Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2017-02-16
Người dân Hà Nội tưởng niệm cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam 17/2/1979 - 17/2/2016. AFP photo
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từng là nỗi đau của dân tộc vì hàng chục ngàn chiến sĩ, người dân đã bỏ mình khi Trung Quốc xua quân tiến đánh nước ta vào năm 1979. Có điều kể từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay báo chí không được phép nhắc tới, sách giáo khoa cũng không dạy cho học sinh dù chỉ là một cách sơ sài. Từ nhiều năm trước dư luận đã bức xúc và yêu cầu đổi chương trình lịch sử trong sách giáo khoa cho tới thời gian gần đây thì việc này mới được Bộ giáo dục cho phép trong chương trình cải cách sách giáo khoa.
Mặc Lâm phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh, người tham gia vào việc biên soạn lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ xuất bản vào năm 2018.
Phải khách quan chuyện lịch sử
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, vấn đề cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lại âm ỉ trở lại nhất là lúc mà sách giáo khoa mới sắp xuất bản. Là người tham gia biên tập chương trình mới ông có thấy vui về kết quả này không?
GS Vũ Dương Ninh: Sự kiện này tôi nhớ hồi năm trước cũng đã có bàn bạc nhiều rồi. Sách giáo khoa không đưa lên đầy đủ nội dung của sự việc trong sách giáo khoa mà đưa một một cách sơ sài cho nên người học sẽ không nắm vững được vấn đề. Theo như năm ngoái đã thảo luận thì sách giáo khoa mới sẽ được cải biên một cách đầy đủ để cho học sinh có thể hiểu được những gì đã xảy ra.
Mặc Lâm:Trong một năm chờ đợi từ đây tới năm 2018 học sinh lại vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi về những lỗ hổng mà Bộ Giáo dục tạo ra, ngoài việc phải chờ đợi thì thầy cô giáo có cách nào nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về cuộc chiến năm 1979 không ạ?
GS Vũ Dương Ninh: Thật ra thì bây giờ sách giáo khoa đang cải cách và người ta dự tính thay và đang viết trong năm nay. Chưa có sách giáo khoa mới nhưng các địa phương họ đều soạn thêm bài một cách rõ ràng theo ý đó. Theo kế hoạch thì đến năm 2018 khi có sách giáo khoa mới thì sẽ đưa nội dung mới vào còn bây giờ thì họ có những bài giảng để bổ sung vào những chỗ đó.
Mặc Lâm: Báo chí, dư luận xã hội đã nói quá nhiều về việc né tránh không cho học sinh biết sự thật về cuộc chiến tranh này, theo GS né tránh như vậy có phải là cách hành xử đúng đắn của nền giáo dục và liệu khi học sinh tự tìm hiều và biết được sự thật qua các nguồn khác thì kết quả sẽ ra sao?
GS Vũ Dương Ninh: Tôi nghĩ thế này, nó là vấn đề lịch sử thì mình phải nói một cách khách quan những chuyện đã xảy ra. Vì nói hay không nói thì chuyện cũng đã xảy ra rồi phải cần cho học sinh biết. Vấn đề là thế này, chuyện xảy ra như vậy nhưng tại sao lại như vậy cần phân tích cho học sinh hiểu. Cũng như trước đây trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ thì mình cũng nói lên hết nhưng nó đâu có ảnh hưởng quan hệ Việt Pháp hay Việt Mỹ đâu? Cái này nó có khó khăn hơn tức là nó không giống như đã xảy ra nhưng tôi nghĩ thế nào thì cũng phải nói một cách rõ ràng những sự việc nó xảy ra là như vậy.
Đến lúc phải thay đổi?
Mặc Lâm:Nhiều nhận xét cho rằng Trung Quốc như một quả bom nổ chậm nằm ngay trên đầu Việt Nam nên cố tránh không gây tác động tới ngòi nổ của nó là thượng sách nhất. Theo ông không nhắc tới hay né tránh sự thật lịch sử có phải là cách hay nhất để tránh chiến tranh hay không?Và tai hại nhãn tiền cho học sinh có được thấy trước?
GS Vũ Dương Ninh: Vâng, tất nhiên đã gọi là lịch sử thì nó phải khách quan, nói cho đầy đủ còn né tránh thì hậu quả sẽ rất là tai hại. Một lần người ta đã không hiểu được điều gì đã xảy ra mà khi đã không hiểu thì nhận thức về tình hình sẽ sai lầm cho nên chúng tôi thảo luận nhất quyết phải đưa sự thật lịch sử vào trong sách giáo khoa. Dĩ nhiên sách giáo khoa thì không thể nói được hết bởi vì nó có khuôn khổ một bài giảng, khuôn khổ của một cuốn sách nhưng vấn đề cốt lõi là phải nói cho đúng những sự kiện đã xảy ra. Như vậy để tránh tình trạng học sinh không hiểu về những vấn đề đang xảy ra và do đó ý thức bảo vệ tổ quốc, ý thức về gìn giữ biên giới cũng như biển đảo mình phải nâng cao ý thức đó cho học sinh trong thế hệ thanh niên mới.
Những điều đó chúng tôi đã thảo luận và nhất quyết đề cập tới vấn đề này một cách khách quan, chân thực và từ đó nhắc nhở hai điều, một là nhắc nhở tới những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước hai là nhắc nhở tinh thần luôn luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Chúng ta sống trong hòa bình thế nhưng phải luôn luôn trong tư thế bảo vệ đất nước của chúng ta. Đó là những điều chúng tôi sẽ thể hiện trong sách giáo khoa.
Mặc Lâm: Trong thời gian gần đây báo chí có vẻ được nới lỏng khi nhắc tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với những bài viết gây cho người đọc nhiều cảm xúc. Có phải việc cho phép cải biên sách giáo khoa nằm trong cùng một thời điểm mà người ta thấy cần phải thay đổi hay không ạ?
GS Vũ Dương Ninh: Vâng lý thuyết thì như thế. Phải nói rằng cho tới nay sau khi diễn ra cái vụ dàn khoan thì mạng xã hội bùng lên từ đó người ta mới đặt vấn đề mạnh mẽ phải đưa lịch sử chống Trung Quốc vào sách giáo khoa và từ đó đến nay năm nào cũng thảo luận về vấn đề này nhất là các tiềm năng để mà thử nghiệm về các dữ kiện họ tấn công ta ở phía Bắc cũng như ở đảo Gạc Ma. Bây giờ gần như nó đã được khẳng định nhất thiết phải đưa vào sách giáo khoa.
Điều này thì chỉ có lợi thôi, có lợi cho việc giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ mới và như tôi vừa nói họ sẽ hiểu về nhiệm vụ trong việc bảo vệ tổ quốc đồng thời cũng vinh danh những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh này. Những điều đó tôi thấy là cần thiết nhưng mà cho tới nay vẫn đang biên soạn sách giáo khoa mới cho nên trong lúc chờ đợi từ năm ngoái đến năm nay tức là trong khi chưa có sách giáo khoa mới thì các sở giáo dục đã có biên soạn các tài liệu bổ sung để giảng dạy rồi. Không còn như cũ nữa đâu mà họ đã bổ sung sách mới vào rồi. Thế còn khi bộ giáo khoa mới vào năm 2018 thì chắc chắn sẽ đem chương trình lịch sử mới này vào.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.
No comments:
Post a Comment