Thursday, March 9, 2017

Đất & Người Hà Nội


Nếu buộc chỉ được giữ riêng cho mình một bản nhạc Việt thôi, có lẽ, tôi sẽ chọn “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành (Lìa xa thành đô yêu dấu/một sớm khi heo may về/lòng khách tha hương vương sầu thương/nhìn "em" mờ trong mây khói/ bước đi nhưng chưa nỡ rời/ lệ sầu tràn mi/ đượm men cay đắng biệt ly) dù chưa bao giờ được đặt chân đến “thành đô yêu dấu”!
Có lúc, tôi còn chợt nghĩ thêm rằng: “Nếu sáng mai mở mắt và chợt thấy mình đang đứng giữa Ba Mươi Sáu Phố Phường thì chắc chắn (sau một thoáng ngỡ ngàng) tôi sẽ hớn hở dạo quanh khắp Hà Thành, cứ như một chú cá hồi đang hăm hở tìm về sông xưa, bến cũ vậy. 
Và nếu trong số bạn đồng hành có ai vui miệng, chỉ trỏ, liếng thoắng, giới thiệu chỗ này, nơi nọ (Tháp Rùa, Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Ô Quan Chưởng, Thành Cổ Loa ...) dám tôi sẽ gắt: “biết rồi nói mãi!”
Mà sự thực thì đúng thế. Tui  biết hết trơn từ lâu. Mọi danh lam thắng cảnh ở đất Thăng Long nào có lạ gì. Tôi đều đã xem qua hình ảnh, ít nhất, cũng cả ngàn lần rồi chớ bộ.
Món ngon Hà Hội, tôi cũng đã được thưởng thức (đều đều) qua sách báo, chả thiếu thứ chi: chả cá Lã Vọng, bún chả Thăng Long, bánh tôm Cổ Ngư, bánh cuốn Thanh Trì, phở ghánh Hàng Trống, kem dừa hồ Gươm ...
Cho mãi đến hôm nay, khi tóc đã đổi mầu, Hà Thành vẫn là nơi mà tôi ước ao được sống qua những ngày thơ ấu. Đối với một đứa bé sinh trưởng ở Á Châu thì có  nơi nào (và lúc nào) mà cuộc đời rộn rã, tưng bừng và hào hứng hơn ở  Hà Nội – vào một chiều mưa?
Đó là những buổi chiều vàng. Chỉ hình dung ra thôi cũng thấy sung sướng và thích thú đến run người. Coi: già, trẻ, lớn, bé đều hăm hở (và hớn hở) đổ túa hết ra đường với thau chậu, rổ rá, lưới vợt ... cầm sẵn trong tay. Vui còn hơn Tết nữa!
Có vụng về lắm thì cũng vồ được một hai ký chớ. Ít nhất thì cũng phải đủ cho một ơ cá rô kho tộ, một tô canh chua cá lóc, và vài con cá chép chiên dòn. Ăn rồi (dám) nhớ cho tới chết!
Ảnh: vnexpress
Ngoài hương vị của thức ăn thanh khiết, phong cảnh hữu tình, và văn hóa nền nã, Hà Nội còn ghi đậm trong trí nhớ của tôi cả trang sách viết về những ngày tháng hào hùng (“ngoài sức tưởng tượng”) nữa. Đọc mà cứ thấy thương mãi những đứa con người dũng cảm của mảnh đất ngàn năm văn vật:
“Ba phát đại bác cách nhau một phút một, ba hỏa pháo xanh tím xanh, tám giờ mười chín phút tối 19-12, tất cả tự vệ chiến đấu bỏ chạy hết, lũ chúng tôi, Tự Vệ Thành mà người ta gọi là Tự Vệ Công Tử, lũ chúng tôi đã khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc...
Người ta vẫn cho Tự Vệ Thành là chỉ biết ăn diện, mèo chuột, vì đã có tự vệ chiến đấu giữ thủ đô. Nhiều tiếng xì xào bi thử: Tiểu tư sản! Và dư luận khinh miệt chúng tôi đến nỗi chính chúng tôi cũng tưởng rằng chỉ cần nghe tiếng súng nổ, ấy là anh em tự vệ Thành đã kịp chạy lên đến trung tâm an toàn khu ‘lánh nạn’ rồi!
Thế mà khi nghe tiếng súng nổ lại chỉ thấy mặt toàn những thứ tự vệ tóc chải bóng, giầy còn bóng hơn tóc, và nếp quần thẳng tắp như xe chỉ...
Súng rộn lên hơn pháo tết. Cái tết oanh liệt nhất của thành Thăng Long, kể từ tết của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu. Chúng tôi giữ thành được hơn 1 tháng, người biến thành chuột, chui rúc, leo trèo, hầm hố, cống rãnh, kẽ ngạch, gầm thang, vừa cố sống vừa chiến đấu.
Chiến đấu! Tiếng hét thất thanh đêm 19-12.
Chiến đấu, tiếng tự nhiên của những tâm hồn can trường, nhưng chiến đấu lại cũng là tiếng ngại ngùng, hỗn hợp, hay có khi sợ hãi, trong những kẽ không ngờ đã biến thành chiến sĩ vào 1 đêm lịch sử. Này cụ Ký già sở Địa ốc, này ông bác sĩ Th trắng, béo tròn, này em học sinh niên thiếu, giữa buổi họp tối 20, dưới hầm rạp ciné hàng Bạc, trong tia mắt mỗi người đều có cả 1 cơn sốt rét. Thế nhưng, nhưng đến lúc phải giơ tay xung phong vào những tiểu tổ liên lạc – liên lạc, trên một chiến trường chưa có giới tuyến rõ rệt có là gì khác sự dấn thân vào chỗ chết?
