Monday, September 19, 2016

Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

RFA-2016-09-19  
songquyen-protest-622.jpg
Hôm Chủ nhật 18/9/2016, nhiều người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tuần hành phản đối việc công ty Formosa xả thải xuống sông Quyền. Ảnh chụp từ màn hình video youtube
Vào ngày 18/9/2016, rất đông người dân ở giáo xứ Dũ Yên đã biểu tình để phản đối Formosa cũng như phản đối việc chính quyền cho công ty Formosa xả thải ra sông Quyền.

Xả thải ra sông Quyền

Sáng Chủ nhật 18/9, gần 2.000 người thuộc tổ dân phố Tây Yên thuộc xứ Dũ Yên, phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh đã đứng lên biểu tình phản đối Formosa “xả chất thải chảy qua sông Quyền trước khi đổ ra biển”.
Trước đó vào ngày 9/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đại biểu của Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cần phải cho nước thải của công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh xả ra khu vực sông Quyền (con sông này nằm cạnh khu công nghiệp Formosa) để dễ quản lý.
Sau đó phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh ông Trần Nam Hồng đã làm văn bản, dự án để xả thải ra sông Quyền trước khi cho chất thải của Formosa đổ ra biển.
Khi nhận được thông tin đó từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh là đang phê duyệt về dự án này thì người dân ở đây đã rất phẫn nộ và không còn tin vào chính quyền.
Việc Formosa xả thải đã làm cho ngư dân của 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại rất nặng nề, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều người mất việc làm, gia đình điêu đứng, trong khi nhiều hộ ngư dân lại chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, nay chính quyền lại muốn nước thải đó đổ ra sông.

Nguồn sống bị nhiễm độc

Trong nhiều tuần qua, người dân ở Kỳ Anh đã có nhiều cuộc biểu tình, để yêu cầu chính quyền đóng cửa Formosa để trả lại biển sạch, cuộc sống cho người dân, tuy nhiên chính quyền không đóng cửa mà lại còn huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động để bảo vệ cho Formosa.
Đi cả giáo xứ, ngăn chặn bên phía chính quyền có dự định cho Formosa xả thải, con sông Quyền trải dài từ Formosa đến đầu kia, cuộc sống của người dân chỗ nhà em phụ thuộc vào sông đó.
Anh Văn, phố Tây Yên
Vào ngày 16/9, người dân ở xã Kỳ Phương đã phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ biển đèo Con cách nhà máy Formosa chừng 5km mà chưa rõ nguyên nhân, vào chiều ngày 15 tháng 09 lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Tĩnh đã phát hiện một tàu chờ Bô Xít từ Trung Quốc nhập vào Formosa, trước những động thái đó cho thấy chính quyền đang dung túng cho Formosa.
Trong khi người dân ở các tỉnh chịu thiệt hại do Formosa gây nên chưa đi đánh cá được, thì sông Quyền là nơi người dân có thể dựa vào, sông Quyền dài chỉ 20km, con sông này là nơi rất nhiều người dân dựa vào để đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cho tưới tiêu nông nghiệp…
Tuy nhiên chính quyền lại cho phép Formosa xả thải ra sông Quyền thì người dân ở đây coi như hết con đường sống. Nếu chất độc hại xả ra sông Quyền thì nguy cơ lây nhiễm bệnh còn cao hơn vì con sông này gắn liền với cuộc sống của người dân.

Yêu cầu đóng cửa Formosa

Anh Văn một người dân ở phố Tây Yên xứ Dũ Yên cho biết, sáng hôm qua sau thánh lễ Chúa Nhật thì hầu hết người dân trong giáo xứ với đầy đủ băng rôn, khẩu hiệu đã xuống đường biểu tình, với mong muốn chính quyền chấm dứt dự án xả thải của Formosa ra sông Quyền.
Anh Văn cũng cho biết từ khi chính quyền có quyết định xả thải ra sông Quyền thì người dân đã viết đơn phản đối nhưng vẫn chưa thấy chính quyền trả lời, anh cũng cho biết ý nghĩa của con sông này với người dân ở đây, cuộc biểu tình hôm qua của người dân ôn hòa, nên không có sự cản trở nào từ chính quyền địa phương.
“Đi cả giáo xứ, ngăn chặn bên phía chính quyền có dự định cho Formosa xả thải, con sông Quyền trải dài từ Formosa đến đầu kia, cuộc sống của người dân chỗ nhà em phụ thuộc vào sông đó.”
Chị Hạnh một người dân cũng cho biết, cuộc sống của chị lâu nay gắn liền với con sông này, ngoài việc đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, nó còn là nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, nước sinh hoạt cho bà con, nếu sông này bị ô nhiễm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn.
Nối liền với cảng Sơn Dương, nối ra chỗ Vũng Áng, họ có nuôi trồng đánh bắt, tưới tiêu.
Chị Hạnh, Kỳ Anh
Chị Hạnh chia sẻ:
“Nối liền với cảng Sơn Dương, nối ra chỗ Vũng Áng, họ có nuôi trồng đánh bắt, tưới tiêu”
Trên Facebook Người Tây Yên thuộc giáo xứ Dũ Yên chia sẻ nỗi bức xúc: Sự sống của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng, nên các nhà lãnh đạo hãy về từng địa phương, để thấy được nguyện vọng chính đáng của người dân chúng tôi, và dập tắt ngay ý tưởng dốt nát, ngu xuẩn này sớm nhất có thể.
Nếu cứ dồn chúng tôi đến đường cùng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đứng lên đấu tranh, sẽ vượt lên nỗi sợ hãi, dù cho phải đổ máu hay phải hy sinh tính mạng mình, bằng mọi giá chúng tôi phải bảo vệ con sông, quê hương và các thế hệ mai sau.
Đồng thời, chúng tôi sẽ khởi kiện những người có chức năng gây ra đại họa này, bởi vì khi một chút niềm tin vào các vị đã không còn nữa thì hậu quả sẽ thật khôn lường, sức mạnh đoàn kết của nhân dân sẽ đẩy lui tất cả và không có một thế lực đen tối nào có thể cản phá, ngăn chặn nỗi được đâu.
Dư luận cũng cho rằng, việc xả thải ra sông Quyền cho dễ xử lý, trước khi cho thải ra biển là một việc làm thiếu sáng suốt của chính quyền Hà Tĩnh, để ngăn chặn những hậu quả của nó gây ra thì hãy đóng cửa Formosa. Trên báo VOA Tiếng Việt cũng cho biết, tòa án Hình sự Quốc tế họ sẽ bắt đầu tập trung vào những tội phạm liên quan đến hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp.

No comments:

Post a Comment