Việc làm nhỏ bé này của chúng tôi như một lời tri ân gửi đến những người phụ nữ quả cảm đã dám đối mặt với bạo quyền để nhận lấy những đòn roi và tù đày. Các mẹ, các chị, các em đã thắp nên ngọn nến của niềm hy vọng nhằm xua tan những đêm dài tăm tối, đã gánh trên vai gánh nặng của hơn 90 triệu con người với ước vọng thay đổi vận mệnh của đất nước.
*
Nghệ sĩ Kim Chi:
Nhiều người vẫn nghĩ rằng người phụ nữ thời xa xưa không được tôn trọng, nhưng thực tế ngay cho đến bây giờ, không phải mọi phụ nữ đều được tôn trọng, nhất là trong xã hội Việt Nam. Tôi đã từng đến các gia đình ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, họ mời tôi ăn cơm nhưng tôi không thấy người phụ nữ chủ nhân được tham dự. Khi tôi nêu thắc mắc thì ông chủ nhà giải thích rằng: “Nhà em quen là cứ mỗi khi có khách thì bà ấy ăn dưới bếp”. Tôi đã phản ứng ngay: “Vậy thì tôi xin phép đi xuống bếp ăn cùng bà chủ nhà. Vì tôi cũng là phụ nữ”. Trước thái độ đó của tôi, người vợ rơm rớm nước mắt phần vì tủi thân, phần vì cảm động vì lần đầu tiên có người bày tỏ công khai sự kính trọng mình. Qua một chuyện rất nhỏ và điển hình như thế, tôi khẳng định cho đến hôm nay, đa số phụ nữ ở Việt Nam không được tôn trọng.
Trong phong trào “thoát Trung”, tranh đấu cho Nhân quyền, bảo vệ môi trường thì người phụ nữ lại tham gia đông đảo, mạnh mẽ, thậm chí có chị em còn thể hiện sự vượt trội so với nam giới. Tôi có thể nêu ví dụ, có rất nhiều chị em dấn thân phải chịu tù đày như: Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Kim Thu, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Trần Ngọc Anh, Trần Thị Hài, Nguyễn Minh Thúy, Lê Thu Hà, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Thúy Quỳnh...
Tôi xin dành sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho 3 trường hợp mới bị bắt là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu và Trần Thị Nga. Các bạn có thể tìm thấy dấu ấn của họ để lại trên các tư liệu tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt là cuộc chiến chống lại nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường.
Rất tiếc, tôi không thể nhớ được hết tên những chị em vì yêu nước mà dấn thân chấp nhận tù đày.
Ngoài những người đã chịu tù đày, còn rất nhiều những gương mặt nữ dấn thân khác như: Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Đào Trang Loan (Hư Vô), Mai Phương Thảo, Cẩm Hường, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thúy Hạnh, Sương Quỳnh, Nguyễn Thị Bích Ngà (Ngà Voi), Võ Hồng Ly, Sông Quê, Đặng Bích Phượng, Trần Thị Thảo, Trần Thu Nguyệt... và nhiều chị em khác mà tôi không thể nêu hết tên.
Nhắc đến những người đấu tranh trực diện, đương đầu với chế độ độc tài, chúng ta không thể không nhắc tới những người mẹ, người vợ, người em, người chị của những TNLT và những người đang dấn thân. Sự hy sinh âm thầm của họ chính là sức mạnh để chúng ta có những người đấu tranh, dấn thân mạnh mẽ như ta đã thấy.
Tôi kính trọng và biết ơn những người phụ nữ quả cảm ấy. Tôi muốn nhân ngày 8/3/2017, gửi đến chị em những lời chúc sức khỏe, mạnh mẽ và chiến thắng.
Cựu TNLT Bùi Thị Minh Hằng:
Bất cứ thời kỳ nào của lịch sử Dân Tộc Việt Nam thì vai trò người Phụ Nữ cũng được in dấu ấn. Điều đó thể hiện rõ ràng qua quá trình lịch sử phát triển của Dân Tộc Việt Nam. Từ thời Hai Bà Trưng - Bà Triệu cho đến ngày nay. Phụ nữ tuy là "Phái yếu" nhưng trên thực tế họ đều gánh vác và thể hiện rất nổi bật vai trò của mình qua từng thời kỳ. Khi có giặc thì phụ nữ Việt Nam cũng tham gia vào đánh giặc. Đánh cho đến " Chỉ còn cái lai quần cúng đánh" với phương châm " Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Khi hòa bình xây dựng đất nước hay trong vai trò của một người chủ gia đình, tôi nhận thấy đều hiện diện vai trò người phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, đứng trước hiện tình đất nước. trong nhiều năm qua tôi đã nhìn thấy hình ảnh rất anh hùng bất khuất của nhiều phụ nữ. Họ hiện diện và đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi đất đai. Ho lên tiếng cho Dân chủ Nhân quyền và công cuộc canh tân đất nước. Họ từ mọi tầng lớp trong xã hội đã sẵn sàng rời bỏ căn bếp trong gia đình để bước ra ngoài xã hội. Lực lượng và con số phụ nữ tham gia vào đấu tranh không lùi bước trước bạo quyền Cộng sản càng ngày càng gia tăng. Điều đó có thể nhìn rất rõ qua danh sách TNLT đã - đang bị giam cầm và hàng ngũ những người dấn thân tiếp tục. Toàn cảnh bức tranh của cuộc đấu tranh và canh tân đất nước đang có sự đóng góp không hề nhỏ từ những BÓNG HỒNG.