Những cử chỉ đẹp, xưa nay chỉ đọc thấy trong sách – mà chúng ta vẫn coi là những câu chuyện bịa đặt, nhằm mục đích tuyên truyền giáo lý, những cử chỉ đẹp, đẹp hơn trong sách nữa ... đã khiến cho 2 giọt lệ chân thành cảm phục phải đọng trên khóe mắt của một bạn Hoa kiều:
- Dì oai ti! Dì oai ti!
Dì oai ti! Ý ngoại địa, ngoài sức tưởng tượng, người Hoa kiều thốt lên câu nói ấy là phải lắm!” (Nguyễn Kiên Trung. Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử . Sài Gòn: NXB Nguyễn Đình Vượng, 1958)
Nguyễn Kiên Trung là bút hiệu của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Ông sinh năm 1920 và đã mất năm 1979 trong lao tù cộng sản. Những người dân Hà Thành can trường (“ngoài sức tưởng tượng”) như thế hệ của ông, nay,  cũng không còn:
Nhưng người Hà Nội đến lạHọ biết Xã Hội Chủ Nghĩa là cái bánh vẽ cực kỳ thối tha mà cứ hớn hở ngồi vào lột lá bóc ăn và xơn xớt khen ngon khen ngọt đến nỗi người ngoài nhìn vào phát thèm.
Họ biết Hồ Chí Minh gian manh xảo trá mà cứ ngoác miệng ngợi ca lúc ông ta còn sống và khóc khô nước mắt khi ông chết. Họ biết bè lũ kế thừa đang đi tiếp con đường của ác quỉ mà vẫn tranh nhau làm tôi mọi, cúc cung tận tụy.
Họ biết lịch sử đang rao giảng là thứ cực kỳ giả dối nhưng học thuộc vanh vách, nếu có ai mạnh dạn đính chính thì phồng mang trợn mắt, cãi cối cãi chầy như sợ mất đi độc quyền làm thân sáo vẹt. Họ nhận quá nhiều đau khổ do độc tài đảng trị nhưng không dám đối mặt với kẻ thù cứ ươn hèn đổ vạ cho phong kiến, cho tư sản, cho địa chủ, cho Mỹ Ngụy, xua con em vào chết ở miền Nam mà không biết đang hiến máu cho hung thần và đang hy sinh cho một thiên đường mù.
 Ngoại trừ một số rất ít sớm thức tỉnh như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Dương Thu Hương, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc ... tôi chưa thấy một tổ chức nào bi phẫn, chưa thấy một đoàn thể nào muốn nắm tay nhau liên kết xuông đường biểu tình, họp mít-tinh  vạch mặt chỉ tên bè lũ tay sai Nga – Hoa, tập đoàn phi nhân bản, phản nhân quyền, bọn bán nước cầu vinh ...(Vũ Điện Biền. Phiên Bản Tình Yêu. Fall Church, VA: Tiếng Quê Hương, 2013).
Ảnh: Dân Làm Báo
Cái nhìn thượng dẫn của một người cầm bút, xem ra, lại hoàn toàn trùng hợp với nhận định của một người cầm lái – theo như lời kể của Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, vào hôm 23 tháng 2 năm 2017 vừa qua:
“Mỗi lần mình đi taxi hay gợi chuyện để anh tài nói cho nghe nhiều chuyện thực tế thú vị. Lần này, anh tài toàn nói lý lẽ...
          - Cơ chế này tạo ra cho người lãnh đạo như vua, chức bé thì vua bé, chức to thì vua to; từ HT, chủ tịch phường, xã trở lên, ‘vua’ tất! Chủ trương, quyết định thì từ trên xuống, nhưng tiền bao giờ cũng chảy ngược từ dưới lên, bác biết không? Trên không cho chủ trương, không duyệt sao dưới dám làm? Bác nhìn 2 bên đường xem, nhà mấy chục tầng xây liền nhau san sát thế kia, có quy hoạch thành phố nào như vậy không? Nhưng trên vẫn ký cho dưới làm liều, và tiền chảy ngược lên. Bây giờ xử bắn mấy anh ở Vinashine, Vinaline hay kỷ luật mấy anh liên quan Formosa… chỉ là cái ngọn, để an dân thôi. Cái gốc là người ký chủ trương từ trên cao chứ. Và tiền cũng chảy ngược lên, càng cao càng chảy mạnh chứ… Cho nên nó dột từ nóc dột xuống…
          - Cậu phân tích hay thật. Nhưng liệu dân ta có nhiều người biết được như cậu không?
          - Biết hết chứ bác! Dân ta ai chẳng biết chế độ này thối nát thế nào, nhưng không muốn nói ra. Nhất là dân Hà Nội, hèn lắm bác ạ. Cái gì họ cũng biết, nhưng họ sợ, họ ngại không dám thể hiện. Họ muốn thay đổi nhưng chờ ai đó làm giúp, chứ bản thân lại hãi! Dân miền Trung hay miền Nam họ bộc trực hơn, dũng cảm hơn và cũng đoàn kết, có tổ chức hơn.”
Câu nói của ông tài xế taxi khiến mặt tôi đỏ lên vì ngượng. Tất nhiên, tôi không dám ngượng thay cho dân Hà Nội. Cái thứ đàn ông bỏ chạy trong cơn quốc biến, như tôi, và chạy mất dép (luôn) cho mãi đến cuối đời thì còn dám ngượng “thay” cho ai nữa!

No comments:

Post a Comment