Monday, September 19, 2016

Hơn 30,000 dân khốn đốn suốt 8 năm vì ‘quy hoạch treo’

Ðường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước không có cống thoát nước, hư hỏng. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN (NV) – Hơn 30,000 dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè chịu cảnh “treo” từ 8 năm nay “không thể làm gì” do vướng quy hoạch đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước.
Theo báo Tuổi Trẻ, từ ngày có thông tin quy hoạch, nhà nước ngừng cho phép tách thửa, chuyển nhượng nên nhiều người dân xã Hiệp Phước không còn muốn làm nông, đất bỏ hoang ngày càng nhiều, ruộng cỏ lấn dần ruộng lúa.
“Phần lớn đất bỏ hoang, số ít ruộng lúa thành đìa tôm. Vài tháng một lần, ủy ban xã phải nhắc nhở người dân phát cỏ, xịt muỗi để tránh hỏa hoạn, giảm sâu bọ, muỗi mòng,” ông Nguyễn Duy Thanh, phó chủ tịch xã Hiệp Phước, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiền, ở ấp 1, xã Hiệp Phước thừa nhận, đất lâu ngày không canh tác nên nhiễm phèn, sâu bệnh, chuột đồng phá…, đánh gục ý chí của những người nông dân cuối cùng còn muốn bám ruộng, bám đất. Nhiều người xin chuyển đất lúa thành đất vườn trồng cây lâu năm nhưng cây cũng khó phát triển nên đành để vườn trống cho cỏ mọc.
Thế nhưng, người dân ở xã lại không được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở. Vì vậy, nếu muốn bán đất phải bán trọn thửa chứ không được tách thửa bán một phần. Người dân có đất ở chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Ông Ðặng Ngọc Ẩn, nhà ở đường Nguyễn Văn Tạo, ấp 1, cho biết, gia đình ông bị thu hồi đất tại ấp 2 của xã này vào năm 2008 trong dự án cảng Hiệp Phước. Ðến năm 2014, ông mới được sắp xếp 300 mét vuông đất tái định cư tại hiện tại. Thế nhưng, khi xin giấy phép xây dựng, ông Ẩn chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn và phải cam kết tháo dỡ nhà khi nhà nước thực hiện quy hoạch. Hiện, ông Ẩn ở nhà mình mà canh cánh nỗi lo giải tỏa, di dời lần thứ hai.
Trong tình cảnh đó, nhiều người dân chấp nhận bán trọn thửa đất cho người từ nơi khác đến mua, với giá thấp để có tiền trang trải cuộc sống. Cụ thể, giá đất do nhà nước bồi thường cho vùng hạ lưu tại xã Hiệp Phước từ 350 đến 400 triệu đồng/1ha đất nông nghiệp, thì người dân chấp nhận bán đất với giá từ 200-250 triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Thanh, phó chủ tịch xã Hiệp Phước, thừa nhận, toàn bộ diện tích đất tại xã Hiệp Phước hiện nay đều thuộc quy hoạch khu đô thị từ năm 2007 nên không có chỗ nào được cấp giấy phép xây dựng chính thức.
Ông Thanh cho biết thêm, hiện nay hơn 3,800ha của xã Hiệp Phước chỉ còn khoảng 11ha đất trồng lúa đỏ vào đầu vụ năm 2016. Ủy ban xã cũng biết việc người dân bán đất giá thấp và có tuyên truyền, vận động người dân giữ đất để được nhà nước bồi thường giá cao hơn. Song, đây là thỏa thuận dân sự, người dân thực hiện quyền định đoạt tài sản của mình nên chính quyền không cấm được. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment