SÀI GÒN (NV) – Các tổ chức xã hội dân sự cáo buộc nhà cầm quyền Việt Nam dối gạt dân trong vụ công ty Formosa xả thải ra biển, gây thảm họa cho nhiều thế hệ nhưng chỉ được đối phó qua loa.
Họ kêu gọi dân chúng tiếp tục biểu tình bày tỏ thái độ và phối hợp với các hành động khác hầu áp lực “đóng cửa Formosa.”
Trong một bản tuyên bố chung của 18 tổ chức xã hội dân sự và 5 tổ chức chính trị phần lớn ở Việt Nam, hôm Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016, họ nêu ra 5 điểm chính chứng minh cách ứng phó thù nghịch của nhà cầm quyền đối với các phản ứng của quần chúng cũng như những lấp liếm bao che cho công ty Formosa.
Họ tố cáo nhà cầm quyền “luôn tự xưng là ‘của dân, do dân và vì dân’ nỗ lực chu toàn trách nhiệm” nhưng lại chỉ “hành động gieo hoang mang và gây công phẫn” cho nhân dân.
Họ cáo buộc cung cách bưng bít thông tin “vô lương tâm của Bộ Thông Tin và Truyền Thông” như “Tin nhắn điện thoại nay bị chặn những từ khóa như ‘Formosa,’ ‘Vũng Áng,’ ‘cá chết’…”
Báo chí nhà nước đã không đưa một dòng nào về hai cuộc biểu tình lớn vì môi trường đầu tháng 5, trái lại cáo buộc một số người tội “kích động” dân chúng xuống đường “gây rối loạn.”
Ngay như báo nhà nước cũng còn bị trừng phạt như: ngày 13 tháng 5, báo Nông Thôn Ngày Nay bị phạt 140 triệu đồng vì in trên ấn phẩm Thế Giới Tiếp Thị bài “Nhân dân mãi mãi là người đến sau,” và “Lời than của các loài cá.”
Ngày 30 tháng 5, VTV 6 phát chương trình “60 phút mở – Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” nhằm khẳng định video clip “Hai con cá chết trong nước biển Vũng Áng?” của VTC là ngụy tạo, đồng thời đấu tố MC Phan Anh vì đã đưa nó lên trang FB của mình.
Hôm 6 tháng 6, tờ Giáo Dục và Thời Ðại Online phải rút xuống bài viết “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó” sau khi nó lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Bản tuyên bố chung tố cáo rằng, “Ngày 10 tháng 6, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã phát hiện 30 tấn cá đông lạnh có chứa chất độc phenol với nồng độ nguy hiểm, truyền thông nhà nước lại tiếp tục đăng tải các nội dung phi khoa học, đưa ra các nhận định theo hướng trấn an dối gạt người dân từ các quan chức và trí thức của chế độ.”
Họ tố cáo phóng viên độc lập đi điều tra vụ cá chết đã bị giam giữ, thẩm vấn, các người đi biểu tình chống công ty Formoasa đã bị đánh đập, giam giữ. Nhiều người đã bị “đánh cho nhừ tử; thậm chí còn nhốt họ vào trại hỗ trợ xã hội nhiều ngày, bỏ đói, hành hạ, làm nhục.”
Trong khi đó, các thông tin về điều tra nguyên nhân cá chết một dọc dài 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã bị bưng bít, bóp méo. Gia đình ngư dân một số địa phương được hỗ trợ ít gạo cứu đói thì bị nhà cầm quyền địa phương ăn chặn ăn bớt.
Bản tuyên bố chung thuật lời ông Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chống chế, “Vì Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường hỗ trợ, nên chính phủ cũng có ‘chính sách độ lượng’ mà không truy tố” và đặt câu hỏi, “Ðiều này phải chăng có liên hệ với việc hoãn thi hành Bộ Luật Hình Sự sửa đổi vốn phải có hiệu lực ngày 1 tháng 7. Vì với Ðiều 235, Khoản 5, Ðiểm (d) trong bộ luật này, Formosa phải bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.”
Không những vậy, nhà cầm quyền “ngoài việc chấp nhận sự ‘đổ thừa’ của Formosa là do mất điện trong vài ngày đầu tháng 4, 2016, nên các chất kịch độc phenol và cyanur chảy tràn ra biển, chấp nhận để Formosa tiếp tục hoạt động như một ổ độc chất lâu dài cho môi trường đất nước và một nguy cơ tiềm tàng cho an ninh tổ quốc, nhà cầm quyền lại tự ý chấp nhận 500 triệu đôla bồi thường mà không thông qua sự đánh giá tường tận của chuyên gia và phán quyết nghiêm túc của tòa án về tác hại khủng khiếp do Formosa gây ra trong hiện tại và tương lai. Như thế là vi phạm Hiến Pháp lẫn pháp luật.”
Bản tuyên bố chung cáo buộc rằng “đó là số tiền bèo bọt, vô nghĩa, mang tính cách lăng nhục, một hình thức đấm mõm quan chức và bố thí cho nạn nhân, kết quả sự thỏa thuận trên lưng nhân dân của một nhà nước vô trách nhiệm với một tội phạm môi trường khét tiếng. Với cái giá đó, đảng Cộng Sản đang bán rẻ hiện tại và tương lai dân tộc!”
Vì những lý do như thế, các tổ chức nói trên kêu gọi mọi người Việt Nam trong và ngoài nước “Một Tháng Hành Ðộng Vì Môi Trường Việt Nam,” kể từ ngày 6 tháng 7, 2016 đến 6 tháng 8, 2016.”
Trong tháng này, họ hô hào mọi người “mặc áo trắng có biểu tượng cá chết khi ra đường; biểu tình cá nhân hay tập thể để đòi đóng cửa Formosa; tổ chức các đoàn đi hỗ trợ ngư dân, đặc biệt hỗ trợ pháp lý để kiện Formosa ra tòa; và mọi sáng kiến cần thiết khác.”
Riêng đồng bào hải ngoại, “Xin hãy tổ chức triển lãm hình ảnh toàn bộ vụ Formosa cũng như có những hoạt động lên án tội ác phá hủy môi trường của thủ phạm lẫn đồng lõa để vận động quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam.”
Ðầu tháng 4, 2016, nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh (vốn đầu tư trực tiếp của tập đoàn Formosa tại Ðài Loan) đã xả chất thải độc hại trực tiếp ra biển gây thảm họa cá cũng như tất cả các sinh vật khác bị giết chết suốt một dọc biển kéo dài đến tận Thừa Thiên-Huế.
Những gì người ta nhìn thấy bây giờ chỉ là phần nổi của một thảm họa kéo dài nhiều chục năm nhưng nhà cầm quyền Hà Nội không hề công bố các kế hoạch khôi phục biển, tẩy rửa môi trường biển, buộc Formosa chịu trách nhiệm này cũng như công bố kế hoạch lọc chất thải trước khi đổ ra biển.
Cũng không hề quy tội cho bất cứ kẻ cầm đầu nào trong guồng máy cầm quyền từ Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự đến ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mà nhiều người tin rằng ai ông này đã được “đấm mõm” những số tiền thật lớn. Có những người gọi hai ông này là “tội đồ dân tộc.” (TN)
06-07-2016
No comments:
Post a Comment