Nhà báo Sương Quỳnh (Sài Gòn):
Ai cũng có thể nói câu “phụ nữ là một nửa thế giới”, nhưng không phải người đàn ông nào cũng công nhận một cách thành tâm đóng góp của người phụ nữ cho thế giới này. Nhất là tại Việt Nam, khi nhận thức của người dân còn lạc hậu, pháp luật nằm trong tay kẻ mạnh thì con người nói chung và phụ nữ nói riêng không thể được tôn trọng, thậm chí bị chà đạp.
Và đương nhiên, ở đâu có sự chà đạp nhân quyền, nhân phẩm thì ở đó có những con người đứng lên đòi nhân quyền, nhân phẩm cho mình và cho đồng bào của mình.
Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều phụ nữ can đảm cất lên tiếng nói để đòi quyền bình đẳng, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ mội trường, dân sinh và lên án bất công xã hội. Họ đã bị cầm tù chỉ vì hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình.
Tôi nghĩ, không chỉ ngày này mà hãy nhớ đến họ trong cả những ngày bình thường nhất, để xã hội biết đến sự hy sinh cao cả của họ. Những người này đã âm thâm chịu đựng những đau thương khi phải xa con, xa mẹ già, xa những người thân yêu chỉ vì họ mong muốn đóng góp cho xã hội được tốt đẹp hơn.
Cựu TNCT Huỳnh Anh Tú:
Nhiều người hỏi tôi vì sao lại đấu tranh chống độc tài? Câu trả lời khiến rất nhiều người bất ngờ. Xuất phát của tôi không có gì lớn lao, ghê gớm, hay những lý tưởng vĩ đại như một số người nghĩ. Tôi đấu tranh vì thương cảm, xót xa cho thân phận của những cô gái điếm người Việt trên đất Thái. Sau năm 1975, vì gốc gác Việt Nam Cộng Hòa nên gia đình chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tủi hổ trong đời sống hàng ngày. Năm 1992, gia đình tôi bỏ xứ ra đi để tìm tự do. Chúng tôi là hàng xóm của những người đồng bào lam lũ, và một số cô gái điếm. Họ lương thiện nhưng không có cơ hội kiếm tiền một cách đàng hoàng, nên phải bán thân vừa lo cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa phụ giúp cho cha mẹ. “Khách” mua trinh của những cô gái Việt - đau đớn thay có những tham tán, tùy viên của tòa đại sứ Việt cộng. Tôi không bao giờ quên hình ảnh hai cô gái điếm cùng khu trọ đã thất thần và hoảng sợ thế nào khi nhận ra người bạn xấu số của mình bị giết, xác thối rữa bị quẳng trong một hẻm núi. Những cảnh đời đau khổ, tủi nhục ấy đã dấy lên trong tôi lòng thương cảm. Tôi thù ghét sự xấu xa, khinh miệt những kẻ gây nên tội ác, và tôi đấu tranh chống lại nó.
Trên con đường tranh đấu, tôi đã gặp những người phụ nữ bình dị nhưng phi thường như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Mai Phương Thảo, Nguyễn Thị Bích Ngà, Trần Thị Nga... Khó mà kể ra hết những hy sinh, mất mát và sự đóng góp của họ trong công cuộc tranh đấu này. Những tổn thương do năm tháng tù đày và những đòn thù mà nhà cầm quyền giáng xuống đầu họ, nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể thấu hiểu được. Tôi đã cảm nhận, đã chứng kiến những tổn thương ấy lớn lao ấy đối với Nghiên, người bạn đời và cũng là một cựu TNLT. Tôi xin nghiêng mình cảm phục các chị, các em đã dũng cảm dấn thân cho cái đẹp và cái thiện. Nhưng mọi lời ca tụng cũng trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không xúm vào gánh vác cùng những người phụ nữ nhỏ bé ấy. Xin góp một bàn tay thắp nên ngọn nến để xua tan bóng đêm tăm tối của ngục tù đang bủa vây cả dân tộc này.”
Cựu TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh:
Trước đây, người phụ nữ chỉ đóng vai trò là người nội trợ, săn sóc gia đình và chuyện quan tâm về các vấn đề về xã hội họ cho rằng đó là việc của đàn ông. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Người phụ nữ hiện nay đang dần khẳng định vị trí và vai trò của mình trong xã hội, họ đã biết quan tâm các vấn đề về chính trị, kinh tế và đòi hỏi quyền lợi của người dân. Tuy con số rất nhỏ so với hơn 90 triệu dân và đa phần tập trung vào dân oan. Không chỉ riêng phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng ít người dám lên tiếng phản đối những điều sai trái của nhà cầm quyền, là vì nỗi sợ bị đàn áp, bắt bớ và vì cơm áo gạo tiền... Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong công cuộc tranh đấu về nhân quyền, dân sinh, môi trường, biển đảo không hề nhỏ trong xã hội ngày nay và rất cần thiết. Chính vì họ là phụ nữ nên luôn có sự tác động và thúc đẩy tinh thần của các chị em khác cũng như thúc đẩy tinh thần dấn thân của nam giới. Người phụ nữ có thể làm được những gì người đàn ông làm được và có khi họ còn làm tốt hơn nữa.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa:
Về phương diện lay động lương tâm của xã hội như những phụ nữ dám chấp nhận tù đày để lên tiếng như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga... Cho đến các chị em dân oan như Trần Ngọc Anh và Cấn Thị Thêu...
Người phụ nữ thân phận yếu đuối lẽ ra họ cần phải được bảo vệ. Nhưng vì sự sống còn của dân tộc nên họ không thể ngồi yên để thụ hưởng hạnh phúc riêng tư. Chính họ phải dấn thân cho một đất nước đã không còn nhân tính do chính nhà cầm quyền bất nhân tạo ra. Tôi mạn phép được hỏi những cánh đàn ông vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân tộc rằng, có bao giờ cảm thấy tự hổ thẹn khi mình không sánh bằng phụ nữ hay không?
Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà:
Phụ nữ Việt Nam vốn thường mơ ước một cuộc sống gia đình bình yên, chăm lo mái ấm và chồng con. Nhưng trong những năm qua cái mơ ước tưởng chừng giản đơn đó lại rất khó đối với nhiều phụ nữ bởi họ không thể ngồi yên nhìn tương lai đất nước, dân tộc đi vào chỗ chết. Chủ quyền, nhân quyền, môi trường, dân sinh, xã hội, dân trí dân khí... chỗ nào cũng đầy lo lắng. Những người phụ nữ không thể ngồi yên đó đành phải gạt đi cái mơ ước hạnh phúc giản đơn của mình để chung tay lo việc đất nước, cộng đồng, cũng chính là lo cho chính họ và gia đình tương lai con cái. Nhiều phụ nữ đã phải đi tù vì cái "tội yêu nước" trong đó có những người mẹ có con thơ dại. Những đóng góp của họ cho đất nước nói chung và cho phong trào nới riêng là không thể cân đong đo đếm, góp phần thúc đấy tiến trình tìm dân chủ, tự do và phát triển cho Việt Nam. Tôi tự hào và ngưỡng mộ họ và đã học hỏi được nhiều ở nơi họ.
Kỹ sư Trần Bang:
Trong công cuộc đấu tranh đòi tự do nhân quyền, dân chủ, bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường sống của Việt Nam hiện nay, phụ nữ Việt nam đóng vai trò quan trọng. Họ không những không thua nam giới, mà trong một số lĩnh vực phụ nữ còn đứng ở vị trí tiên phong, dẫn dắt, và số lượng nữ giới ở một số XHDS tham gia còn đông hơn nam giới. Phải chăng, khi dân tộc rơi vào thời kỳ tăm tối thì người đầu tiên và quyết liệt để chống lại kẻ thù của dân tộc lại khởi đầu bởi phụ nữ. Như thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, khởi nghĩa giành độc lập và chống cường quyền đã có Hai Bà Trưng tiếp đó là Bà Triệu.
Ngày nay bóng tối độc tài cộng sản phủ trên quê hương cướp mất tự do, cướp tài sản, ruộng đất của người dân, khi kẻ bành trường lợi dụng bóng tối Cộng Sản Việt Nam để chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, ngang nhiên khẳng định đường lưỡi bò ở Biển Đông. Bành trướng cộng sản Trung Quốc đang đầu độc đất nước Việt Nam ở mọi lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, đầu tư, du lịch... hàng hóa, công nghệ độc hại, lạc hậu nhằm làm suy đồi người Việt để nô lệ hóa người VN và chiếm toàn bộ VN. Đó cũng là lúc xuất hiện hàng loạt các phụ nữ đứng lên quyết phá tan màn đêm tối đang bao phủ, phải kể đến Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... trong lĩnh vực văn nghệ, báo chí. Sau này rất nhiều những phụ nữ tuổi còn trẻ đã ý thức được mối nguy cơ mất nước, chủ quyền Quốc gia bị Trung Cộng xâm chiếm như Hoàng- Trường sa... và đã lên tiếng chống lại kẻ xâm lược, chống bất công, chống độc tài Cộng Sản, đòi dân chủ, tự do cho người dân như Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thị Minh Thúy, Lê Thu Hà, Hồ Thị Bích Khương, Trần Thị Ngọc Anh, Trần Thị Hài, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyên Ngọc Lụa, Nguyễn Phương Uyên,... tôi xin ngả mũ kính phục và tri ân những anh thư Việt Nam này.
Hải Âu (Mạng Lưới Blogger Việt Nam)
Tôi cho rằng những đóng góp của những người phụ nữ đang hoạt động nhân quyền tại VN là vô cùng đáng quí. Họ chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân, chấp nhận chịu cảnh chia cắt tình mẫu tử, chấp nhận tù đày của cộng sản. Những điều mà lẽ ra một người phụ nữ không đáng phải gánh chịu. Tuy nhiên, trước sự cai trị tàn độc của nhà cầm quyền cộng sản, họ đã can đảm dẫn thân cho nhân quyền, dân quyền và cho môi trường sống của VN. Dù chế độ cộng sản không chấp nhận họ, thậm chí đàn áp, bắt bớ, bỏ tù họ thì tôi vẫn tin họ không bao giờ bị khuất phục. Nhân ngày 8/3 tôi xin được tỏ lòng trân quí những đóng góp của họ. Dù rằng giờ phút này họ đang chịu sự kềm kẹp, khủng bố ở ngoài đời hay nơi nhà tù cộng sản.
Ký giả Trương Minh Đức:
Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của giới nữ trong cuộc vận động đòi tự do, nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam cũng như những hy sinh, mất mát của họ. Tuy nhiên, ngày hôm nay tôi xin được nhắc đến những người phụ nữ khác, không đấu tranh trực diện nhưng đóng vai trò rất quan trọng về tinh thần cho những người TNLT, những cựu TNLT và những người tranh đấu trong hành trình vượt qua những khó khăn, thử thách và gian khổ, nhất là khi đương đầu với nhà cầm quyền độc tài hiện nay. Nhà cầm quyền dùng mọi thủ đoạn để nhắm vào họ, gây những tác động tâm lý không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày nhằm làm nhụt chí những người đấu tranh. Họ là mẹ, là vợ, là chị, là em, là con của những người tranh đấu. Những người đấu tranh dân chủ chỉ thật sự mạnh mẽ, thật sự tiến lên và thành công khi “hậu phương” của họ mạnh mẽ và vững chắc. Chính họ đã đem lại một tinh thần thép cho công cuộc đấu tranh này. Không chỉ những năm tháng tù đày, mà trong mỗi ngày trên đường dài tranh đấu của tôi, tôi thực sự biết ơn vợ tôi, các con tôi đã chăm lo và hy sinh cùng tôi.
Nhân dịp ngày 8 tháng 3 năm nay, kính chúc quý bà, quý cô, những người vợ, người mẹ, người chị, người em, người con trong gia đình luôn mạnh khỏe, vững vàng để hỗ trợ về tinh thần, đời sống nhằm góp phần cho công cuộc chung của đất nước.
Blogger Song Vinh (Hoa Kỳ)
Người phụ nữ không những đóng góp cho xã hội và gia đình, họ còn là người đứng sau hay đi trước những lúc cần. Họ làm vậy không chỉ cho gia đình riêng, mà cả cho gia đình bên chồng, hoặc cho con cho cháu. Hơn thế, trách nhiệm của họ không ngừng lại ở đó, vì đôi tay cùng con tim họ đã bao la như lòng biển. Họ vươn ra. Những phụ nữ không đóng góp gì cho tranh đấu nhân quyền, dân sinh, môi trường... thì đang ở nhà nấu cơm. Còn những phụ nữ lo cho việc tranh đấu cho dân oan, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền, môi trường thì đang ở... trong tù, hay sắp vào tù. Nơi nước ngoài, có thể, họ là những ngôi sao lu mờ. Ở Việt Nam, họ cũng là ngôi sao lu mà còn là những người bị chính quyền đàn áp, bị tra tấn vô cùng tàn độc, bị bắt vô tù không cần nguyên do. Nhưng bạn ơi, những vì sao lu là những vì sao sáng, sáng hơn những vì sao khác, chỉ vì chúng ở quá xa.
No comments:
Post a Comment