SÀI GÒN (NV) – Bà Phan Thúy Hằng, 49 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, Sài Gòn đang chờ tòa tuyên án. Có lẽ chỉ tại “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mới có chuyện “đáo tụng đình” hy hữu như vậy.
Vào ngày 12 Tháng Tư, bà Hằng chở một người bạn là bà Đỗ Thị Thanh Thúy bằng xe hai bánh gắn máy từ Sài Gòn về thăm mẹ của bà Hằng, ngụ tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đến nơi, bà Hằng băng qua đường (tỉnh lộ 832) rồi tấp vào lề. Trong lúc bà Hằng và bà Thúy chuẩn bị xuống xe để dắt vào nhà thì ông Hà Tấn Phong, 40 tuổi, điều khiển một xe hai bánh gắn máy khác đâm thẳng vào họ…
Nhiều nhân chứng khẳng định, họ tận mắt chứng kiến ông Phong chạy với tốc độ rất cao, đâm thẳng vào xe của bà Hằng, khi đó đã dừng sát lề. Cú va chạm mạnh đến mức bà Thúy bị hất văng ra giữa đường, bà Hằng gục xuống tại chỗ và bị chiếc xe hai bánh gắn máy đè lên người. Riêng ông Phong thì quờ quạng nhưng không phải do tác động của tai nạn mà vì quá say!
Sau tai nạn, cả bà Hằng và bà Thúy cùng bất tỉnh. Năm ngày sau bà Thúy tắt thở, bà Hằng hôn mê hai ngày và nằm liệt một chỗ trong 21 ngày.
Luật pháp Việt Nam cấm người có nồng độ cồn trong máu quá 0.25mg/1 lít khí thở điều khiển phương tiện giao thông. Những biên bản được lập sau khi xảy ra tai nạn ghi nhận nồng độ cồn trong máu của ông Phong là 0.679mg/1 lít khí thở, gấp gần ba lần mức cho phép.
Đó có thể là lý do ông Phong tự tìm đến gia đình bà Hằng và bà Thúy xin bãi nại. Ông Phong đã đưa cho thân nhân bà Thúy 50 triệu đồng để lo ma chay, đưa cho bà Hằng 15 triệu đồng để trả tiền điều trị. Bà Hằng kể rằng cả bà lẫn gia đình bà Thúy đều tin rằng, tai nạn là vận mạng, chưa kể họ không muốn đẩy một người cũng có gia đình vào tù nên cùng ký giấy bãi nại.
Thế nhưng chuyện không ngừng ở đó. Ba tháng sau ngày xảy ra tai nạn, công an huyện Bến Lức giao cho bà Hằng quyết định khởi tố vụ án trong đó bà Hằng là… bị can vì “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng” làm một người chết (bà Thúy – bạn bà Hằng). Bất kể lời khai của các nhân chứng, cả công an lẫn Viện Kiểm Sát huyện Bến Lức cùng lập luận, tai nạn xảy ra là do bà Hà băng qua đường không an toàn.
Ông Phong được xem là vô can. Chuyện ông Phong say rượu lái xe, tông vào bà Hằng và bà Thúy được xác định là chỉ cần xử phạt hành chính.
Ngày 14 Tháng Mười Hai, bà Hằng hầu tòa, đại diện Viện Kiểm Sát huyện Bến Lức đề nghị Hội Đồng Xét Xử phạt bà Hằng từ 9 tháng đến 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách từ 18 tháng đến 24 tháng. Những luật sư bào chữa cho bà Hằng hoặc được báo chí Việt Nam hỏi ý kiến đều cùng cho rằng, việc sử dụng chi tiết bà Hằng điều khiển xe băng qua đường và gạt bỏ lời khai của các nhân chứng cũng như tất cả các tình tiết khác như ông Phong say rượu, chạy quá tốc độ,… để xác định bà Hằng có tội là vô lý.
Một luật sư là phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn nói thẳng, rằng cần phải điều tra xem cả các điều tra viên của công an lẫn các kiểm sát viên của Viện Kiểm Sát huyện Bến Lức đã bị tác động từ đâu để lộn ngược vụ này.
Bởi cả “Kết luận điều tra” của công an và cáo trạng của Viện Kiểm Sát huyện Bến Lức đều không ổn, tòa án huyện Bến Lức đã hoãn tuyên án. Họ đang “ngâm cứu.” (G.Đ)
No comments:
Post a Comment