Saturday, December 31, 2016

‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’

 ‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’
(PL)- Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói như trên trong cuộc gặp báo chí chiều 30-12.
Chiều 30-12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành hơn hai tiếng để trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề nóng liên quan đến bộ này trong thời gian qua.
Làm thép “không có lợi ích nhóm”
Liên quan đến dự án thép Cà Ná được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Tuấn Anh cho biết: “Dự án thép Cà Ná đang ở khâu quy hoạch nên chưa thể nói bất kỳ điều gì chi tiết. Mọi nhận xét, đánh giá chỉ mang tính võ đoán. Dự án đó oan nghiệt hay có hiệu quả sẽ có câu trả lời về sau”.
Theo ông Tuấn Anh, nhiều người nghi ngờ dự án thép Cà Ná có lợi ích nhóm. Bộ Công Thương khẳng định lại một lần nữa không có chuyện đó! Ông Tuấn Anh cho rằng việc Bộ đưa dự án vào quy hoạch là phù hợp với thực tiễn, cơ sở pháp lý. Quy hoạch thép nói chung cũng như chủ trương phát triển làm dự án thép Cà Ná được xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện.
“Một đất nước trên 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm thép; nếu không làm dự án thép sẽ gây mất cân đối nguồn cung cầu nghiêm trọng… Tôi cho rằng sẽ bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng Bộ Công Thương không bảo thủ mà luôn có quan điểm tiếp cận cầu thị, cởi mở, không né tránh. Việc bổ sung dự án thép Cà Ná là thay thế cho một dự án cũ đã bị rút giấy phép đầu tư vì không đáp ứng được điều kiện thực hiện. Hiện dự án mới chỉ dừng ở mức xem xét chủ trương đầu tư để nhà đầu tư nghiên cứu. Quá trình thẩm định để đi đến làm dự án là rất dài, qua nhiều bước thẩm định của các bộ, ngành. Bộ cũng sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chính thức các nhà phản biện, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết một ĐBQH đã từng chất vấn ông về trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố liên quan đến dự án. Bộ trưởng khẳng định không sợ trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt với trách nhiệm. “Tôi chỉ mong mọi người hãy hiểu đúng dự án… Chúng ta nói về quy hoạch thép chứ không phải nói về dự án thép đã được triển khai. Nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án như thép Cà Ná thì việc từ chức cũng quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho nhân dân, xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta và cả cá nhân bộ trưởng là bằng ý thức trách nhiệm không để xảy ra hệ lụy nào với dự án đó” - ông Tuấn Anh nói.
Cuối cùng, bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh nếu không làm thép Cà Ná, kéo theo các dự án khác như thép Dung Quất hay các dự án nhiệt điện cũng không thực hiện được. “Nếu chúng ta sợ hệ lụy thì sẽ không làm được gì cả. Một đất nước chỉ phát triển bằng hạt muối Cà Ná, hạt thóc Nam Bộ thôi cũng có nghĩa ta tự đánh mất cơ hội phát triển công nghiệp. Trước khi là bộ trưởng tôi là một công dân, một đảng viên và tôi thực hiện theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức nếu để xảy ra bất cứ hệ lụy nào từ dự án” - bộ trưởng Công Thương cam kết.
 ‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’ - ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: “Nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án như thép Cà Ná thì việc từ chức cũng quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho nhân dân, xã hội”. Ảnh: TP
“Không có chỗ cho mối quan hệ thân quen”
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu bộ máy, ông Trần Tuấn Anh cho biết khi Bộ Công Thương đưa ra dự thảo đề án tinh gọn bộ máy hành chính từ 35 cục, vụ, viện xuống còn 28 đơn vị, trong đó có việc sáp nhập, chia tách, xóa tên nhiều cục, vụ, viện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bộ luôn xem tái cơ cấu bộ máy là nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới. Ngoài ra, Ban Cán sự Bộ Công Thương nhận thức được trách nhiệm cũng như nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong bộ máy.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu thực tế thời gian qua có nhiều dư luận nghi ngại trong quá trình tái cơ cấu bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lợi “con ông cháu cha”. “Lãnh đạo Bộ cũng xác định được những nghi ngại này khi thực hiện tinh gọn biên chế bởi văn hóa người Việt luôn trọng tình nghĩa, thiên về tình cảm, có thể điều này chi phối đến việc bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, trong một xã hội nhà nước pháp quyền, một chính phủ liêm chính, kiến tạo không có chỗ cho mối quan hệ cá nhân, thân quen” - ông Tuấn Anh thẳng thắn.
Một vấn đề khác được báo chí đặt câu hỏi là mới đây Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ra nghị quyết giao cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ra quyết định thu hồi bổ nhiệm nhân sự liên quan đến ông Vũ Quang Hải, Vũ Đình Duy, Vũ Hùng Sơn… và loại khỏi quy hoạch thứ trưởng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thanh Hà.
Về việc này, Bộ trưởng Anh cho biết việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm nhân sự giai đoạn 2011-2016 là thực hiện triệt để theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nằm trong khuôn khổ pháp luật. Trong những nhân sự nêu trên, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tính toán và có quyết định phù hợp với trường hợp ông Võ Thanh Hà (hiện là chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn).
Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, cho biết việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm nhân sự trong giai đoạn 2011-2016 đã được Bộ Công Thương tham vấn ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và dựa trên những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là thủ tục về mặt hành chính, nghĩa là thu hồi các quyết định vì người ban hành quyết định đó có sai phạm và chịu hình thức kỷ luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ của các cá nhân nêu trên tại thời điểm trước đây. Ông Huy khẳng định việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm không phải là hình thức kỷ luật dành cho các cá nhân đó.
Phóng viên: Gần đây có thông tin cho hay 192 người thuộc quản lý của Bộ Công Thương trong diện cấm xuất cảnh, cụ thể thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào về danh sách nhân sự cấm xuất cảnh đi nước ngoài. Việc này cần xác minh thông tin qua Bộ Công an. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số trường hợp liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương đã không thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về xuất nhập cảnh. Dẫn đến hiện tượng các nhân sự này ở lại nước ngoài không thông qua cơ quan quản lý. Trong thẩm quyền của mình, Bộ đã chủ động thực hiện các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm với các vụ án kinh tế, các dự án có bất ổn về công tác cán bộ.
31/12/2016 - 07:00
TRÀ PHƯƠNG 

No comments:

Post a Comment