Theo VOA-06.07.2016 Cao Huy Huân
Vậy là cuối cùng chính phủ Việt Nam cũng chính thức công bố kết quả điều tra về chuyện cá chết tại 4 tỉnh miền Trung hồi hơn tháng trước. Đây có thể được xem là vụ cá chết mang tính kỷ lục và lịch sử của Việt Nam, gây tranh cãi nhiều nhất trong suốt những năm qua. Tôi đánh giá cao những kết luận của chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, để tìm nguyên nhân sự cố môi trường khiến cá chết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế.
Đó là một nỗ lực cần thiết và có tính trách nhiệm rất đáng ghi nhận. Những kết quả mà chính phủ đã loan báo theo tôi là rõ ràng, minh bạch và cần thiết, giải tỏa nỗi uất ức của người dân trong nhiều ngày tháng vừa qua. Phải chi phía nhà chức trách có những giải đáp, hoặc ít nhất có những thông tin cần thiết, không gây bức xúc dư luận như trước đây để dân có thể kiên nhẫn chờ đợi, thì có phải mọi thứ về mặt trật tự xã hội đã phải không trải qua nhiều sóng gió như vậy. Đó là một bài học đắc giá về quản lý thông tin. Nhưng mọi thứ cũng đã qua, giờ là lúc chúng ta nhìn về thủ phạm và bản án dành cho thủ phạm đó.
Theo thông tin của chính phủ, các nhà khoa học xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Hỗn hợp này là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Từ những căn cứ điều tra, ông Dũng kết luận với báo chí rằng những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong tháng 4 vừa qua. Thật ra không phải đến lúc chính phủ ra thông báo chính thức thì thủ phạm mới lộ diện. Câu phát biểu lỡ miệng của người đại diện Formosa trước đây cũng phần nào nói nói lên sự thật. Điều khiến tôi không hiểu được là tại sao cho đến lúc chính phủ công bố nguyên nhân thì phía công ty Formosa mới lên tiếng nhận trách nhiệm. Ngay trước giờ G, hàng triệu người trong nước và lẫn quốc tế đang chờ đợi kẻ làm chết hàng trăm tấn cá biển của Việt Nam lộ mặt, thì Formosa mới có văn bản nhận tội trạng này. Đây là một chi tiết nhỏ, nhưng nó cần được làm rõ để tăng nặng bản án đối với Formosa.
Với nội hành vi của mình, Formosa bị yêu cầu làm năm chuyện. Thứ nhất, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Thứ hai, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD). Thứ ba, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra. Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế. Thứ năm, thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tôi có thắc mắc và nghĩ cần phải bàn thêm về nội dung thứ hai, số tiền bồi thường 500 tỷ USD. Giống như rất nhiều câu hỏi trên mạng xã hội hiện nay, tôi cũng thắc mắc tại sao lại có con số 500 triệu USD do phía Formosa đưa ra. Con số này từ phía Formosa tự nguyện đưa ra, dựa trên căn cứ của họ hay là do phía Việt Nam đề xuất? Nếu Việt Nam xem và chấp thuận thì dựa trên căn cứ nào? Tại sao vẫn chưa thấy một báo cáo tổng quát nào về mức độ thiệt hại của vụ này? Nếu vẫn đang làm thì phải chăng cần công bố thời hạn sẽ ra báo cáo, căn cứ trên đó mới có thể đưa ra mức xử phạt, Formosa không có quyền ấn định số tiền bị phạt, mọi thứ phải dựa trên đánh giá theo quy trình và quy định của pháp luật Việt Nam.
Thậm chí tôi cũng đồng tình với quan điểm rằng nếu cần thiết phải để người bị thiệt hại khởi kiện để họ nhận lại đúng phần tiền mà họ chịu thiệt hại. Làm như vậy vừa giúp người dân thể hiện dân chủ, vừa giúp người dân đòi được đúng số tiền mà họ bị thiệt hại, vừa giảm gánh nặng giải trình về việc chia tiền cho nhân dân của chính phủ. Thế nên nhà nước cần lưu ý để có những động thái tích cực tiếp theo.
Quan trọng không kém, báo cáo đánh giá thiệt hại phải dựa trên sự khảo sát toàn diện. Nói như một Facebooker rằng, “không chỉ ngư dân đánh bắt xa bờ mà còn gần bờ, người làm dịch vụ nghề cá (khuân vác, bốc xếp, xăng dầu...), người buôn bán cá, người nuôi trồng thủy sản, người làm muối, người kinh doanh du lịch biển (nhà hàng, quán ăn, khách sạn...)”... Thậm chí cần phải có “đánh giá điều tra nào liên quan tới người dân đã ăn cá bị ô nhiễm hay không, có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe? còn vấn đề lớn hơn chính là ô nhiễm mỗi trường biển lâu dài, các loài cá chết sao khắc phục đựơc, các loài sinh vật đáy bị hủy hoại... vấn đề này là bồi thường quốc gia, Luật Môi trường Việt nam chưa có quy định, đó chính là lổ hổng chết người của chúng ta và Formosa chính là kẻ đâm nhát dao chí mạng ấy”.
Tôi thấy ở Mỹ và các nước châu Âu hay các nước phát triển ở châu Á, họ có quy trình xử rất rõ ràng. Một là nhà nước phân xử theo luật môi trường, xử phạt riêng để nộp tiền về ngân sách nhà nước và những công tác cứu trợ khẩn cấp. Thứ hai, người dân có quyền khởi kiện độc lập để đòi quyền lợi của họ. Thế nên dù mọi thứ đã rõ ràng thì nhà nước cũng phải làm thêm bước xử lý hậu khủng hoảng thật tốt.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment