Phạm Chí Dũng-20-02-2017
(VNTB) - Cuộc xung đột giữa chính quyền với nhân dân và người Công giáo ở Việt Nam, nếu không còn lối thoát nào khác, sẽ tiến vào một chương đen tối và khôn lường biến cố.
“Ngày lễ máu” - tuyên truyền đen
14 tháng Hai năm 2017, đúng vào “ngày lễ máu” khi có đến vài chục giáo dân bị công an Nghệ An dùng dùi cui và lựu đạn cay để đàn áp cuộc tuần hành khiếu kiện Formosa, của bà con, một trang dư luận viên giật tít “Linh mục Nguyễn Đình Thục chỉ đạo giáo dân ném đá trọng thương giám đốc công an tỉnh Nghệ An”, cùng tấm hình một người không rõ mặt với vết nứt toang hoác đọng máu đen trên trán.
Ngay sau đó, hàng loạt trang dư luận viên đã lấy lại tin này và còn đòi “máu phải trả bằng máu”, “phải nghiêm trị bọn giáo dân” và “phải bắt giam ngay linh mục Nguyễn Đình Thục”… Rốt cuộc, 21 người tuần hành đã bị công an Nghệ An bắt, rất nhiều người khác bị công an đánh đập đến thảm thương. Cuộc tuần hành tạm ngừng.
Rất nhiều giáo dân bị công an Nghệ An đánh đập dã man
Nhưng chỉ ít ngày sau “ngày lễ máu”, người dân phát hiện rằng tấm hình người bị vết thương toang hoác trên trán hoàn toàn không phải là Giám đốc công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu, mà chính là một trong những giáo dân bị công an đánh đến bất tỉnh.
“Tuyên truyền đen” của chế độ, một lần nữa, đã đen đúa đến thế.
Cho đến nay, điều quái lạ là Giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu vẫn không hề xuất hiện để công luận được chứng kiến ông bị “ném đá đến trọng thương” như thế nào.
Chỉ với một bằng chứng về “tuyên truyền đen” như trên, toàn bộ tuyên giáo của bộ máy công an và chính quyền Nghệ An về “âm mưu bạo loạn của giáo dân” đã đổ sông đổ biển.
Sau cuộc đàn áp dã man giáo dân, một số nhân chứng đã đứng ra tố cáo về nhiều nhân viên an ninh đã trà trộn vào đoàn tuần hành khiếu kiện và đã ném đá vào lực lượng sắc phục, tạo cớ cho lực lượng này xông vào trấn áp đoàn tuần hành.
Nhiều giáo dân khác cũng lên tiếng tố cáo về việc công an Nghệ An đã dựng hiện trường giả với một chiếc xe bị đá ném vỡ loác choác cùng hàng trăm cục đá lổn nhổn xung quanh.
Trong khi đó, lựu đạn cay và dùi cui để dẹp biểu tình là hai chi tiết hoàn toàn không được báo Nghệ An nhắc tới trong bản tin ngày 15/2. Còn giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu vẫn… biến mất.
Thẳng tay đối đầu
Gần một năm đã vụt qua từ ngày đầu tiên cá chết nổi trắng biển 4 tỉnh miền Trung. Nhưng cho tới nay thì đã rõ: thay vì đối thoại và làm tối thiểu vài động tác bồi thường thỏa đáng, chính quyền trung ương và địa phương đã thẳng tay đối đầu với dân, với nạn nhân môi trường.
Và với người Công giáo.
Từ trước tết nguyên đán 2017, nhiều bài viết trên mạng xã hội (chứ không phải trên báo nhà nước bị cấm khẩu) đã trần thuật chua chát về một cái tết lạnh lẽo và hết sức thiếu thốn của các gia đình ngư dân miền Trung. Kể từ ngày xảy ra hậu quả xả thải ra biển của Formosa, nhiều gia đình ngư dân đã phải ly hương vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người còn lại ở quê hầu như đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng đã rõ là không thể tin lời Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng của một chính phủ đang được xem là “kiến tạo - liêm chính - hành động”. Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc hứa chắc như đỉnh đóng cột rằng đến tháng Chín năm 2017 sẽ bồi thường thỏa đáng và bồi thường hết cho dân. Nhưng sang tháng Chín vẫn chẳng thấy món bồi thường nào. Mãi đến tháng Mười Một, Mười Hai, các chính quyền địa phương mới bắt đầu bồi thường nhỏ giọt.
Nhưng làm thế nào để ngư dân sống sót với giá trị bồi thường chỉ đủ cho từ 3- 6 tháng? Sau đó họ biết làm gì với biển chết và lòng người cũng dần chết? Rõ là chính quyền trung ương và địa phương đã hoàn toàn không hề đoái hoài đến cái chết ấy, nếu không nói là ngược lại.
Sự ngược ngạo bắt đầu bằng việc chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bí mật thỏa thuận với Formosa khoản bồi thường 500 triệu USD mà chẳng nêu ra một cơ sở nào đủ thuyết phục. Sau cái chuyện đã rồi ấy mà tưởng như có thể khiến người dân thỏa mãn, đến lượt các chính quyền địa phương miền Trung lại tìm cách câu kéo tiền bồi thường, chưa kể những dấu hiệu về gạo “hỗ trợ” cho dân bị mốc xanh mà gà vịt còn không ăn được…
Bây giờ thì trái ngược với thái độ ban ơn mưa móc của giới quan chức chính phủ, con số 500 triệu USD mà Formosa “thỏa thuận ngầm” với chính phủ để bồi thường cho Việt Nam đã không thể khiến nguôi ngoai làm sóng phẫn nộ của người dân.
Sau cá chết là người chết. Bóng đen tử thần đang lảng vảng nơi vùng biển sẫm màu. Cái chết lại đang lừng lững xô tới hệt những con sóng thần bứt lên từ cơn động kinh khởi phát từ đáy sâu chế độ.
Một chương đen tối
Não trạng xem Công giáo như một loại “kẻ thù”, hoặc gần như thế, được tích tụ từ cuộc xung đột giữa Cộng sản và Công giáo hơn nửa thế kỷ trước, vẫn còn nặng nề trong đầu giới quan chức chính quyền và công an trị. Từ ngày vụ biểu tình chống Formosa nổ ra, nhiều lần giới dư luận viên của đảng lại tung ra những bài viết với những đoạn trích dẫn giống hệt văn phong báo cáo nội bộ với văn phong mạt sát người Công giáo và đánh giá Công giáo là mối họa khủng khiếp của chế độ.
Đã từ quá lâu, não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của nhiều quan chức công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng công giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa đọa vào tâm thế mà người đời cho là không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.
Sau sáu chục năm tạm yên ả, mồi lửa Công giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù “công giáo - cộng sản” có nguy cơ tái hiện, tiếng la hét bạc lòng chới với của dân tình giữa hai làn đạn…
Những phản ứng chính đáng và mãnh liệt của giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên, Đông Yên ở Nghệ An đối với chính quyền mới chỉ là khúc dạo đầu của bản giao hưởng có tên “Định mệnh”. Với cung cách chỉ đạo đầy ác ý của giới quan chức thiếu tầm và quá thiếu tâm, chẳng mấy chốc người công giáo sẽ bị đẩy vào thế đối nghịch.
“Ngày lễ máu” 14 tháng Hai năm nay. Súng đã nổ và máu đã đổ. Thay vì bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu và đóng cửa nhà máy Formosa, quyền lực và lợi ích chính quyền đã được đặt lên trên tất cả.
Ngư dân - giáo dân đã sắp đến đường cùng tuyệt diệt!
Cuộc xung đột giữa chính quyền với nhân dân và người Công giáo ở Việt Nam, nếu không còn lối thoát nào khác, sẽ tiến vào một chương đen tối và khôn lường biến cố.
No comments:
Post a Comment