Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-07-06
Một nhân viên chính quyền dẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An. Citizen photo
Đan viện Thiên An công khai lên tiếng về vụ việc đất đai bị chiếm hữu không theo đúng luật Việt Nam và biểu tượng tôn giáo bị lực lượng chức năng đập phá, chà đạp. Ý kiến của hai phía ra sao?
Đơn tố cáo
Đơn đề ngày 24 tháng 6 ghi rõ tố cáo của Đan viện Thiên An về hành vi xâm phạm nội vi đan viện và xúc phạm Thánh giá - biểu tượng thiêng liêng của giáo hội Công giáo.
Đơn tố cáo do Linh mục Antoine Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện Thiên An ký, gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Ngoại giao Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam và Tòa Tổng giám mục Huế.
Họ có gửi đơn cho các cơ quan trung ương thì các cơ quan trung ương cũng gửi về. Chúng tôi cũng mời họ họp để xử lý; nhưng họ chưa đến. Chúng tôi sẽ bố trí, sắp xếp mời Đan viện họp lại về nội dung này.
-Ông Hoàng Ngọc Khanh
Vào chiều ngày 27 tháng 6, chúng tôi gọi điện đến ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế kiêm phát ngôn nhân và được ông này thừa nhận đã nhận được đơn tố cáo của Đan Viện Thiên An cũng như cách xử lý:
“(Đã) nhận đơn. Đồng thời họ có gửi đơn cho các cơ quan trung ương thì các cơ quan trung ương cũng gửi về. Chúng tôi cũng mời họ họp để xử lý; nhưng họ chưa đến. Chúng tôi sẽ bố trí, sắp xếp mời Đan viện họp lại về nội dung này; xem xét để xử lý theo đúng qui định, theo Hiến pháp và Pháp luật.”
Hướng xử lý
Như trả lời của phát ngôn nhân ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế thì vụ việc đất đai Đan Viện Thiên An sẽ được giải quyết đúng theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam; đây cũng là mong mỏi của Đan viện theo như trình bày của một thành viên nhà dòng là thầy Cao Đức Lợi:
“Nếu giải quyết theo hướng của Hiến pháp thì họ sai hết. Bỡi vì chiếu theo luật thì thủ tướng không có quyền thu hồi đất. Mà giấy thu hồi đất của họ năm 1998 do ông phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký. Điều đó sai chức năng vì thủ tướng không có quyền.
Điều sai thứ hai nữa là không thể vừa ra hai quyết định vừa thu hồi đất vừa ra quyết định cưỡng chế đất. Theo luật phải ra quyết định thu hồi đất trước, sau đó khiếu kiện mà không được thì mới có quyết định cưỡng chế.
Hai điều sai đó chưa giải quyết thì họ lại sai chồng lên qua việc ra thêm một lệnh của Thanh tra Nhà nước.
Một điều nữa là lệnh của phó thủ tướng thu hồi đất hoang, nhưng khi lên họ lại đọc thu hồi đất của Đan viện.
Nếu đúng theo pháp luật thì chúng tôi ‘thắng’; còn nếu họ làm càn thì chúng tôi ‘thua’.
(Thêm một điều nữa) theo luật của Nhà nước khi có tranh chấp giữa hai phía thì Nhà nước ra đóng cọc để tránh tranh chấp; trong khi đó Đan viện Thiên An từ xưa đến nay chưa tranh chấp với ai mà họ tự tiện lên đóng cọc là sai nguyên tắc, sai pháp luật!”
Hành xử của lực lượng chức năng
Trong thời gian qua, tại khu vực Đan Viện Thiên An từng xảy ra một số vụ việc mà gần nhất là vào ngày 26 tháng 6 vừa qua khi lực lượng chức năng tiến vào đất đai của nhà dòng ngăn không cho các tu sĩ xây dựng một con đường dẫn vào vườn cam của đan viện.
Vấn đề được nêu ra với ông Hoàng Ngọc Khanh, thế nhưng ông này bác bỏ tất cả:
“Không có đâu. Họ nêu như thế nhưng thực tế không có đâu.”
Trong khi đó thì thầy Cao Đức Lợi trình bày:
“Họ lên ào ào mà tất cả nhân viên của họ uống rượu say muốn gây hấn với chúng tôi; nhưng chúng tôi không để cho bị mắc lừa. Việc lực lượng lên cưỡng chế tôi khẳng định là có: không chỉ một lần mà đến ba lần.”
Thầy Cao Đức Lợi nhắc lại một số vụ việc trước đó:
“Đất thì lâu rồi nhưng những vụ việc nổi nhất bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng năm 2015. Lúc đó Đan viện Thiên An ra dựng mái che Đức Mẹ và sự việc ‘bùng nổ’ từ đó. Họ ngăn chúng tôi không được nên họ lập một chốt tại đó không cho chúng tôi làm thêm. Họ cũng không cho chúng tôi làm lễ tại đó.
Sau đó chúng tôi tiến hành qui hoạch lại vườn, trong đó có một tượng Thánh giá trên đồi Calvario. Họ nói dựng Thánh giá đó trên đất của họ và họ triệt hạ. Khi họ triệt hạ, các đan sĩ chúng tôi quì dưới Thánh giá đọc kinh, lần hạt. Tất cả còn hình ảnh và trong đơn tố cáo tôi có kèm theo hai tấm hình: một tấm hình các đan sĩ quỳ đọc kinh và một tấm hình họ dẫm đạp Thánh giá.
Họ lên ào ào mà tất cả nhân viên của họ uống rượu say muốn gây hấn với chúng tôi; nhưng chúng tôi không để cho bị mắc lừa. Việc lực lượng lên cưỡng chế tôi khẳng định là có: không chỉ một lần mà đến ba lần.
-Thầy Cao Đức Lợi
Cho nên việc ông Hoàng Ngọc Khanh phủ nhận là một sự dối trá.
Đêm 26 vừa rồi đây, khi tràn vào họ kéo theo phụ nữ. Chúng tôi đã mời phụ nữ ra vì họ không có phận sự gì và để chúng tôi làm việc với chính quyền. Chúng tôi rút kinh nghiệm nên mời hẳn phụ nữ ra, không cho họ vào.
Việc phụ nữ tràn vào và dùng phụ nữ để nhục mạ chúng tôi hoàn toàn có. Tất cả mọi video clip chúng tôi đều giữ lại. Nếu cần chúng tôi (có thễ) cho tên tuổi đích danh những người đó vì họ sống trên đất này mà. Họ bị Nhà nước lợi dụng, dùng họ để nhục mạ chúng tôi.”
Thực tế sử dụng người dân, trong đó có những phụ nữ như ở Đan Viện Thiên An theo như lời thầy Cao Đức Lợi vừa nêu, khiến nhiều người nhớ lại vụ việc từng xảy ra với các tăng, ni ở thiền viện Bát Nhã ở Lâm Đồng vào tháng 7 năm 2009.
Đan viện Thiên An có mặt từ năm 1935 và hồ sơ vùng đất 107 héc ta của nhà dòng này được cấp từ năm 1940. Tuy nhiên sau năm 1975, cũng như nhiều cơ sở tôn giáo khác, một số công trình thuộc Đan Viện Thiên An được mượn như Trường Thánh Mẫu hay bị trưng thu như khu vực Hồ Thủy Tiên…
“Lâm trường Tiền Phong trước đây là Trường Thánh Mẫu do Đan Viện Thiên An xây để cho con cháu trong vùng đến học. Năm 1976 họ đến mượn của chúng tôi.
Còn Khu du lịch Thủy Tiên, hồi đó Nhà nước ra lệnh thu hồi 49 héc ta rừng hoang (nhớ là rừng hoang, đất hoang để làm công viên); nhưng họ không thu hồi rừng hoang mà lại thu hồi đất Thiên An. Họ ép chúng tôi nhưng chúng tôi không ký và họ làm càn, làm bừa.”
Rừng thông Thiên An với bầu khí tĩnh lặng suốt bao năm qua là nơi tu trì của nhiều lớp tu sĩ. Họ lao động tại vườn cam và sản phẩm cam Thiên An được gọi là cam đường.
Mạng báo Thừa Thiên Huế vào tháng 2 năm ngoái có bài của tác giả Hải Triều trích phát biểu của ông Trần Quang Phước, trưởng phòng Trồng Trọt Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Huế nói sẽ phối hợp với Đan viện Thiên An để nghiên cứu, xin chiết cảnh, trồng thử nghiệm và nhân giống loài cam Thiên An tại một số vùng có điều kiện đất đai phù hợp.
No comments:
Post a Comment