Phạm Chí Dũng Theo VOA-08/03/2017
Phải sau hàng chục năm sân bay Tân Sơn Nhất bị “xẻ thịt” đến 157 ha để phục vụ các công trình “ăn chơi nhảy múa” như sân golf và nhà hàng, đến đầu năm 2017, Cục Hàng không thuộc Bộ Giao thông Vận tải mới lần đầu tiên lấp ló đề xuất “Muốn giải quyết được tình hình của Tân Sơn Nhất cần tính tới tất cả các phương án, kể cả phương án thu hồi đất quân sự ở phía Bắc sân bay và 127 ha đất trong sân bay đang làm sân golf…”.
Có thực như vậy không, dù chỉ mới trên phương diện “đề xuất”, hay chỉ thuần túy là một chiêu trò ma mị để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận về cảnh nghẽn tắc cả đất lẫn trời của sân bay trong khi nhóm lợi ích quân sự vẫn hoành hành?
Trả lại hay chỉ ‘tạm bàn giao’?
Từ vài năm qua, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là “thân Trung” Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó lại càng không…
Đại tá Phùng Quang Hải lại là “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3.000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư. Đến lúc này, phương án xây dựng hai đường băng cách nhau cả km với diện tích hiện tại là quá khó.
Mọi việc chỉ nhúc nhích chuyển động sau cú rớt đài của tướng Thanh tại Đại hội XII vào đầu năm 2016, kéo theo cú ngã ngựa của Đại tá Hải vào cuối năm đó.
Sau câu chuyện ra đi của cha con Phùng Quang Thanh, dường như xuất hiện sự “nổi dậy” của một nhóm tướng lĩnh trong quân đội - những người mà từ lâu đã bất đồng chính kiến với tướng Thanh về đối sách với Trung Quốc và phản ứng với vô số lợi ích của gia đình tướng Thanh.
Tuy nhiên ngay cả khi nhóm tướng lĩnh trên có ra mặt ủng hộ chủ trương thu hồi sân golf, mọi chuyện vẫn không hề dễ dàng. Cứ nhìn vào lễ ký kết giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải mới đây thì có thể thấy ngay tương lai đánh lận con đen: phía quân đội chỉ “cho mượn” 21 ha đất để tạm thời mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng với điều kiện là sau khi sân bay Long Thành được xây dựng xong thì 21 ha đất đó phải trả lại cho quân đội.
Trả lại quân đội hay trả lại nhóm lợi ích quân đội?
Ngay giới truyền thông nhà nước cũng mâu thuẫn kịch liệt khi đưa tin nóng hổi về lễ ký kết biên bản giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giao thông vận tải về 21 ha đất dùng để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sự khác biệt về cách dùng từ “bàn giao” và “tạm bàn giao” hay “cho mượn” đã phản ánh một sự khác biệt lớn về bản chất vụ “hợp tác làm ăn” này.
Chống quan tham và Dương Công Minh
Trong một diễn biến khác, chỉ vài ngày trước lễ ký kết vừa nêu giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giao thông vận tải, một Facebook mới lập có tên Chống quan tham đã đăng một bài dài với tựa đề “Sốc: Lộ âm mưu của Dương Công Minh cấu kết với tướng tá quân đội xóa sổ sân bay Tân Sơn Nhất!”. Bài viết này nêu ra rất nhiều chi tiết về “nhóm lợi ích quân đội” với “hai bố con” mà nhiều người cho rằng ám chỉ cha con Phùng Quang Thanh - cựu bộ trưởng quốc phòng và Phùng Quang Hải - cựu tổng giám đốc Tổng công ty 319 của Bộ Quốc phòng, trong mối liên đới thâm sâu với diện tích 157 ha mà nhóm này đã chiếm của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất để làm sân golf và nhiều công trình “ăn chơi nhảy múa”.
Tuy nhiều chi tiết của bài viết trên Facebook Chống quan tham là khó có thể được kiểm chứng, nhưng bài này đã nêu ra một ý quan trọng: phía Bộ Quốc phòng chỉ cho Bộ Giao thông vận tải mượn 21 ha đất để tạm thời chống nghẽn bay, nhưng sau khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì 21 ha đất đó phải trả lại cho Bộ Quốc phòng. Đáng lưu ý là chi tiết này của Facebook Chống quan tham đã được xác nhận tại lễ ký kết vừa kể giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giao thông vận tải, tức chỉ “cho mượn” chứ chẳng có gì gọi là “bàn giao”.
Bài viết trên Facebook Chống quan tham còn nêu ra một khả năng cực kỳ đáng lo ngại: một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và toàn bộ hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về sân bay Long Thành, 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tay một đại gia của nhóm lợi ích quân đội là ông Dương Công Minh.
Dù chưa biết khả năng này có xảy ra hay không, nhưng những gì mà người ta biết về đại gia Dương Công Minh có thể gây ra mối nghi ngờ và sợ hãi đến mất ngủ về nhân vật này.
Hiện tượng rõ ràng nhất là ông Minh đã chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ nhiều năm qua. Dự án sân golf cũng do Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng…. Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí theo một nhà báo có thâm niên trong ngành hàng không, chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm “đầu độc” người dân TP HCM bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Giờ đây, dù không còn Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải, người dân e rằng “đạn” của những đại gia quân đội như Dương Công Minh vẫn còn quá dồi dào, đủ để bắn phá nhu cầu lưu thông thiết thân của dân chúng và khách quốc tế.
Do vậy, cách gọi đúng tên cho lễ ký kết vừa nêu giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giao thông vận tải phải là phía quân đội chuyển trả lại 21 ha đất cho sân bay dân sự chứ không thể là “tạm bàn giao” hay “cho mượn”.
‘Phe cải cách quân đội’?
Nhưng dù có trả lại 21 ha đất thì phía quân đội vẫn còn chiếm dụng đến hơn 150 ha, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang rơi vào cảnh tắc nghẽn hàng ngày cả dưới đất lẫn trên trời.
Điều chắc chắn là nếu không có một áp lực đủ lớn từ công luận hoặc không xuất hiện “phe cải cách” đủ mạnh nào trong quân đội, tương lai mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ là cái bánh vẽ. Thậm chí ngược lại, không loại trừ một khả năng là 800 ha đất của sân bay này (tính cả diện tích đang dùng cho phần dân sự) sẽ lọt cả vào tay nhóm lợi ích quân sự một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và được mặc định là “thay thế Tân Sơn Nhất”.
Một dấu hiệu mong manh để người dân có thể hy vọng vào “thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”: lần đầu tiên Cục Hàng không nêu ra đề xuất này, trong khi trước đó không một cơ quan dân sự nào dám “bạo phổi” như thế. Người ta còn cho rằng nếu không có được một tín hiệu đồng thuận tối thiểu nào đó từ phía đảng và trong quân đội, sẽ chẳng có một bộ ngành chính phủ nào cả gan hé ra một đề xuất theo cách đó, cho dù có cho “uống mật gấu”.
Sân golf Tân Sơn Nhất cũng bởi thế còn có thể trở thành một bàn cờ chính trị. Không chỉ là các đấu sĩ của thời hậu Phùng Quang Thanh với số trước đó, mà có thể còn dắt dây việc cả những lực lượng trong đảng đang muốn thể hiện vai trò của mình càng “hoành tráng” càng hay, nhất là trước những hội nghị trung ương 5 và 6 trong năm 2017 mà không còn cách nào khác sẽ phải phân tranh cao thấp về ai là tổng bí thư trong tương lai gần.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment