Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, mưa lũ trong Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ Miền Trung diễn ra tại Hà Nội ngày 17/12, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ ở Miền Trung đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương... Ước tính, tổng thiệt hại tài sản lên đến gần 8.600 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn cộng với việc xả lũ của các hồ thủy điện.
Hiện tượng mưa lớn thì xưa nay hầu như năm nào cũng xảy ra, song chỉ những năm gần đây, với sự nở rộ của hàng loạt công trình thủy điện đủ loại, mỗi năm các tỉnh Miền Trung mới phải gồng mình gánh chịu hết trận lũ này đến trận lũ khác như vậy. Lũ trước chưa kịp rút thì lũ sau đã tràn đến, thiệt hại về người và tài sản không sao đong đếm xuể. Rõ ràng, mưa lớn là nguyên nhân khách quan, không tránh được, nhưng việc xả lũ của các hồ thủy điện là nguyên nhân chủ quan, do yếu tố con người gây nên. Vì thế, câu hỏi bức thiết không thể không đặt ra ở đây là: Bao giờ người dân Miền Trung mới thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “thủy điện xả lũ” này?
Để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng ta cần trả lời hai câu hỏi quan trọng là (i) các nhà máy thủy điện ở Miền Trung được quy hoạch như thế nào? và (ii) quy hoạch đó được thực hiện như thế nào?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay trên cả nước có 306 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 15.474,3 MW đang vận hành phát điện; 193 dự án (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 dự án (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát. Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn: đã vận hành phát điện 61 dự án (13.101,10 MW); đang thi công xây dựng 31 dự án (3.580,50 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án (730,50 MW); có 3 dự án (128 MW) chưa được cho phép nghiên cứu đầu tư. Tức là vẫn còn hàng trăm dự án thủy điện đang trong giai đoạn thi công hay nghiên cứu đầu tư, và điều này đồng nghĩa với việc vấn nạn do thủy điện gây ra sẽ còn nghiêm trọng hơn những gì mà người ta đã được chứng kiến.
Đáng quan ngại hơn, các dự án thủy điện đó lại ra đời trong bối cảnh Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, chưa xây dựng được một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nào, trong khi quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lại là căn cứ để hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành, trong đó có thủy điện, thủy nông.
Theo VOV ngày 12/9/2013 thì vì chưa có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nên ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông chưa được xác định và công bố, dẫn đến “bùng nổ”, lạm phát công trình, đặc biệt là những công trình thủy điện trên các lưu vực sông. Trong một năm, có khi có cả chục công trình thủy điện với công suất 30 MW, dung tích hồ chứa trên 500 triệu m3 nước hoặc vài chục công trình thủy điện vừa và nhỏ cùng được khởi công xây dựng. Nhiều nơi có tới 3 đến 5 công trình thủy điện cùng mọc lên trên một lưu vực sông. Căn cứ theo số liệu tổng hợp về số công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang vận hành, đang xây dựng và trong quy hoạch thì mật độ trung bình các hồ chứa trên các lưu vực sông ở nước ta là 94 km2/hồ. Nếu chấp nhận chỉ tiêu hợp lý bố trí công trình hồ chứa là khoảng 250-300 km2/hồ của Hội Thủy năng Quốc tế về hướng dẫn thủy điện bền vững thì mật độ công trình hồ chứa ở Việt Nam là thiếu tính bền vững về môi trường và tài nguyên.
Chưa hết, trong quá trình thi công, chủ đầu tư các dự án thủy điện, vì lợi nhuận cùng sự giám sát lỏng lẻo của cơ quan chức năng, đều tìm cách giảm dung tích hồ chứa so với thiết kế ban đầu (vốn dĩ đã không đủ lớn) nhằm giảm chi phí đầu tư. Hậu quả là hầu hết các hồ chứa thủy điện đều không thực hiện được chức năng cắt lũ, giảm lũ, làm chậm lũ vào mùa mưa và bổ sung dòng chảy trên sông vào mùa khô. Chẳng hạn, dung tích phòng lũ các hồ chứa thủy điện bậc thang trên sông Vu Gia - Thu Bồn giảm chỉ còn hơn 145 triệu m3 so với trên 1 tỷ m3 như quy hoạch ban đầu (tức vỏn vẹn hơn 14%). Do vậy, mỗi khi lũ về, thay vì góp phần ngăn lũ thì các nhà máy thủy điện lại (buộc phải) đồng loạt xả lũ ồ ạt, và hậu quả tất yếu là hạ du bị nhấn chìm trong biển lũ.
Như vậy, để khắc phục thảm trạng này người ta không còn cách nào khác là phải giảm mật độ công trình hồ chứa trên các lưu vực sông, nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường và tài nguyên, đồng thời tăng dung tích của các hồ chứa còn lại – một đòi hỏi xem ra là rất khó. Ngoài ra, các dự án thủy điện đang trong quá trình thi công hoặc sắp được khởi công cần phải được giám sát chặt chẽ về cả quy hoạch, thiết kế lẫn thi công. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, người dân Miền Trung không chỉ phải tiếp tục gánh chịu “kiếp nạn” mang tên thủy điện, mà mức độ thảm hoạ do nó gây ra sẽ ngày càng lớn, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa ngày một cấp bách và mang tính toàn cầu.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment