Ngọn núi lửa (Danlambao) - Chúng ta vẫn thường bắt gặp một số câu nói như trong hình ảnh. Thử phân tích về nó xem sao.
Nhìn chung, cái gì người ta thấy xấu sẽ ghét, và cái gì cho là tốt sẽ yêu thích. Vậy thử xem xem chính trị tốt hay xấu? Nó đáng yêu hay đáng ghét? Nó có phức tạp hay không, nó phức tạp đến đâu? Và nó phức tạp với những ai mà không phức tạp với những đối tượng nào?
Đầu tiên, hãy tự hỏi: mục đích tối thượng của chính trị là gì?
À, chính trị là để điều hành quốc gia, để trị nước, để thiết lập một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu nước mạnh, chính trị để mang lại lẽ phải cho nhân dân. Đây là những nguyên tắc đúng đắn bất di bất dịch trong bất cứ thể chế nào, nền văn hóa nào, quốc gia nào...
Trên thế giới vẫn còn sót lại một số ít những nhà nước độc tài lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của quốc gia một cách nghiêm trọng, nhưng những nhà nước đó cũng không bao giờ dám phủ nhận những nguyên tắc đúng đắn kể trên, có cái là họ tuyên truyền một đằng, làm lại một nẻo mà thôi. Họ duy trì quyền lực độc tài bằng bưng bít thông tin, bằng tuyên truyền dối trá và bàn tay sắt bạo lực, họ luôn tìm mọi cách để làm cho người dân hiểu sai hoặc không đầy đủ về vai trò của chính trị, sợ và né tránh chính trị, nhờ vậy mà họ dễ cai trị dân để chia chác nhau quyền lực và những món lợi khổng lồ trên mồ hôi nước mắt, xương máu của dân.
Chính trị rất rộng lớn, bao trùm tất cả mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực của đời sống, từ những vấn đề lớn như điều hành quản trị đất nước, ban hành/thực thi luật pháp, bảo vệ môi trường tài nguyên, phát triển y tế giáo dục, văn hóa thể thao,... Cho đến những chuyện thường nhật như tăng giảm thuế phí, giá xăng, giá điện lên xuống, thực phẩm ăn hàng ngày an toàn hay không, nguồn nước trong lành hay nhiễm độc, không khí sạch hay bẩn...
Chính trị tốt/xấu khi nào?
- Ở trong một thể chế tốt và dân chủ, có tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp nghiêm minh, môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng, với sự điều hành của những chính trị gia tốt do dân bầu ra, người dân có thái độ chính trị rõ ràng và quan tâm đến những quyền của mình, thì chính trị sẽ trở nên tương đối đẹp đẽ bởi nó mang lại sự phát triển tích cực, tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc.
- Ở trong một thể chế độc tài tồi bại, với sự điều hành của những chính trị gia tồi dở không do dân bầu ra - họ lũng đoạn thâu tóm quyền lực, người dân bị bưng bít thông tin, không có thái độ chính trị và không hiểu được quyền của mình, thì chính trị lại trở thành thứ ma quỷ xấu xa, kéo tụt sự phát triển, làm hại rất nhiều người thậm chí hại cả 1 dân tộc.
Đây là chia rõ 2 thái cực, chứ trên thực tế, tùy theo mức độ thịnh vượng chung của từng quốc gia mà nền chính trị nước đó sẽ được coi là đang nằm ở một vị trí đâu đó trên một dãi liên tục trải rộng từ thái cực tốt đến thái cực xấu.
Như vậy, chính trị cũng chỉ là phương tiện mà thôi, tự thân chính trị nó không xấu cũng chẳng tốt, chính trị không phải là để yêu hay là ghét, mà nó phải được hiểu và nhìn nhận đúng với vai trò của nó. Chính trị trở nên tốt/xấu, hoàn toàn do con người sử dụng, tác động tới nó. Và con người ở đây bao gồm tất cả trong XH đủ mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, mọi thành phần, mọi ngành nghề, cho dù là quan chức hay dân thường, người giàu hay người nghèo.
Chính trị có phức tạp không? Phức tạp với những ai?
Tất nhiên là phức tạp đối với những người làm chính trị. Người làm chính trị ở đây chính là các chính trị gia, các chính khách, quan chức, nguyên thủ:
- Với chính trị gia tốt: Nó phức tạp bởi ông/bà ta phải rất nỗ lực cố gắng tìm các giải pháp để trị nước an dân, đối nội đối ngoại, để phát triển đất nước một cách hiệu quả, sao cho mang lại nhiều lợi ích cho dân.
- Với chính trị gia tồi: Nó phức tạp vì ông/bà ta phải lo vơ vét tham nhũng thật nhiều, căng đầu ra nghĩ những thủ đoạn ranh ma để bảo vệ phe cánh, triệt hạ nhau để tranh giành lợi lạc về quyền lực và tiền bạc...
Thế nhưng, đó là với quan chức, với các chính trị gia, với những ai đang phải gánh vác những việc điều hành, quản trị đất nước - xã hội. Còn ở một khía cạnh khác, đối với những người dân bình thường thì chính trị lại không phức tạp đến như vậy, bởi người dân chỉ cần có một thái độ chính trị thôi là đủ rồi!
Có thái độ chính trị là chuyện rất bình thường và đương nhiên ở người dân các nước chịu phát triển, đó là quan tâm đến những quyền chính đáng của mình để thể hiện sự làm chủ đích thực của một công dân: quan tâm để hiểu sự quan trọng của lá phiếu bầu cử của mình có giá trị hay không, có quyền lên án lãnh đạo yếu kém, phê phán nhà nước nếu nhà nước sai, có quyền tự do ngôn luận, có quyền lập hội, có quyền biểu đạt tư tưởng - cảm xúc khi chính quyền có biểu hiện thiếu minh bạch, có quyền biểu tình ôn hoà bất bạo động phù hợp với hiến pháp, và thậm chí có cả quyền “chửi” lãnh đạo khi thấy lãnh đạo làm việc bố láo... v.v... Đó chính là sự thể hiện thái độ chính trị cần phải có của bất cứ công dân nào!
Đây chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để cấu thành nên một xã hội tiến bộ, bởi nó thể hiện một trong những giá trị bất biến phổ quát của nhân loại: người dân làm chủ.
Ở những đất nước tiến bộ, người dân thấy lãnh đạo tồi sẽ lập tức sử dụng quyền của mình thông qua lá phiếu bầu để phế truất lãnh đạo thậm chí thay thế hẳn chính phủ yếu kém để bầu cho những lãnh đạo khác hoặc chính phủ khác xứng đáng hơn lên làm thay. Ở những nước này, những chính trị gia làm chính trị song song với việc người dân luôn có một thái độ chính trị, người dân họ hiểu rõ rằng họ có quyền như vậy, họ phải như vậy để giám sát chính phủ, họ ý thức như vậy vì cộng đồng chung và cũng vì chính bản thân họ. Họ được nhà nước - chính phủ nước họ tích cực phổ biến, giáo dục cho từ bé để họ ý thức được quyền thể hiện thái độ chính trị của họ.
Ở những nước độc tài lạc hậu, người dân không có quyền lựa chọn lãnh đạo theo ý mình muốn. Lãnh đạo làm chính trị (thực ra phần nhiều là phá hoại chính trị thì đúng hơn), còn người dân thì lại có rất ít cơ hội để hiểu được quyền thể hiện thái độ chính trị. Nguyên nhân chính cũng do người dân không được nhà nước - chính phủ chú trọng giáo dục, phổ biến về những điều đó, thêm nữa người dân cũng lại bị bưng bít thông tin, bị tuyên truyền sai trái quá lâu, bị chụp mũ “phản động” khi dám bày tỏ thái độ chính trị.
Người dân chỉ có thể có cơ hội hiểu được khi tự họ tò mò tìm hiểu, ngộ ra, sau đó tự họ phổ biến cho nhau mà thôi.
Thời phong kiến ngày xưa: Vua là Thiên Tử, quan là bậc quyền quí, dân là kẻ “tiểu nhân” phục tùng vua quan. Chính trị là những đặc quyền của vua quan DÙNG ĐỂ CAI TRỊ dân, sinh mệnh người dân nằm trong tay Vua quan.
Thời văn minh ngày nay: Dân làm chủ, nhà nước - chính phủ phải là công bộc của dân. chính trị không còn là đặc quyền riêng của nhà nước nữa bởi người dân có quyền thể hiện thái độ chính trị để tác động, yêu cầu chính phủ phải phục vụ dân thật tốt. Sinh mệnh chính trị của quan chức phải nằm trong tay người dân tùy thuộc vào việc họ có làm tốt chức trách của mình hay không.
Người dân đóng thuế nuôi nhà nước cũng nôm na như khách hàng của một công ty vậy: Khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm sẽ nuôi sống công ty, vậy thì công ty phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm tốt cho khách hàng, lễ phép lịch sự với khách hàng, chăm sóc khách hàng, chiều lòng khách hàng cho dù là khách hàng khó tính, khách hàng luôn là thượng đế, khách hàng luôn có quyền phàn nàn chê bai sản phẩm mà không có nghĩa vụ phải cải thiện sản phẩm bởi việc cải thiện sản phẩm là của công ty, uy tín đối với khách hàng quyết định sự tồn vong của công ty…
Như vậy, câu trả lời cho vấn đề “chính trị có phức tạp hay không” chính là: Chính trị vừa phức tạp mà cũng lại vừa không phức tạp, nó tùy vào cương vị của mỗi người thế nào, tùy vào việc anh ta là một chính trị gia phải đảm nhiệm việclàm chính trị, hay là anh ta chỉ là một người dân thường bày tỏ thái độ chính trị.
Quan sát ra ngoài sẽ không khó để thấy những tình huống giả định như sau:
+ A: Vấn đề cá chết mãi vẫn không có câu trả lời thuyết phục từ chính phủ, theo cậu thì làm thế nào để người dân có thể buộc chính phủ phải minh bạch vấn đề?
- B: Thôi tôi xin, tôi không phải lãnh tụ, không phải là chính trị gia, tôi sống cuộc đời của tôi thôi!
+ A: Thấy cậu cứ luôn mồm chửi người Việt Nam là vô tổ chức, là cảm tính, bầy đàn… vậy theo cậu thì phương hướng khai dân trí để góp phần cải thiện điều này là như thế nào?
- B: Tôi chỉ là một thằng abc xyz, tôi không có tham vọng dẫn dắt xã hội hay làm một nhà chính trị đâu!..
+ A: Lãnh đạo yếu kém và tham nhũng quá, ngân sách cạn kiệt, nợ công tăng cao, môi trường bị hủy hoại...
- B: Anh đã làm được cái gì chưa mà ăn cơm nhà bàn chuyện quốc gia? Có giỏi thì anh đi làm lãnh đạo đi!
+ A: Tại sao vấn đề khắc phục thảm họa cá chết lại lâu như vậy? Liệu có gì khuất tất đằng sau?
- B: Đừng có bàn những chuyện bao đồng mà hãy làm tốt việc của mình, mọi việc lớn đã có đảng và nhà nước lo!
+ A: Ông lãnh đạo A đúng là quá kém, ông lãnh đạo B chỉ giỏi nói mà không chịu làm.
- B: Cho anh làm lãnh đạo chắc gì anh hơn người ta mà anh chê bai?
+ A: Việt Nam cần phải cải cách thể chế sao cho người dân thực sự làm chủ.
- B: Anh ngồi một chỗ mà phán như thánh ấy nhỉ! Anh phải làm thủ tướng mới được!
+ A: Người dân Việt Nam cần phải hiểu về những quyền của mình để thể hiện quyền làm chủ đất nước, mày nên quan tâm một chút về những vấn đề bất công trong xã hội, chúng ta cần lên tiếng giùm cho những người bất hạnh trong xã hội.
- B: Anh đi tìm thằng khác mà nói chuyện, tôi chỉ dám làm kẻ hèn mọn thôi, không dám cao siêu như anh!
Thấy gì từ những câu nói từ nhân vật B ở trên? Đó là cái sự vô tình hoặc cố ý đánh tráo khái niệm làm chính trị thay cho bày tỏ thái độ chính trị, quàng vấn đề làm chính trị vào để thoái thác, né tránh câu trả lời cho nhân vật A hoặc đôi khi cũng để nhằm công kích cá nhân A. Trong khi A cũng chỉ đang thể hiện thái độ chính trị mà thôi, A đâu có đao to búa lớn gì để mà phải nâng tầm lên thành người làm chính trị, và A cũng đâu có kêu gọi bất cứ ai làm chính trị?
*
Từ tất cả những phân tích trên, có thể dễ dàng quan sát thấy không ít người vẫn thường đánh giá, nhìn nhận về chính trị một cách phiến diện, thiếu sót, họ đã bỏ qua cái ý nghĩa tối thượng và rất tốt đẹp của chính trị là để nhằm thiết lập một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu nước mạnh. Họ nhìn nhận chính trị trên một vài khía cạnh hạn hẹp nhỏ bé, từ đó chụp mũ tùy tiện những ý nghĩa tiêu cực cho chính trị, để rồi tỏ ra xa lánh chính trị như thể họ đang tránh xa cái xấu.
Họ không thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần làm cho chính trị trở nên tốt đẹp. Khi quá nhiều người dân xa lánh chính trị khiến cho chính trị bị lũng đoạn trở nên xấu xa, rồi họ lại kêu: “Đấy! chính trị đen tối thủ đoạn lắm!...”, và họ tiếp tục tỏ ra xa lánh chính trị... cứ thế trở thành một vòng luẩn quẩn, đất nước cứ thế tụt hậu khi mà những “ông chủ” tự chối bỏ quyền làm chủ của mình để mặc sức cho bọn “đầy tớ” làm loạn.
