Thiền Lâm-08-03-2017
(VNTB) - Trùng với thời gian xét xử vụ đại án Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương có liên quan đến Nguyễn Xuân Sơn - cựu chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN), Bộ Công Thương “bất ngờ” thông báo “đang xem xét việc điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về cơ quan này”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức Chủ tịch PVN sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt.
Thâm niên làm chủ tịch PVN của ông Nguyễn Quốc Khánh là một chi tiết đáng chú ý: ông Khánh mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm nhiệm Tổng giám đốc PetroVietnam vào tháng 1/2016, sau khi có khoảng nửa năm tạm quyền chức danh Chủ tịch khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức.
“Tuổi thọ” quá ngắn ngủi tại PVN của ông Nguyễn Quốc Khánh đã khiến phát sinh ngay dư luận về việc ông Khánh bị cách chức chứ không phải “được điều chuyển”.
Động tác của Bộ Công thương điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh từ PVN về bộ này cũng khiến người ta liên tưởng lại một nhân vật đang gây sóng gió chính trường và trở thành “tử thù” của Tổng bí thư Trọng”: sau khi gây lỗ hơn 3 ngàn tỷ đồng tại PVC (một đơn vị thành viên của PVN), ông Trịnh Xuân Thanh đã được “điều chuyển” làm phó văn phòng Bộ Công thương. Thậm chí trước đó ông Thanh còn được quy hoạch làm thứ trưởng bộ này.
Còn với PVN, sai phạm rõ ràng nhất là tập đoàn này đã góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương thời Hà Văn Thắm, nhưng cho đến nay toàn bộ số tiền đó đã không thu hồi được và đang bị coi là đã mất.
Tại phiên tòa xét xử “Hà Văn Thắm và đồng bọn”, dĩ nhiên người tiền nhiệm của ông Nguyễn Quốc Khánh là ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu chủ tịch PVN - phải chịu trách nhiệm về số 800 tỷ đồng không cánh mà bay trên. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao cho đến giờ này vẫn chưa thấy các cơ quan thực hành pháp luật đả động đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ việc 800 tỷ này, và ngoài Nguyễn Xuân Sơn còn có quan chức lãnh đạo nào khác của PVN “dính” Hà Văn Thắm?
PVN đang là tập đoàn nhà nước thuộc loại sung túc nhất Việt Nam. Báo cáo tài chính năm 2016 của doanh nghiệp này cho biết PVN có đến 166 ngàn tỷ đồng (trên 7 tỷ USD) tiền mặt gửi ngân hàng để lấy lãi.
Với số tài sản lưu động kếch xù ấy, lẽ đương nhiên PVN luôn là một quân cờ không hẳn là tốt trên bàn cờ chính trị quốc gia. Thận chí quan lộ sáng giá nhất là trường hợp ông Đinh La Thăng - cựu chủ tịch PVN, đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải và gần đây nhất còn lọt vào Bộ Chính trị với chức vụ đảng Bí thư thành ủy TP.HCM.
Cũng gần đây, có dư luận cho biết Ủy ban Kiểm tra trung ương của Ủy viên bộ chính trị Trần Quốc Vượng - người được xem là “Vương Kỳ Sơn” của Tổng bí thư Trọng (Vương Kỳ Sơn là Thường vụ bộ chính trị, phụ trách Ủy ban Kỷ luật trung ương Trung Quốc, người được xem là “sát thủ” của Tập Cận bình), sẽ công bố một “cáo trạng” về PVN kể từ năm 2008.
Như vậy sau một số động tác “chống tham nhũng” vào nửa cuối năm 2016 đối với một số đơn vị thành viên của PVN, đến đầu năm 2017 chiến dịch của Tổng bí thư Trọng đang áp sát tập đoàn mẹ cùng giới quan chức lãnh đạo đương nhiệm và có thể cả “tư lệnh” đã thôi chức của nó.
Một kịch bản có thể là, không cách này thì cách khác và có muốn cũng khó mà tránh được, PVN phải một lần “lên thớt”. Cũng là để bàn cờ được “tái cơ cấu”.
Chỉ chưa biết PVN so với Trầm Bê - vụ nào “nặng” hơn…
No comments:
Post a Comment