Monday, February 20, 2017

Việt Nam lại… dạy nghề cho nông dân

Sự nhàn rỗi của nông dân Việt Nam. (Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn Việt Nam vừa loan báo, trong ba năm từ 2017 đến 2020, sẽ chi khoảng 2,000 tỷ đồng để “đào tạo nghề cho lao động nông thôn.”
Theo ông Ma Quang Trung, cục trưởng Cục Kinh Tế Hợp Tác và Phát Triển Nông Thôn của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn, sắp tới, “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” sẽ “tập trung vào những ngành nghề hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và đào tạo nông dân, công nhân nông nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.”
Ông Trung không đề cập gì đến chương trình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (thường được gọi tắt là “Dự án 1956”) trong 10 năm (từ 2010 – 2020), mỗi năm, dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn. Người ta ước đoán, tổng số tiền mà chính quyền Việt Nam đã chi cho “Dự án 1956” là 26,000 tỷ đồng.
Hồi Tháng Ba, 2013, ông Trần Đức Lai, thứ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông, loan báo, tính đến hết năm 2012, chính quyền Việt Nam đã chi 4,500 tỷ đồng để dạy nghề cho khoảng 1.1 triệu nông dân theo “Dự án 1956.” Đến Tháng Năm cùng năm, sau khi khảo sát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tờ Sài Gòn Giải phóng công bố một bài viết, có tựa là “Đào tạo nghề nông thôn ở ĐBSCL – Mục tiêu xa rời thực tế,” theo đó, khu vực này đã “đào tạo nghề” cho vài chục ngàn nông dân nhưng gần như chẳng có ai tìm được việc làm, bởi vì đó là những “nghề” mà xã hội không có nhu cầu.
Trả lời báo giới về “Dự án 1956,” ông Đào Trọng Thi, cựu chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên, và Nhi Đồng Quốc Hội Việt Nam, từng thú thật: “Nhiều nơi cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt chỉ để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém.”
Đã từng có nhiều cuộc khảo sát mà kết quả cho thấy, nam thanh niên ở khu vực nông thôn đã và đang bị đẩy vào tình trạng “sống mòn,” không nghề nghiệp, không gia đình, không tương lai vì vừa bị hạn chế về học vấn, vừa không có nghề, tương lai bấp bênh, nhiều nam thanh niên ở khu vực nông thôn không thể lập gia đình, nhàn rỗi, nhiều thanh niên giải khuây bằng nhậu nhẹt, cà phê, tệ hơn là cờ bạc, trộm cắp, một số dính vào ma túy…
Cách nay vài năm, trong báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên,” Tổ Chức Lao Động Thế Giới (ILO) cảnh báo, khoảng 50% số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên (giới có tuổi từ 15 đến 24) và Việt Nam đang lãng phí một nguồn nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế và xã hội.
Lúc đó, ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc chi nhánh ILO tại Việt Nam, cảnh báo, nếu thanh niên không được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn và không được đối xử công bằng, Việt Nam đã bỏ lỡ một nguồn nhân lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình. ILO khuyến cáo, Việt Nam nên khai mở tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cơ hội về việc làm với năng suất cao cho thanh niên. Chính quyền Việt Nam từng đặt ra một chương trình gọi là “xây dựng nông thôn mới” và nhận được khá nhiều viện trợ để thực hiện mục tiêu mà ILO cũng như nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo.
Tháng Mười Một năm ngoái, Quốc Hội Việt Nam có thảo luận sôi nổi về chương trình “xây dựng nông thôn mới.”
Trong năm năm, từ 2010 đến 2015, Việt Nam chi ra 850 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tại Việt Nam có 2,016 xã (23% tổng số xã) đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới.” Theo sau đó là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15,277 tỷ đồng do xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã được đề ra và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Vào thời điểm vừa kể, một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét, công nhận đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” không hợp lý nên lãng phí vì không hiệu quả, ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo “tiêu chuẩn nông thôn mới” đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế.
Các đại biểu khác thì đề cập đến tình trạng, để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình “xây dựng nông thôn mới,” chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con. Họ đề nghị phải xem kết quả chương trình “xây dựng nông thôn mới” có tương xứng với chi phí hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho nông dân, đặc biệt là các gia đình nghèo hay không, có bao nhiêu gia đình bị ép buộc đóng góp quá mức nên phá sản.
Đáng nói là sau năm năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, di họa của nó rất rõ ràng: Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu, chẳng hạn như trả lương cho giáo viên. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng không được thanh toán,… nhưng cuối năm 2016, trước khi mãn nhiệm kỳ, 436/437 đại biểu Quốc Hội Việt Nam vẫn tán thành việc chi 193,000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới.”
Giống như vậy, ông Trung không đả động gì đến trách nhiệm và hiệu quả của 26,000 tỷ đồng đã chi để “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” mà chỉ quảng bá cho việc sắp chi thêm 2,000 tỷ đồng nữa cũng để “đào tạo nghề cho lao động nông thôn.” Không ai nói gì đến tương lai của hàng triệu thanh niên và vận mệnh của cả một dân tộc vẫn đang bị hủy hoại từ từ qua những chương trình như thế. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment