Thursday, February 16, 2017

Những đồi sim tím 17/02: hào hùng, bất khuất và không quên

Anh Văn-16-02-2017
(VNTB) Gần 99% người Việt trẻ sẽ biết về ngày Valentine (14/02), nhưng cũng chừng đó giới trẻ có thể sẽ không hiểu rõ 17/02 (chiến tranh bảo vệ ở biên giới phía Bắc) là gì?

Vết khuyết dần được làm tròn

Suy cho cùng, cũng chỉ là một vết khuyết lớn của hệ thống chính quyền tạo ra. “Chính quyền nào thì nhân dân đó đã đúng” trong sự hiểu biết về cuộc chiến chống Trung Hoa bá quyền bành trướng.

Tôi sẽ không thể nào quên được bài viết với tiêu đề đậm “Không ai quên ngày 17-2” trên báo Tuổi Trẻ, ngắn gọn nhưng súc tích – rằng cuộc chiến của 17/02 là cuộc chiến của máu, nước mắt, bắt nguồn từ sự bất ngờ. Không ai ngờ rằng, một đồng minh trong cuộc chiến tranh ý thức hệ, lại là một kẻ thù không đội trời chung trong Hiến pháp Việt Nam. 

Có lẽ, người Việt thực sự ngây thơ, họ quá mệt mỏi với chiến tranh, họ nghĩ về 1 đường thẳng quan hệ với sự nắn đường của cái gọi là ý thức hệ và họ tin tưởng ít nhiều người anh em cung ứng cố vấn/ vũ khí trong cuộc chiến chống phương Tây, nhưng lại quên rằng đó lại là kẻ thù truyền thống – Trung Hoa.

Nhưng, cuộc chiến cũng đã lùi xa. Cái thứ còn tồn tại lại được đó là những di tích và nấm mồ biên giới nhiều thập niên không được nhắc vì “thỏa thuận” giữa chính quyền hai nước sau khi thiết lập lại ngoại giao, cho đến khi internet “gõ cửa”. Cái “gõ cửa” của thời đại công nghệ, mở toan cánh cửa thế giới phẳng, trong đó có sự thật về một cuộc chiến bị lãng quên. Cuộc chiến đó, đúng như TS Hồ Khang (Viện phó Viện Lịch sử) trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 18/02/2013 rằng: Có nhiều câu hỏi tự tôi cũng không trả lời được, theo thời gian thì sự thật vẫn là sự thật, có thể bây giờ không được nhắc nhiều. 

10.000 dân thường và hơn 10.000 người lính đã nằm xuống trên mọi địa hình của vùng biên giới.

Sự thật vẫn là sự thật

Đúng, sự thật là chúng ta đã trả giá quá đắt cho cái niềm tin hữu hảo bất diệt với nhà cầm quyền Trung Hoa, dù rằng, tì vết về sự “đổ lửa chiến tranh” của cố vấn Bắc Kinh trong “hai cuộc chiến tranh thần thánh” chính quyền Hà Nội đều nhận biết được. Sự thật rằng, chính quyền đã biến cuộc chiến hào hùng của cả một dân tộc trở thành một cuộc chiến lãng quên – ngay cả trên mặt trận báo chí. 

Có nỗi đau nào hơn thế, khi chương sử bi tráng nhất của một dân tộc là đứng lên tự vệ, chống ngoại bang trở thành một trò lấp liếm thô bỉ bởi mưa đồ chính trị.

Thời gian về sau này, biến động trong mối quan hệ Việt – Trung, internet và sức ép “minh bạch hóa” cuộc chiến của nhóm nhân sĩ yêu nước trở thành một nội lực thúc đẩy sự hiện diện 17/02 trong đời sống báo chí Việt Nam. 

Ánh mắt trẻ em miền biên khi di tản. Ảnh: internet
17/02 năm nay, truyền thông – báo chí Việt Nam đã thực sự tìm về vết tích của một cuộc chiến đỏ. Bản thân người viết, khi đọc những bài viết này, cảm thấy nhiều sự hỗn độn về mặt cảm xúc – căm phẫn, tự tôn, và bi hùng, đặc biệt với những bài viết ghi đậm ý chí ngoan cường, bất khuất của những chiến sĩ, đồng bào như “Chiến tranh Biên giới 1979: Giây phút sinh tử ở Pháo đài Đồng Đăng” [báo Infonet], với mùi pháo kích nồng nặc, ốp bộc phá, đổ xăng, phun chất độc đến bức tử bầu không khí. Và ánh mắt đầy mệt mỏi của hai em bé Cao Bằng chạy tỵ nạn, không khác gì những hình ảnh về những ánh mắt đổ sập vì cuộc chiến ở Syria, Yemen, Irag, Lybia mà báo chí hiện đại thường đăng tải. 

Sự thật là, mỗi một người tham gia trận chiến – dù ở hậu cần hay tiền phương, đều là một anh hùng của nhân dân, tổ quốc Việt Nam.

Cuộc chiến ác liệt và không thể quên đó còn cho thấy một điều, chúng ta không bao giờ được quên cái “dạ” của kẻ thù. Rằng, Trung Hoa không phải là “người anh cả” mà Hòa thượng Thích Chân Quang đã “bạo mồm” đến phỉ bang tự tôn dân rộc khi rêu rao trước nhóm Phật tử - mà đó là kẻ thù tiềm ẩn trong một người láng giềng – kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất trong mọi tình huống.
VNTB - Những đóa sim tím 17/02: hào hùng, bất khuất và không quên
Ngày 17/02/2017, xin dâng đóa hoa sim cho những người đã nằm xuống và mang trong minh vết tích của cuộc chiến Biên giới, nhắc nhở rằng: sẽ không quên về cuộc chiến và luôn luôn thường trực nỗi nghi ngờ đối với chính quyền Trung Hoa. Bằng cách đó, chúng ta mới giữ được nền hòa bình của quốc gia, dân tộc này.

Đó là sự thật vĩnh hằng với đất nước hình chữ S.

No comments:

Post a Comment