Thursday, September 8, 2016

Ngư dân miền Trung bỏ biển vào Sài Gòn làm công nhân

Vì Dân (Danlambao) - Qua facebook, tôi đã liên lạc được một số thanh niên quê ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang làm việc tại một công ty giày da tại Sài Gòn. Chiều ngày 07/09 tôi đến gặp một nhóm hơn 20 bạn đang thuê trọ ở quận Tân Phú.

Phòng trọ mà các bạn đang thuê

Hầu hết những thanh niên này bắt đầu vào Sài Gòn tìm việc làm từ lúc cá bắt đầu chết. Gia đình của tất cả các bạn đều làm nghề biển. Trước khi "cá chết do Formosa xả thải", mỗi ngày ra biển đánh cá kiếm tầm 2-3 triệu là chuyện bình thường; ngày nào cá về thì có thể trúng cả chục triệu. Tính ra thu nhập hàng tháng tầm 60-70 triệu. Nhiều người sẽ hỏi vì sao thu nhập cao như vậy mà không tiết kiệm, không có dư? Xin thưa là thu nhập như vậy nhưng mỗi năm miền Trung đều có bão! Bão tới thì không ra biển được. Hơn nữa tiền bảo trì sửa chữa ghe thuyền cũng khá cao. Chưa kể tiền mua lưới mới tầm 5-6 triệu/giàn, mỗi thuyền 4-5 giàn; mà lưới thì lại phải thay đổi thường xuyên. Vả lại dân làm nghề biển họ chẳng bao giờ nghĩ là biển sẽ hết cá tôm. Vì thế gia đình nào cũng sinh con đông để có người phụ giúp. Có những gia đình sinh từ 9-10 đứa, thậm chí 14-15 đứa con! Ngày xưa tiền cơm mỗi ngày cũng phải 500-600 nghìn, rồi tiền sữa, tiền bỉm, tiền sách vở, học hành... Dân biển họ ăn cá tôm nhiều chất đạm nên rất thông minh; rất nhiều gia đình có con cái học đại học, cao học. Do đó số tiền chi phí cho việc học hành cũng rất lớn.

Từ mức thu nhập mỗi ngày 2-3 triệu/gia đình. Bây giờ cả gia đình lại phải trông chờ vào đồng lương 3 triệu 700 nghìn/ tháng của đứa con gái đi làm xa quê. Hỏi có sống được không? Có những em gái 14-15 tuổi đã phải bỏ học, đi xa nhà hàng ngàn cây số để lãnh 3 triệu 700 nghìn tiền làm thuê mỗi ngày 10-12 tiếng đồng hồ. Ăn xài tiết kiệm lắm thì mỗi tháng chỉ dư được 2 triệu gửi về cho cha mẹ già nuôi các em nhỏ. Hỏi có xót xa không? 

Điều những người công nhân xa xứ này trăn trở nhất là với đồng lương đó, nếu cha mẹ, em út có xảy ra bệnh tật gì thì lấy gì mà chạy chữa? Nhắc tới đây, không khí cả căn phòng chợt tĩnh lặng, những ánh mắt đăm chiêu nhìn nhau... 

"Nước uống, không khí ngoài quê đã nhiễm độc cả rồi mà họ còn phát gạo mốc cho nhà em nữa anh à!"

"Bây giờ bọn em chỉ muốn Formosa cút khỏi Việt Nam và nhà nước trả lại biển sạch để bọn em về quê làm nghề biển thôi!"

20 người trẻ này gồm hơn chục thanh niên độc thân và 2 gia đình nhỏ. Họ thuê những căn phòng rộng khoảng 10 mét vuông với giá 1,2 triệu/tháng (ảnh). Hai cặp vợ chồng có con nhỏ thì ở phòng riêng, còn những người trẻ chưa gia đình thì chia ra mỗi phòng 6 người chen chúc nhau mà sống. Nấu nướng tắm giặt toàn bộ đều trong căn phòng này, buổi tối thì ngủ dưới sàn, không giường không chiếu. Có thể ai đó sẽ so sánh họ với những người công nhân khác. Ở một khía cạnh nào đó, điều đó không sai. Trong suy nghĩ của nhiều người thì công nhân Việt Nam đã bị mặc định là phải chui rúc trong những phòng trọ chật hẹp, tăm tối. Nhưng với tôi thì khác! Những thanh niên miền biển này, nếu không phải xa quê, nếu cá không chết, nếu nước vẫn sạch thì đóng góp của họ vào nền kinh tế quốc gia sẽ gấp nhiều lần những công nhân bình thường! Họ sinh ra để làm biển, họ làm biển từ nhỏ. Làm biển là nghề truyền thống, cha truyền con nối, họ xứng đáng với một cuộc sống như họ đã từng!

(Xin phép dẫn thêm một câu ngắn mà chúng ta vẫn thường nghe: "đảng cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nông dân". Nếu câu này là đúng thì giai cấp công nhân Việt Nam có phải chen chúc sống trong những phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp như vậy không? Nếu câu nói này là đúng thì những lúc công nhân bị ép lương, ép tăng giờ làm, bị đánh đập, bị bóc lột sức lao động, đảng ta ở đâu? Nếu câu này là đúng thì tại sao công nhân lại ở trọ còn công an, quân đội, quan xã quan huyện lại ở trong nhà lầu, biệt thự? Hỏi sơ vài câu thôi và đó là tôi chưa nói đến giai cấp nông dân đấy!)

Khi ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng bộ Tài - Môi kết luận rằng biển đã an toàn, ông có biết hàng chục nghìn thanh niên miền biển đã phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn suốt 5 tháng nay không? Ông đã làm gì để giúp họ chưa? Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà không thích hô hào, vậy bà đã làm gì để cứu dân biển qua cơn nguy khốn này? Những vị bộ trưởng, lãnh đạo các cấp đang hưởng lương từ tiền thuế của dân, con cái các vị đang sống thế nào? 

Còn con dân đang sống thế nào? Các vị có thấy những em gái 15-16 tuổi, đang tuổi ăn tuổi học lại phải bỏ trường, tha hương cầu thực, phải chui rúc trong những phòng trọ chật hẹp... Họ là những công dân Việt Nam, những người mà nhà cầm quyền luôn gọi là "ông chủ, bà chủ của đất nước này", họ có đáng như vậy không?

08.09.2016

No comments:

Post a Comment