(Dân Việt) Dán băng dính vào mồm, cho đứng dưới trời nắng, bắt ăn ớt, cho cả lớp tát vào mặt...đó là những hình phạt đáng sợ, phản giáo dục, đáng lên án của các thầy cô. Những hình phạt này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh trong năm 2016.
Cho cả lớp tát vào mặt
Mới đây, dư luận được một phen sôi sục vì hình phạt của cô giáo Đ.D.T trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín – Hà Nội) với em Đỗ Tuấn Linh học sinh lớp 4A. Trước đó (ngày 26.12) vì cho rằng em Linh chửi bậy, không cần xác minh lại, cô T đã cho cả lớp 4A gồm 43 bạn lần lượt tát và cào vào mặt em Linh khiến mặt em bị xưng đỏ, tinh thần hoảng loạn không dám đến trường.
Gương mặt xây xước của học sinh bị 43 bạn tát theo lệnh cô.
Ngay sau khi được phụ huynh phản ánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Sở đã đề nghị cô T viết bản tường trình vụ việc và cho cô T nghỉ dạy để báo cáo lên Phòng giáo dục. Trong bản tường trình cô T cũng cho biết, không hiểu vì sao lúc đó lại cư xử như vậy, cô T cũng cảm thấy rất hối hận và đến tận nhà học sinh kia để xin lỗi.
Ngày 31.12, ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng giáo dục huyện Thường Tín cho biết, cô T sẽ phải nhận hình thức cảnh cáo và đình chỉ việc đứng lớp ít nhất một học kỳ.
Bịt miệng học sinh bằng... băng dính
Sự việc diễn ra vào tháng 11.2016, tại trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, ngày 23.11, phụ huynh T.H.H có con học lớp đã lên tiếng phản ánh việc cô giáo Phùng Hồng Anh (sinh năm 1992) giáo viên trường này dùng băng dính dán vào miệng rất nhiều học sinh vì tội... nói chuyện riêng trong lớp.
Ngay sau khi trường nhận được phản ánh, cô Phùng Hồng Anh đã thừa nhận sự việc này, số lượng học sinh bị cô dán băng dính vào miệng là 56 em. Cô giáo này còn cho rằng chỉ dán để “dọa các em thôi”.
Không chấp nhận được hành động phản giáo dục này của cô Hồng Anh, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – Hiệu trưởng trường cho biết, trường này đã họp và yêu cầu cô Phùng Hồng An tường trình rút kinh nghiệm: “Có thể nói việc dán băng dính vào miệng học sinh vì nói chuyện, mất trật tự là sai hoàn toàn. Không thể bao biện cho hành vi đó là bồng bột” – bà Hạnh nói,
Ngay sau đó cô giáo này đã chủ động xin nghỉ việc nên trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng chấm dứt hợp đồng thử việc với giáo viên này.
“Phơi” học sinh dưới trời nắng gắt
Đó là hình phạt của một thầy giáo thể dục tại Hải Phòng đã khiến dư luận hết sức bất bình vào tháng 9.2016.
Cụ thể, ngày 20.9, trong tiết thể dục, vì học sinh không thực hiện tốt một động tác thể dục mới nên thầy Nguyễn Danh Hiếu – giáo viên thể dục trường THPT Lê Hồng Phong (Quận Hồng Bàng – Tp Hải Phòng) đã cho học sinh tổ 1 và tổ 2 của lớp 10C7 chạy 10 vòng quanh sân trường.
Học sinh bị buộc phơi nắng.
Không dừng lại đó, đến tiếp học tiếp theo, thầy giáo này tiếp tục cho cả lớp 10C7 ngồi giữa cái nắng chang chang, chiếu thẳng vào mặt khiến học sinh buộc phải lấy tay che mặt.
Chứng kiến cách dạy “đặc biệt” của giáo viên thể dục này, đại diện ban giám hiệu trường THPT Lê Hồng Phong là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ đã ra tận sân trường và góp ý với giáo viên nên cho học sinh tập thể dục ở chỗ râm mát để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tuy nhiên, lần thứ 2 ra nhắc nhở nhưng giáo viên Nguyễn Danh Hiếu vẫn không nghe và tiếp tục cho học sinh ngồi trời nắng vì cho rằng hiệu trưởng can thiệp quá sâu vào giờ dạy của giáo viên.
Cho tới khi hai vị phó hiệu trưởng cùng ra và yêu cầu giáo viên cho học sinh học trong chỗ râm mát thì thầy Hiếu mới đồng ý. Sau khi bị đứng nắng, 4 em học sinh của lớp 10C7 đã viết đơn xin nghỉ học sau giờ thể dục ấy.