Mà khổ nỗi, chẳng có ai là thoát được chính trị cả, ai cũng đều bị chính trị ảnh hưởng hết. Người ta thường chỉ quan tâm bày tỏ thái độ chính trị khi quyền lợi sát sườn của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ: Ông nông dân A bị chính quyền cướp đất, người nhà ông B ăn phải thực phẩm độc rồi chết, anh kỹ sư C có khả năng tốt nhưng không xin việc được trong một công ty ưng ý chỉ vì đã đủ chỉ tiêu con ông cháu cha, bạn thanh niên D bị công an ép cung và đánh chết trong đồn, chị E đi thi hát có khả năng đoạt giải cao nhưng do không hối lộ đút lót nên bị loại sớm, gia đình trẻ F muốn cho con vào học trường XYZ phải đút lót tiền cho cán bộ ngành giáo dục, cầu thủ bóng đá G có tài năng nhưng không được gia nhập đội tuyển do không đủ tiền để “chạy”, ông H có tâm có tài kinh doanh lập công ty tư nhân nhưng không cạnh tranh nổi với công ty nhà nước do cơ chế cạnh tranh bất bình đẳng v.v...
Nền chính trị của một quốc gia ví như phần gốc rễ của 1 cái cây, bộ máy nhà nước - chính phủ ví như cái thân cây, tất cả mọi ngành nghề lĩnh vực trong xã hội ví như là những cành, nhánh mọc ra từ cái thân cây đó. Nếu cái gốc rễ chính trị mà bị hỏng thì cũng có nghĩa là tất cả mọi thứ của đất nước đều hỏng.
Trong xã hội, tầng lớp người nghèo chiếm đa số, trong đó rất đông những người công nhân, nông dân với đời sống quá thiếu thốn, khổ cực, họ không có tâm trí và không đủ điều kiện tiếp cận thông tin đa dạng. Họ rõ ràng là rất khó khăn để có khả năng hiểu rõ được những vấn đề chính trị xã hội, về luật pháp, các vấn đề về nhân quyền... để tự bảo vệ mình. Do họ bị hạn chế về nhận thức nên cũng rất dễ hành động nông nổi cảm tính mà để lại những phiền toái hoặc hậu quả đáng tiếc. Đây là tầng lớp cần nhận được sự cảm thông, giúp đỡ và cần được hướng dẫn bởi tầng lớp trung lưu trí thức.
Tầng lớp trí thức trung lưu có thể coi là quan trọng nhất để giúp chính trị - xã hội trở nên tốt đẹp, bởi họ có điều kiện để tiếp cận thông tin đa dạng, có hiểu biết rộng, có đủ kinh tế để sống, có mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, tiếng nói có trọng lượng và sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Vì vậy, sự hiểu đúng về vai trò của chính trị ở tầng lớp này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho xã hội thậm chí là quyết định sự tồn vong của một dân tộc.
Một chút suy tư về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam:
Việt Nam đang nguy cấp, đối mặt với những nguy cơ hiểm họa khôn lường, xin được nêu lên một số hiểm họa nhãn tiền nhất mà ai cũng có thể thấy: Môi trường môi sinh bị tàn phá, hủy hoại nặng nề, không khí ô nhiễm, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi đầu độc người Việt Nam hàng ngày hàng giờ, biển cũng đã bị đầu độc, tài nguyên cạn kiệt, nợ công tăng cao và tính trên mỗi đầu người khoảng 30 triệu, gần 200 ngàn người bị ung thư mỗi năm, kinh tế lệ thuộc trầm trọng vào Trung Quốc, lãnh thổ - biển đảo mất dần... và điều bi thảm nhất là nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc.
Những vấn nạn này không được giải quyết thì gần như toàn bộ 90 triệu dân VN sẽ cùng gánh chịu khổ đau bất hạnh và tệ hơn nữa là sự diệt vong, chỉ trừ một số rất ít có điều kiện sẽ tị nạn sang những nước phát triển.
Có thể hình dung những vấn nạn của Việt Nam ví như đang có một cơn sóng thần tiến từ từ đằng xa trở lại, tầng lớp những người nghèo đang đứng gần nó hơn, tầng lớp khác đứng cách xa hơn. Nếu không ngăn chặn được con sóng đó thì dần dần trước sau gì tất cả mọi người đều cùng chết khi con sóng ập đến, những ai đứng gần nó hơn sẽ chết trước. Vậy thì tất cả mọi người đều cần phải nhận thức được những nguy cơ đó để cùng nhau ngăn cơn sóng thần này lại, đặc biệt là những người đứng xa mà nhìn thấy sự hiện diện của cơn sóng cùng với những thảm họa nhãn tiền được dự báo trước.
Xin được đặt phần lớn kỳ vọng vào tầng lớp trung lưu. Họ chiếm khoảng 10% dân số, nhưng 10% dân số này lại đang gánh vác những trọng trách có thể nói là quan trọng nhất để mang lại thay đổi và cứu nguy cho Việt Nam.
07.07.2016
No comments:
Post a Comment