Chỉ ít ngày sai ngày quốc khánh 2/9 năm 2016, báo chí nhà nước bất ngờ tỉnh ngủ với thông tin ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra đảng, còn mạng xã hội sôi trào với cả tin này lẫn tin ông Thanh có khả năng đã đào tẩu ra nước ngoài.
Trịnh Xuân Thanh và lý do ra khỏi đảng. (Hình: Dân Làm Báo)
Thông tin trên phát ra vào ngày 7/9. Nhưng trước đó 2 ngày, bất thần xuất hiện tin về ông Dương Chí Dũng – một phạm nhân đình đám về tham nhũng đang thụ án trong trại giam của Bộ Công an – đã bất ngờ “chết trong trại giam”.
Cần chú ý là tin tức về Trịnh Xuân Thanh ra đảng đã xuất hiện trên mạng xã hội trước, sau đó được nhiều tờ báo nhà nước xác nhận. Tuy nhiên, báo nhà nước không đăng tải một bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương, trong lúc mạng xã hội lại nhận được một nguồn gửi nặc danh báo cáo này và cho đăng phát rộng rãi.
Bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh được phát trên mạng xã hội có 2 nội dung rất đáng chú ý: ông Thanh xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”, tức ông Nguyễn Phú Trọng, và cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài”.
Trước khi xuất hiện báo cáo trên của ông Thanh, báo Thanh Niên tường thuật rằng ông Thanh đã gọi điện cho phóng viên báo này để bộc lộ phản ứng về một số vấn đề mà theo ông Thanh, các cơ quan kiểm tra đảng đã kết luận sai về ông. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi ông Thanh đang ở đâu thì ông không cho biết, mà chỉ nói ông đang điều trị bệnh gout.
Hành động gọi điện cho phóng viên đã cho thấy ít nhất một điều: nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị công an bộ bắt giữ hoặc bị câu lưu ở một nơi nào đó thì đã rất khó có thể gọi điện thoại thoải mái ra ngoài như thế. Biểu hiện này cũng dẫn đến một giả thiết được nhiều người tin là có thể ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị bắt giữ hoặc bị câu lưu, mà đang “ngoài vòng pháp luật”.
Tuy chưa thể kết luận được bản báo cáo xin ra khỏi đảng ký tên Trịnh Xuân Thanh là xác thực hay không, người ta vẫn có thể liên hệ lại một báo cáo dài đến 12 trang ký tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho trang Ba Sàm chỉ vài tháng trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, trong đó giải trình 12 điểm. Báo cáo này đã gây sôi dộng dư luận và sau đó được nhiều nguồn tin xác nhận là báo cáo thực chứ không phải giả mạo.
Nếu bản báo báo ký tên Trịnh Xuân Thanh được gửi cho một số trang mạng xã hội và đăng tải vào ngày 7/9/2016 là thực, điều này xác nhận rằng ông Thanh nhiều khả năng hiện ở một chỗ đủ an toàn để viết thư, gọi điện và phản ứng với Tổng bí thư Trọng – người muốn bắt ông. Nơi an toàn đó rất thường là phải ở nước ngoài.
Và nếu quả ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, một vụ Dương Chí Dũng đào tẩu có khả năng lặp lại. Cần nhớ rằng trước đây Dương Chí Dũng khai đã được một quan chức cao cấp lộ tin về “sắp bị bắt” nên đã có đủ thời gian trốn thoát. Còn với Trịnh Xuân Thanh, liệu kịch bản “bắn tin” có hay không và nếu có thì xảy ra như thế nào?
Chỉ biết rằng, có nhiều khả năng Trịnh Xuân Thanh không còn nằm trong tay Nguyễn Phú Trọng, không còn là điểm nhấn mà ông Trọng có thể dùng để “nhân điển hình tiên tiến” cho công cuộc được coi là “chống tham nhũng” mà ông đang khởi sự, và do đó cũng đang tước đi một điểm hết sức quý giá mà Tổng bí thư Trọng muốn vớt vát lại uy tín của đảng trong “quần chúng và cán bộ đảng viên”.
Tiếp sau hàng loạt vụ bê bối trong đảng mà gần nhất là vụ quan chức bắn nhau (hoặc “cả ba bị bắn”) ở Yên Bái, đảng đang phải đối mặt với một scandal lớn trong nội bộ mang tên Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, một chiến dịch điều tra cấp tốc và rộng lớn sẽ phải được đảng tiến hành để truy tìm ông Thanh, trong đó sẽ phải đặc biệt truy xét xem ai, những ai, cơ quan nào đã có thể tiết lộ tin cho ông Thanh bỏ trốn, hoặc thậm chí còn giúp cho ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài…
Chưa kể vụ đào tẩu trên liệu có mối liên đới nào với “cái chết bất ngờ trong trại giam” của phạm nhân Dương Chí Dũng…
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment