Tạp ghi Huy Phương
“Nói chuyện cá là…
tổn hại cho đất nước mình!”
(Võ Nhân Tuấn)
Nếu độc giả mấy lâu nay quan tâm về thảm họa cá chết ở miền Trung xin bỏ chút thời giờ vào xem đoạn phim “Việt Nam – Cái Chết Của Cá” do đài truyền hình PTS, Đài Loan, thực hiện. Cuốn phim có nhiều tài liệu người Việt cần biết và giới truyền thông của Đài Loan đã tỏ ra can đảm và tôn trọng thiên chức của nghề làm báo. Chúng ta cũng biết Fomosa có đến 70% cổ phần của tập đoàn Formosa Đài Loan, 25% của Công Ty Thép Đài Loan, 5% còn lại là của Nhật, vì dù là cùng dân Đài Loan, giới truyền thông không đứng về phía tội ác. Giới truyền thông Việt Nam, trong khi đó là phía nạn nhân, đã không có can đảm nói lên sự thật, vì “trông chờ vào nhà văn, nhà báo của Việt Nam nói lên tiếng nói của người dân giống như chuyện thần thoại giữa thời hiện đại.”
Cuốn phim của PTS cho thấy hai điều:
1-Đáng lý ra nhà máy gang thép Formosa được xây dựng tại khu công nghiệp Lý Sơn, Vân Lâm, Đài Loan, nhưng bị dân chúng phản đối vì vấn để xả thải làm ô nhiễm môi trường, trong khi đó, chính phủ và đảng CSVN đã chấp thuận cho Formosa, một đại công ty đã lãnh giải Black Planet Adward 2009, vào mở nhà máy tại Việt Nam. Như vậy Việt Nam hôm nay là chỗ cho thiên hạ đổ rác, và chính quyền Việt Nam là kẻ mồm cá ngão, sẵn sàng ngoác miệng ra ăn… bẩn.
2-Những ngôi nhà sát biển bị phá bỏ, và chính phủ bắt dân Hà Tĩnh di dời với số đền bù quả nhỏ, để dành đất cho Fomosa thuê trong thời gian 70 năm, để lấy tiền bỏ túi. Chính phủ đóng cửa trường, cửa chợ không cho trẻ em học hành và dân chúng sinh hoạt, để thúc đẩy ngư dân, những người đã bám biển từ đời cha ông ở đây, phải đi sâu vào đất liền, tức là bỏ biển.
Cuối cùng thì thủ phạm Formosa đã nhận tội: là nguyên nhân vụ cá chết ở bốn tỉnh miền Trung và xin biếu phong bì $500 triệu như là một lời xin lỗi, nhưng vẫn ngoan cố, cho đây chỉ là một sơ suất: “Thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.”
Giải thích trên có nghĩa là Formosa vẫn tồn tại, và nước thải vẫn thải, cá chết vẫn chết, và dân đói vẫn đói!
Cái lưỡi câu Formosa gắn mồi “bôi trơn” đã kẹt trong họng nhà cầm quyền rồi, làm sao nhả ra được. Cứ thấy thái độ cuống quýt của ông Võ Nhân Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, thì đủ biết. Khi phóng viên VTV, một loại phóng viên “người nhà,” hỏi về chuyện cá chết, ông Tuấn đã hốt hoảng đứng dậy, xua tay, đòi tắt máy như ai đó vừa chạm vào “long mạch” ngôi mộ tổ tiên: “Anh nói với em, nói chuyện cá là… tổn hại cho đất nước mình!”
Trong khi chưa có một cuộc điều tra, nghiên cứu về nguyên nhân cá chết, (*) thì ông Võ Nhân Tuấn không căn cứ trên một dữ kiện khoa học nào, đã mạnh miệng phát ngôn những lời “cứu chúa” vô trách nhiệm rằng: “Cá chết là do thủy triều đỏ chứ không phải Formosa!” Bây giờ Formosa nhận “lỗi tại tôi mọi đàng,” thì trơ rõ ra cái mặt “bảo hoàng” của một viên chức chính phủ, hoàn toàn vô trách nhiệm! Cùng một giuộc với nhau, ông Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh, thêm vào: “Bà con yên tâm ăn thủy sản, tắm biển Vũng Áng.” Những câu nói quyết tâm bảo vệ Formosa trên đây hẳn phải có lý do, mà không ngoài lý do, những người này đã được “đấm mõm.”
Trước khi Formosa nhận lỗi và bồi thường, chính phủ Việt Nam rõ ràng là chưa có một cuộc khảo sát, nghiên cứu về phía mình, cũng chưa có một cuộc thống kê về tổn thất tại chỗ và tổn hại trong tương lai, để có bằng chứng kiện Formosa ra tòa, trục xuất hay đòi bồi thường thỏa đáng. Dư luận có cảm tưởng Việt Nam đang cù cưa, giấu nhẹm mọi chuyện, trong giai đoạn điều đình, thỏa hiệp, không phải để có lợi cho nhân dân, mà có lợi cho tập đoàn thống trị đất nước hiện nay.
Vì sao trong lúc chính phủ đang im hơi lặng tiếng, thì phát ngôn nhân của họ là ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ, lại vội vàng tỏ ra thái độ xuýt xoa, chạy quanh, rào trước đón sau, kiểu sợ làm đau mình, đau mẩy, tội nghiệp cho thân chủ: “Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm, nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Hy vọng nhân dân sẽ có thái độ khoan hồng độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa.”
Rõ ràng là hiện nay đảng CSVN (chính phủ là đảng) có khuynh hướng bao che cho Formosa vì tiền, có thái độ “bảo hoàng hơn vua.” Trước khi Formosa nhận lỗi thì ông Võ Nhân Tuấn đã nhanh nhẩu khẳng định không phải lỗi Formosa, một thái độ đáng ê mặt, và ông nên biết liêm sỉ, rời bỏ chức vụ là vừa. Mặt khác, vì sao ông Mai Tiến Dũng lại có thái độ xót xa, “ruột để ra, da đem vào” bằng cách xin nhân dân khoan hồng, độ lượng cho Formosa, trong khi hậu quả việc xả thải vẫn còn sờ sờ ra đó.
Nhìn chung, trước tình trạng biển chết ở miền Trung, chính phủ Việt Nam chưa có cuộc điều tra đúng đắn, chưa công bố lý do, trước khi Formosa đứng ra nhận lỗi. Chính Phủ Việt Nam cũng chưa có một cuộc điều tra về tổn thất của đất nước, để có một con số chính xác về sự thiệt hại hôm nay và lâu dài, căn cứ vào đó để khởi tố, đòi bồi thường thiệt hại. Nhìn chung, đây chỉ là một lối điều đình giữa các đối tác làm ăn, mà không đếm xỉa đến vận mạng của đất nước, và đời sống của người dân.
Rồi sao? $500 triệu bồi thường cho ai? Formosa vẫn còn đó. Cá vẫn chết, biển vẫn vậy! Dân than phiền có gạo ăn, nhưng cá chết, muối nhiễm độc ăn với gì? Ngư dân không có vườn rau, không có ruộng lúa. Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn đề xuất phối hợp với Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội để có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân. “Nếu ngư dân không đi khai thác sẽ lên bờ để làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập, trong đó bộ đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động.”
Chính phủ “hỗ trợ cho ngư dân đổi nghề,” nghĩa là dân nghề biển đã có trên trăm năm bám biển, bây giờ chính phủ hỗ trợ cho đổi nghề. Ngư dân thường thường làm nghề cha truyền con nối, ít được học hành, 10 tuổi đã lên thuyền theo cha, ông ra biển. Bây giờ, vì Formosa, chính phủ khuyến khích cho “đổi nghề phù hợp và tăng thu nhập!” Đổi nghề như thế nào? Có sức thì làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, chạy xe ba gác, người ít vốn, không đủ sức khỏe thì đi buôn đậu phụng rang, đi bán me xoài cóc ổi, bán trái cây dạo. Và nghề phổ biến, thu nhập cao, ổn định như Giàng Seo Phử, bộ trưởng chủ nhiệm Ủy Ban Dân Tộc đã nói là nghề đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao. Vậy thì còn đợi gì mà không cho ngư dân bốn tỉnh cá chết vào đổi nghề ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Không tạo ra nổi công ăn việc làm cho dân chúng, chính quyền, qua Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn lại khuyến khích mỗi gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động.
Nhà cầm quyền không lo chuyện Formosa tác hại, mà đang tính chuyện bồi thường và hỗ trợ cho dân chài đổi nghề, nghĩa là đảng CSVN đã “chọn nhà máy thép thay vì chọn cá” như đại diện Formosa, ông Chu Xuân Phàm đã nói. Câu nói thách thức, ngang ngược như vỗ vào mặt Việt Nam, vì Formosa đã nắm tẩy của những viên chức cấp cao của Việt Nam, vì mùi tanh của đồng tiền, trước sau, luôn luôn tìm cách bênh vực, che chở cho Formosa, một cách vừa ngốc nghếch vừa thiếu đạo đức.
-“Nhân dân để biển lại cho Formosa, hãy cầm vài triệu bồi thường rồi đi đi, vào Sài Gòn bán vé số, chạy xe ôm, sang Lào làm thuê, hay kiếm một chân đi xuất khẩu lao động cho khuất mắt!”
Con cá sống vì nước sạch, kẻ “bảo hoàng” trong chính quyền Cộng Sản sống nhờ đồng bạc bẩn nhiễm chì của Formosa!
Theo Người Việt-03-07-2016
(*) Ông Ted Osius, đại sứ Mỹ, đưa ra lời ngỏ chính thức với lãnh đạo Hà Nội là Hoa Kỳ có thể giúp đỡ tìm hiểu nguyên nhân gây thảm họa và góp phần khắc phục hậu quả, nhưng Hà Nội đã từ chối. Cũng như chính quyền Việt Nam không chấp thuận lời đề nghị giúp đỡ tương tự của văn phòng LHQ tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment