Saturday, February 18, 2017

Cảm thán xuân: Chúng ta đang sống ở đất nước nào đây?

Phạm Tuân-19-02-2017

(VNTB) - Chợt nhớ bức ảnh xem trên mạng chụp hình bà con Văn Giang bị bắn bằng súng hoa cải khi giữ đất cấy trồng, bức ảnh chụp bà con bện rơm làm khiên chắn đạn, thấy đau và uất ức không thể tả.


Tháng giêng,tháng lễ hội, bắt đầu từ mùng 4 tết các làng thi nhau mở hội. Đất Kinh Bắc có lẽ nhiều lễ hội nhất trong cả nước. bất kỳ phường xã nào cũng bắt gặp một vài thứ được công nhận là di tích lịch sử cần bảo tồn, dù nó chẳng còn cái gì thuộc về xưa cũ, tất cả đều được xây mới toe. Lễ hội nào cũng giống lễ hội nào, người đi xem người, người đi chơi các trò cá cược cua cá, người đi chơi bài và... trong đình các cụ mặc áo xống trang nghiêm đọc các bài tế con cháu chẳng bao giờ nghe và hiểu. quan sát các lễ hội thấy nó nghèo nàn và giống nhau một cách thảm hại, không hiểu cái bản sắc văn hóa người ta muốn gìn giữ ở các lễ hội đó là gì. Mình có một số tư liệu dư địa chí xưa có vài nội dung về lễ hội,những gì mô tả trong sách xưa thật khác xa so với ngày nay, ờ thì xã hội tiến lên mà.

Người ta đua nhau đi lễ chùa, chùa nào cũng chật cứng, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu may mắn cầu bình an. Người ta đi chùa là hướng thiện,nhưng... người ta đi lễ đông thế mà xã hội vẫn bất an, kẹt xe vì tranh đường, đâm nhau chết vì nhìn nhau hơi lâu một chút... cướp của người bị nạn... tự nhiên nhớ lời thầy dạy :" Người ta đi cầu cái người ta không có con ạ.". Vế đối của Tuệ Tĩnh tự nhiên như có ai đọc bên tai:" Đức thụ tư bồi phúc quả chung".

Ngoài đường phố mọi người đi làm, vẫn còn hơi hướng tết, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là các hàng bán đồ dành cho ngày 14/2. người ta thi nhau mua socola, mua hoa, mua các thứ quà tặng, những người trẻ háo hức. Thế hệ của mình lớn lên, thiếu cả sách vở, thiểu thông tin nên không biết ngày 14/2. nhưng có một ngày tháng 2 những người con đất Việt thế hệ chúng tôi không bao giờ quên đó là ngày 17/2. Cái ngày 17/2/1979 ấy kẻ thù truyền kiếp đánh rơi mặt nạ anh em để lọ dã tâm của chúng, cái ngày 17/2 ấy các bạn tôi rời giảng đường lên biên giới mãi không về, cái ngày mà hoa sim biên giới đi vào tâm thức chúng tôi như biểu tượng của lòng yêu tổ quốc. Nhìn các hàng phục vụ 14/2 và các bạn trẻ đang nô nức kia chợt thấy lòng đắng đót, thấy nhớ cồn cào những người bạn không về tháng 2/1979 năm ấy. Bao giờ những thế hệ trẻ Việt Nam tặng nhau những vòng hoa sim biên giới vào ngày 17/2?

Trời trở lạnh, buổi sáng xuống tới 11 độ, ngoài đường các Mẹ các chị vẫn tảo tần gánh những gánh rau xanh khắp thành phố. 1000 đồng một cây bắp cải. 1000 đồng một củ su hào, 1000 đồng một cây sup lơ.1000 đồng... trời ơi! trồng cấy tới tắm đến bao giờ. Mặt người ngơ ngác, nhưng 1000 đồng lẻ mà người thành phố không mua được cái gì ấy được các Mẹ các chị cần mẫn góp nhặt bằng mồ hôi vuốt phẳng để nuôi lớn những ông nghè ông cử, nuôi lớn những ước mơ thay đổi tận cội rễ cái khốn cái nghèo. Nhìn các Mẹ gánh rau, chợt nghĩ tới các dự án, đang lấy hết cả đất trồng, gánh rau hạt lúa vốn đã nhọc nhằn lại càng nhọc nhằn hơn. Chợt nhớ bức ảnh xem trên mạng chụp hình bà con Văn Giang bị bắn bằng súng hoa cải khi giữ đất cấy trồng, bức ảnh chụp bà con bện rơm làm khiên chắn đạn, thấy đau và uất ức không thể tả. Chúng ta đang sống ở đất nước nào đây? chúng ta đang xây dựng chế độ nào đây? Nếu trong số chúng ta có người nhà bị bắn chúng ta sẽ nói gì? chúng ta sẽ phản ứng thế nào hỡi các người thành phố?

Cuộc sống cứ trôi, chỉ vài ngày nữa nhịp độ công việc đi vào guồng quay, những ngày năm mới thành ngày cũ, vòng quay tạo hóa, để các thế hệ tiếp nối, tiếp nối...

Nhà ai mở CD của Lê Minh Sơn, giọng anh da diết:" Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa... bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào ngực cau nhu nhú đã vội đi xa... ". Vâng rồi đàn trâu về đâu? Em tôi đã từng buồn khi :" Chẳng còn cầu ao, chẳng còn viên đá Mẹ mài dao đó thôi".


Chúng ta có đổi mọi thứ để phát triển không? Và có ai biết bây giờ chúng ta đang ở đâu của thiên đường hay không?

No comments:

Post a Comment