BÌNH THUẬN (NV) – Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi sự ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân và các khu công nghiệp khác.
Báo Pháp Luật Sài Gòn, ngày 19 tháng 9 dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch tỉnh Bình Thuận cho hay, tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Nông Nghiệp về việc điều chỉnh phạm vi khu bảo tồn biển Hòn Cau (cù lao Câu), một trong 16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam, có diện tích rộng khoảng 12,500 ha bao gồm cả diện tích đảo cùng vành đai bảo vệ và các vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái…, trên vùng biển huyện Tuy Phong, bởi “các nhà máy nhiệt điện ở tỉnh sẽ tác động nhất định đến khu bảo tồn, trong đó đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Văn Hữu, một ngư dân đã gắn bó hàng chục năm với Hòn Cau, cho biết, trước đây cá heo thường xuyên về quanh Hòn Cau để đùa giỡn nhưng gần đây ít thấy. Ðặc biệt ngày trước chỉ cần dùng tay moi cát sát bờ biển là có nước ngọt uống nhưng bây giờ thì rất khó, thậm chí những giếng nước đào sâu trong đảo cũng tìm đỏ con mắt mới ra.
“Ô nhiễm ở mấy nhà máy nhiệt điện, Hòn Cau đã gần chết nhưng tôi nghe nói sắp tới, sát bên đây làm thêm nhà máy thép nữa thì Hòn Cau chịu sao nổi,” ông Hữu nói như muốn khóc.
Người dân cho biết, từ khi Trung Tâm Ðiện Lực Vĩnh Tân xuất hiện rồi cảng chuyên dùng Vĩnh Tân tiếp nhận tàu chở hàng rời trọng tải từ 30,000-200,000 tấn được quy hoạch, xây dựng khu lấn biển thì mức độ chồng lấn lên diện tích biển của khu bảo tồn biển Hòn Cau quá lớn.
Mặc dù Trung Tâm Ðiện Lực Vĩnh Tân bao gồm các nhà máy nhiệt điện đều sinh sau đẻ muộn so với khu bảo tồn biển Hòn Cau nhưng đều được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường phê duyệt phúc trình đánh giá tác động môi trường với diện tích chồng lấn đến hơn 1,000 ha…
Ngoài việc chồng lấn diện tích, tình trạng ô nhiễm môi trường có nguy cơ ảnh hưởng và tác động đến hệ sinh thái khu bảo tồn biển Hòn Cau là rất lớn. Cụ thể, Trung Tâm Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân, đã để các nhà máy làm than rơi vãi theo nước mưa chảy ra biển, khiến nước biển biến thành màu đen tại khu vực cảng nhập than. Chưa hết, việc vận chuyển tro xỉ và bảo vệ môi trường không được làm đúng theo yêu cầu.
Nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Huỳnh Quang Huy, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bình Thuận, nhận định: “Nước thải ở các nhà máy nhiệt điện thường thải ra với nhiệt độ cao, điều này cũng đồng nghĩa những rạn san hô và các loài thủy sinh sẽ bị tác động trực tiếp, đe dọa sự sống còn,” ông Huy nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Quý, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Bình Thuận cho rằng, chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác, khu bảo tồn biển Hòn Cau bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây (có độ mặn cao hơn các vùng biển khác 3-4 độ). Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất… (Tr.N)
No comments:
Post a Comment