Sau đó, đại diện phụ huynh của lớp 10C7 đã viết đơn gửi ban giám hiệu nhà trường đề nghị đổi giáo viên thể dục cho học sinh lớp này.
Bắt học sinh nằm ngửa... đổ nước vào miệng
Đó là hình phạt của thầy giáo Nguyễn Minh Đề - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Cát Tài (Phù Cát – Bình Định).
Cụ thể, trong tiết sinh hoạt của lớp 7A3 vào chiều thứ Bảy ngày 31.10.2015, em Lưu Thế P. bị thầy Đề bắt nằm ngửa trên bục giảng rồi lấy nước đổ vào miệng (!) chỉ vì trước đó, khi lớp ồn ào, P. nhắc lớp im lặng. Thầy Đề cho rằng, việc nhắc nhở lớp không thuộc trách nhiệm của P.
Còn em Nguyễn Lê Gia B. bị thầy Đề dùng thước đánh vào đầu vì khi nộp học phí, em đưa 150 ngàn đồng, nhiều hơn mức phải nộp 30 ngàn đồng. Tuy nhiên, sau hai lần trả lại tiền thừa, thầy vẫn trả thiếu em B. 10 ngàn đồng nên bị B. thắc mắc.
Em Nguyễn Gia H. bị thầy Đề dùng tay tát tai do tự ý mở sổ đầu bài để xem, không thuộc bài, trống vào lớp đã đánh nhưng còn ra ngoài. Riêng em Nguyễn Thành L. do ngồi không đúng vị trí theo sơ đồ lớp nên bị thầy bắt nằm sấp, rồi dùng thước gỗ đánh.
Sau khi diễn ra vụ việc, trường Hội đồng kỷ luật của trường này đã họp và đề nghị hình thức kỷ luật buộc thôi việc với thầy Đề.
Phạt học sinh ăn... ớt
Trước đó, vào năm 2014, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước đã phải chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc đối với 3 giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập), vì “sáng kiến” ra hình phạt… phạt 19 học sinh ăn ớt.
ại bản tường trình của mình, cô Lê Thị Ánh Tuyết - chủ nhiệm lớp 4B1 - cho biết: “Ngày 18 và 19.2, trong lúc bực tức học sinh không học bài, làm bài và nói chuyện riêng trong lớp nên tôi đã cho những học sinh Điểu Chương, Hoàng Phi Hùng, Điểu Bảy, Điểu Tuấn, Điểu Bình ăn ớt”…
Cô Tuyết tiếp tục áp dụng “sáng kiến” phạt học sinh ăn ớt những ngày sau đó. Tổng cộng, có tới 12 học sinh lớp 4B1 - do nói chuyện riêng trong lớp và không học bài - đã bị cô Tuyết phạt bằng cách cho… ăn ớt. Thấy đồng nghiệp phạt học sinh ăn ớt thật hiệu quả, thầy Nguyễn Tiến Giáp - chủ nhiệm lớp 4B2 - đã mang “sáng kiến” trên cùng vài trái ớt về áp dụng cho học sinh lớp mình. Hậu quả là thêm 4 học sinh lớp 4B2 cũng bị thầy Giáp phạt… ăn ớt. Tiếp đó, cô Nguyễn Thị Hương - chủ nhiệm lớp 5B1 - cũng phạt 3 học sinh ăn ớt.
Trường Tiểu học Hoàng Diệu sau đó đã kỷ luật với hình thức cắt thi đua của 3 thầy, cô giáo trên trong năm học 2013-2014. Riêng cô Lê Thị Ánh Tuyết, không cho làm khối trưởng khối 4, đưa ra khỏi nguồn phát triển Đảng và không cho làm thành viên ban thanh tra nhân dân.
Cô giáo phạt 11 học sinh ngậm khăn lau bảng
Cuối năm 2013, một cô giáo mới được nhận vào Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi, TP.HCM được 2 tuần để dạy môn mỹ thuật thì xảy ra sự việc này. Cô được giao làm giáo viên chủ nhiệm lớp 2.
Cô giáo này kể lại: "Cứ mỗi lần tôi quay lên viết bài trên bảng là học sinh phía dưới nói chuyện rất ồn ào. Lớp học ở kế bên văn phòng nhà trường, tôi lo rằng mọi người sẽ nói cô dạy làm sao mà để học trò ồn quá. Tôi đã nhắc nhở, cũng có dọa nếu vẫn cứ nói chuyện thì sẽ bị quẹt giẻ lau bảng vào miệng. Nhưng sự việc vẫn cứ tiếp tục tái diễn”.
Bức xúc quá, cô giáo đã yêu cầu lớp trưởng đưa khăn lau bảng cho những học sinh nói chuyện phải ngậm, tổng cộng là 11 em phải ngậm khăn lau bảng.
No comments:
Post a Comment