thời gian, sau đó vì hoàn cảnh đất nước còn nằm trong giai đoạn giao thời, và vì còn cần nhiều người làm việc, nên Mai cũng xin được đi học lớp cán sự điều dưỡng, rồi đi làm việc ở một bệnh viện. Tuy nhiên cuộc sống của dân miền Nam chúng ta vào giai đoạn đó rất khó khăn về mọi phương diện. Phong trào vượt biên, vượt biển càng lúc càng nở rộ. Thân mẫu của Mai là một người phụ nữ rất kiên cường, gan dạ, bà đã từng tuyên bố với các con:
“Mẹ đã trốn chạy CS từ ngoài Bắc vào đây, mẹ muốn đưa tất cả các con đi trốn tụi nó một lần nữa, nhưng rất tiếc nước mình không còn chỗ nào để đi, vậy các con, đứa nào có phương tiện, cứ việc lên đường, không thể sống với bọn nó được đâu!”
Thời gian thấm thoát trôi qua, từ một người con gái mơn mởn đào tơ, có bao nhiêu chàng thi nhau săn đón, cuộc sống của Mai lúc đó thật chán nản, người xưa, cũng biệt vô âm tín; Mai muốn kiếm phương tiện ra đi, mặc dù cũng biết phía trước là hiểm nguy gian khổ, nhưng hàng ngày phải nhìn thấy những khuôn mặt khó ưa, cuộc sống lại khó khăn trăm bề, tuổi xuân mỗi lúc mỗi tàn phai. Nhiều tên nón cối cứ gạ gẫm, nhưng làm sao Mai có thể mê nổi loại người mà chính mẹ Mai đã muốn cao chạy, xa bay!
Ðầu Tháng Tư 1984, dịp may tới, nếu chịu chi, Mai chỉ phải trả một cây vàng, thay vì hai cây như những người trước đã đòi. Là một người con gái siêng năng, cần kiệm Mai đã dành dụm được một ít, cộng với số vàng mẹ cho, vay mượn thêm Mai cũng tạm đủ chi cho người tổ chức chuyến ra đi “định mệnh” này.
Lợi dụng vào thời điểm bọn cầm quyền lo tổ chức ngày mừng “đại thắng mùa xuân” của chúng, chúng sẽ lơ là trong việc kiểm tra sinh hoạt của người dân, người tổ chức chuyến vượt biển hẹn Mai ở một địa điểm tại ngã tư Bẩy Hiền. Ðến điểm hẹn họ giao cho Mai một bé trai khoảng 5 hoặc 6 tuổi, để Mai dẫn theo. Người đàn ông hướng dẫn viên khoảng 30 tuổi nói nhỏ vào tai Mai: “Cứ dẫn chú nhóc theo ông ta, và đừng nói gì hết.”
Kể từ thời điểm đó, lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe, Mai cứ theo ông ta như một cái bóng, cho tới khi tới vùng có tên là Rạch Sỏi, thuộc tỉnh Rạch Giá. Sau đó Mai được đưa vào một căn nhà bỏ trống, ở đó đã có sẵn mấy chục người đang chờ, nằm ngồi ngổn ngang, người nào cũng ngơ ngác, hoang mang! Từng toán, rồi từng toán, được từ từ đưa đi ra tầu, tới gần sáng mới đến phiên Mai, nhóm của Mai gồm có 5 người, là những người cuối cùng ra bến đợi. Sắp ra tới nơi, thì có tin, những người đi trong đêm, đã bị bắt khá nhiều, chuyến đi dự tính bị hủy bỏ. Ai nấy cũng sững sờ, buồn khổ và thất vọng.
Một người trong nhóm khá lớn tuổi, có lẽ là sĩ quan QLVNCH cũ, đến gần người hướng dẫn viên nói: “Tất cả anh chị em còn lại đây đều xa lạ với vùng đất này, nếu các anh bỏ họ bơ vơ ở đây, thì họ sẽ xoay sở ra sao!” Cuối cùng nhóm của Mai cũng được cho ra tới bến bãi để lên tầu!! Con tầu thay vì chứa được khoảng 50 người, thì giờ này chỉ còn 22 người, kể cả ông bà chủ tầu và một sĩ quan Hải Quân QLVNCH cũ, làm tài công. Khi đã yên vị, có chỗ ngồi tương đối thoải mái, Mai đưa mắt đảo qua một lượt để quan sát những người có mặt trên tầu: ông bà chủ tầu, khoảng trên 50 tuổi, chàng sĩ quan hải quân, làm tài công, đang điều khiển con tầu, có vẻ khá thành thạo, nghe nói mới “ra trại” được một năm, tuy không còn phong độ, hào hoa như thời còn trong trang phục của một chàng sĩ quan Hải Quân QLVNCH, nhưng tạng người cao lớn, vẻ mặt cương nghị của chàng cũng đã gieo vào lòng Mai một mối cảm tình như nàng đã có với “người xưa.” Ba người đàn bà khác, cũng trạc tuổi Mai, một bé gái khoảng 8, 9 tuổi, còn lại toàn là đàn ông, con trai.
Mai là người thiếu nữ đẹp nhất bọn, mặc dù trước lúc ra đi nàng đã bỏ lại những trang phục mà nàng ưa thích hàng ngày. Nàng vươn vai cho giãn gân cốt, hít một hơi dài không khí trong lành của biển khơi. Nàng mường tượng, giá chuyến hải hành này, là một chuyến du ngoạn trên một chiếc tầu hải quân của “phe ta,” bên cạnh có chàng sĩ quan hải quân đang điều khiển con tầu, thì hay biết mấy, mặc dù nàng cũng có nghe phong phanh là đàn bà không được phép xuống tầu hải quân. Còn đang thả hồn vào những mơ mộng phi thực tế, thì từ đàng xa, một con tầu xuất hiện, từ từ tiến lại mỗi lúc một gần, vừa mừng, vừa sợ. Tưởng có tầu đến cho quá giang vào trại tỵ nạn, không dè trên bong tầu đang bay phần phật một lá cờ đỏ chói, với ngôi sao vàng, mỗi lúc một hiện rõ. Cả con tầu tội nghiệp xôn xao, ai nấy sợ hãi, nhiều người đã rươm rướm nước mắt. Không tới mươi phút, chiếc tầu của “phe thắng trận” đã cập sát mé tầu của Mai.
Bọn hải giám nhẩy sang lục vấn: “Ai là chủ tầu”? – “Chủ tầu đã bị bắt”! Một người trả lời. “Ai là tài công?” “Tài công cũng bị bắt!”… Sau một hồi chất vấn lục soát, tên trưởng tầu hải giám hất hàm hỏi: “Muốn giải về hay muốn đi tiếp?”… Ông chủ tầu của Mai, sau khi giả vờ bàn bạc với mấy người gần đó, rồi xuống hầm tầu lên, ông ta đưa cho hắn một gói giấy, hắn mở ra liếc coi, đút vào túi, ngoắc đồng bọn trở về tầu, bẻ lái đi thẳng. Mai được một phen đứng tim, thở phào nhẹ nhõm. Trước khi nổ máy cho tầu tiếp tục cuộc hành trình tìm tự do, chàng tài công, cũng quay nhìn Mai, như ngầm nói: Có anh đây, em đừng sợ nghe! Một giây bối rối, một chút xốn xang như chợt hiện ra trong tâm trí người con gái đã 25 cái xuân thì, nhưng chưa hề thực sự nếm mùi vị tình ái ra sao.
Người tài công nổ máy tiếp tục cho con tầu rẽ sóng tiến về phía vịnh Thái Lan, vì đó là con đường gần nhất cho những người vượt biển đi tìm tự do để đến Thái Lan hoặc Mã Lai. Chiếc tầu được trang bị hải bàn, máy móc và lương thực tương đối đầy đủ, người tài công cũng tỏ ra có tay nghề rất vững làm cho Mai vừa tin tưởng, vừa an tâm. Mai còn vẽ ra trong trí tưởng tượng là nếu được ghép với chàng thành một cặp, thì có lẽ con đường tỵ nạn của nàng sẽ suôn sẻ hơn. Hình bóng của chàng sĩ quan Hải Quân QLVNCH với trang phục trắng tươi, mà một đôi lần nàng bắt gặp trên hè phố Sài Gòn, vừa thoáng hiện trong tâm tư nàng, thì cũng là lúc mọi người trên tầu chộn rộn, xôn xao, vì phía trước vừa xuất hiện một con tầu đang rẽ sóng tiến về phía nàng.
“Bọn hải tặc” mọi người cùng thốt lên một lượt. Khuôn mặt trắng tươi hồng hào của Mai bỗng nhiên đổi mầu, xanh như một tầu lá chuối. Ôi, một kiếp hồng nhan! Không biết đã có bao nhiêu những người con gái thân yêu của mẹ Việt Nam đã gặp hoàn cảnh như Mai bây giờ? Lỗi này do ai gây nên?
Bọn hải tặc cho tầu áp sát vào thân tầu của Mai, năm tay súng AK, bốn tên cầm mã tấu, nhẩy sang tầu của Mai, bắt mọi người dồn vào một góc, ra lệnh tháo hết nữ trang, đồng hồ, tiền, vàng bạc đưa cho chúng. Bọn cướp biển này chắc là người Thái Lan, vì nước da của chúng không đen như người Mã Lai. Mai còn đang bán tín, bán nghi, thì đã bị chúng đẩy, đưa qua tầu của chúng, cùng với những người phụ nữ khác.
Một màn hiếp dâm tập thể giữa thanh thiên bạch nhật một cách dã man, tàn bạo, vô nhân đạo của bọn người man rợ, vào những năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Bất chấp sự van xin, đau đớn, kêu khóc, của những nạn nhân khốn khổ, bọn chúng cứ thay nhau giở trò dã thú một cách bình thản, không một mảy may xót thương. Cuối cùng thì năm người con gái tội nghiệp của mẹ Việt Nam cũng được đẩy trả lại con tầu của họ, với nỗi niềm cay đắng, đau khổ, và đầy tủi nhục. Trời cao có thấu được nỗi niềm oan khiên này không?! Sự kiện tày trời này do ai gây nên?!
Con tầu, và những thuyền viên trắng tay, vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình trong âm thầm, lặng lẽ, mọi người, không ai bảo ai, đưa cặp mắt thất thần, nhìn sóng nước biển khơi, đôi dòng châu lã chã.
Cuộc đời đúng là bể khổ cho dân tộc Việt Nam, nói chung, và cho những sinh linh tội nghiệp trên con tầu vượt biển của Mai, nói riêng. “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”! Hết bọn hải tặc này, tới quân cướp biển khác, thay nhau cướp bóc và hãm hiếp những người trên con tầu nhỏ bé, mong manh của những người đi tìm tự do; tất cả là bẩy lần. Những người con gái tội nghiệp của chúng ta xơ ra như những trái mướp già, hầu như không một ai còn đủ vài giọt nước mắt để tuôn ra trên những gò má nhăn nhúm, khô ráp vì đau khổ, và vì gió biển! Lần thứ bẩy hai tầu của bọn hải tặc áp sát con tầu của Mai, chúng ào qua, lột trần quần áo của phụ nữ và “hành xử” tại chỗ, không một chút e dè, giống như chúng đang làm những công việc rất bình thường khác. Sau khi thỏa mãn thú tính, Mai được “chấm,”, để được làm “vợ”một tên trong bọn chúng, và được chuyển sang tầu của chúng.
Nhưng tội ác không được dừng lại ở đó, bọn mình người, dạ thú đó, cho hai con tầu của chúng làm thành thế gọng kìm rồi húc cho tới khi con tầu xấu số với hai mươi mốt sinh linh chìm hết dưới biển, thành mồi cho lũ thủy quái, mới chịu bỏ đi. Chỉ còn mình Mai, được quấn trong một tấm vải, không quần, không áo, co ro như con tôm vừa bị lột vỏ, thất thần nhìn bạn đồng hành chới với vật lộn với sóng biển, rồi thay nhau, từ từ chìm vào lòng đại dương, trong uất hận, căm hờn. Tội ác này do ai mà ra?! Mai nhắm mắt không dám nhìn thêm nữa, đầu óc quay cuồng, tưởng như muốn điên dại, vì sự dã man, tàn bạo, mà chưa bao giờ, Mai có thể hình dung nổi.
Chúng cho Mai ở trong một góc nhỏ của con tầu, rồi đi tìm những vị trí có nguồn cá để thả lưới. Thì ra bọn chúng không phải là hải tặc chuyên nghiệp, mà là ngư phủ Thái lan, chúng vừa đánh cá, vừa cướp bóc những con người cùng khổ chẳng may lọt vào tầm ngắm của chúng. Sở dĩ chúng phải sát hại những thuyền nhân của chúng ta, vì chúng sợ lộ hành tung cướp bóc của chúng. Nhưng cho dù vì bất cứ lý do nào chăng nữa, tội ác của chúng cũng thật đáng kinh tởm, và không thể dung tha!
Sau khoảng ba tuần làm “vợ” hờ cho một tên có vẻ có máu mặt trong bọn, và khi tới thời kỳ vào đất liền để lấy thực phẩm, gã “chồng hờ” của Mai cho nàng vào một chiếc thùng đựng nước, bỏ theo một ít thực phẩm, rồi thả xuống biển, mặc cho con Tạo xoay vần ra sao thì ra! Chúng không dám đem nàng vào đất liền, sợ bị lộ tẩy.
Thì ra Trời cũng còn “một” mắt, nên suốt một tuần lênh đênh trên biển trong chiếc “vỏ sò” đó, biển không nổi phong ba, và rồi những con sóng nhỏ hiền lành cứ từ từ đẩy nàng gần tới bờ. Mặc dù có một khúc cây, nhưng Mai không biết chèo chống chi cả, nên chiếc thùng cứ loay quay như gà mắc thóc, và cứ luẩn quẩn lúc vào, lúc ra. Từ nhỏ tới lớn, Mai chỉ biết ăn học, và làm những việc nhẹ, cơ thể mảnh khảnh, chân tay yếu đuối, thì làm sao có thể chống chọi với đại dương bao la, đầy bất trắc.
Ðang lúc phân vân, lo lắng, để kiếm cách tiếp cận với bờ, thì một chiếc ca nô chạy tới gần, Mai vội cởi chiếc áo ngoài vẫy lia lịa, nhưng than ôi, khi tới gần, nó đảo qua vài vòng, rồi chạy đi mất. Mai ngồi thụp xuống, nước mắt trào ra, vừa thương thân, vừa giận mình sao mãi gặp những nghịch tang thương thế này.
Nhưng ơ kìa, chiếc ca nô do ông già ban nãy cầm lái, đang lướt sóng trở lại. Khi gần tới nơi, ông ta quăng cho Mai một đầu giây, Mai chộp vội lấy cuốn chặt vào tay, gật đầu ra dấu. Ông già cho ca nô kéo Mai vào gần tới bờ, thì chạy thật nhanh, rồi buông sợi giây, để chiếc thùng của Mai tự lao vào một mình, vì chính quyền Thái đã ra lệnh cấm không cho công dân của họ vớt người vượt biển.
Cảnh sát Thái trên bờ đã trông thấy cảnh tượng hãn hữu đó, cho xe ra tận nơi, đưa Mai vào đồn cảnh sát. Ngày hôm đó, Mai vẫn còn nhớ, chính là ngày mùng 1 Tháng Năm 1984, sau đúng một tháng “bẩy nổi ba chìm” trên sóng nước bao la. Một người đàn bà Thái, hay làm từ thiện, nghe được tin tức trên đài phát thanh, đến đồn cảnh sát, xin lãnh Mai đưa vào bệnh viện, để khám sức khỏe và điều trị.
Một tuần sau, Mai được thông báo nàng đã có thai, nàng để tay lên bụng, nước mắt tuôn trào, thương cho phận mình, thương cho đứa con vừa được tượng hình trong hoàn cảnh vô cùng éo le này. Nơi Mai điều trị là một bệnh Công Giáo, nên không có chuyện phá thai. Ít lâu sau Cao Ủy Quốc Tế về người tỵ nạn CS đến phỏng vấn, rồi đưa Mai đến trại tỵ nạn Song Khla, đã có rất nhiều người Việt ra đi vào những năm trước đó hiện đang ở đây. Chỉ mấy ngày sau đó Mai cảm thấy khó ở, thì ra cái thai đã tự nhiên bị đào thải ra ngoài. Cũng còn may, vì một vấn nạn đã được ơn trên sắp đặt, an bài!
Trong vòng nửa năm ở Thái lan Mai đã lần lượt được chuyển đi các trại: từ Song khla đến Sikiew, rồi qua Panat Nikhom. Trong thời gian ở qua các trại tỵ nạn, Mai được nghe nhiều truyện cũng rất thương tâm cho số phận những thuyền nhân Việt Nam:
Có những con tầu với 40-50 người lúc ra đi, nhưng chỉ vào tới bờ được 4-5 người mà thôi!
Một chiếc thùng phi đã cứu mạng được 5 phụ nữ và một em bé, của một chiếc tầu bị bọn man di, mọi rợ phá hủy cho chìm, để phi tang.
Trước cảnh em gái bị hãm hiếp, một thanh niên nhảy vô sống mái với hải tặc, đã bị chúng dùng cây sắt đánh rơi hàm dưới ra, chỉ còn dính miếng da.
Một người chồng thấy vợ bị làm nhục ngay trước mắt, cũng liều chết xông vào ăn thua đủ với bọn côn đồ, hải khấu; bị chúng đổ xăng đốt cháy, nhưng đã nhanh chân nhảy xuống biển, bám vào cánh chân vịt của con tầu, vì là ngư dân, nên anh ta có thể cầm hơi dưới nước khá lâu, cho tới khi chúng bỏ đi, mới dám trồi lên. Sau khi bọn hải khấu bỏ đi, chiếc tầu của đám thuyền nhân này cũng bị hỏng máy, nhưng ý chí phấn đấu với nghịch cảnh của họ vẫn mạnh mẽ; họ đã cùng nhau làm một chiếc bè, và cuối cùng, mọi người trên bè cũng được kéo vào bờ, kể cả người bị đánh rụng hàm, và người bị đốt phỏng lưng!
Trường hợp của Mai là một “case” quá đặc biệt, nên Mai đã được đặc cách giải quyết sớm, nên chỉ sau nửa năm, Mai đã có mặt tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Một người con gái yếu đuối như Mai, mà phải vượt qua một giai đoạn kinh khủng như kể trên, mà giờ này vẫn còn tồn tại bình yên, thì quả là một sự kiện đặc biệt, hiếm có trong số mấy triệu người Việt tỵ nạn CS trên khắp thế giới.
Kính thưa quý độc giả thân thương, không phải chỉ một mình Mai chịu số phận oan khiên nghiệt ngã như trên, mà còn hàng trăm ngàn người con gái khác của mẹ Việt Nam cũng cùng chung số phận như Mai, và còn hơn Mai, là vì họ đã mãi mãi nằm sâu trong lòng đại dương bao la, và mãi mãi không thể ngậm cười nơi chín suối. Chế độ nào, tập đoàn nào đã tạo ra thảm cảnh này? Chẳng cần ai phải trả lời câu hỏi ngớ ngẩn này! Vậy mà, chúng ta có biết không, đã có biết bao nhiêu người, mới đó, giờ này đã không còn nhớ gì tới những “thành tích” đáng nguyền rủa của CS. Mẩu truyện nhỏ rất trung thực trên đây được thâu âm, rồi viết lại cho trôi chảy, để phần nào nhắc nhở cho những ai mau quên quá khứ, mà lại cả tin vào những ngọt bùi, gian trá của bọn lưu manh, được phần nào thức tỉnh. Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi câu truyện của quý độc giả.
No comments:
Post a Comment