(Dân Việt) Đây là thông tin được ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 20.6. Các hành vi lạm dụng cũng ngày càng tinh vi.
Theo ông Sơn, đơn cử như năm 2015, Quảng Ninh, Phú Thọ phải thu hồi mỗi tỉnh hơn 20 tỷ đồng… Ngoài ra còn có thể kể đến các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An… tổng cộng lại cũng đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy việc thu hồi tiền BHYT được thông qua các đợt quyết toán từng quý của BHXH tỉnh nhưng khi đoàn thanh tra của BHXH Việt Nam đi kiểm tra đột xuất, vẫn phát hiện được các sai phạm. “Hiện nay, tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã thu hẹp hành vi, tuy nhiên ngày càng tinh vi. Điều “làm khó” các nhân viên giám định chính là tranh cãi về việc chỉ định thế nào cho hợp lý, bác sĩ nói phải chụp, chiếu mới đúng, các giám định viên có thể “nhìn thấy” lạm dụng nhưng tìm được các bằng chứng để chứng minh họ lạm dụng rất khó khăn” – ông Sơn cho biết.
Thanh toán bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ, Thái Nguyên - Ảnh: Diệu Linh
Ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hành vi lạm dụng quỹ BHYT, thu hồi hàng chục tỷ đồng ở một số tỉnh được kiểm tra như Quảng Ninh, Quảng Nam.. “Đơn cử chỉ dịch vụ xông dạ dày chỉ có 30.000 đồng nhưng được kê lên thành 500.000 đồng/lượt.
Dịch vụ này được thực hiện hàng ngàn lượt, nên chỉ riêng dịch vụ này đã xuất toán (thu hồi) hàng tỷ đồng. Có bệnh viện thu dịch vụ phân tích tế bài hệ thống tự động hoàn toàn với giá 62.000 đồng/lượt nhưng có cơ sở chỉ có hệ thống laser, được quy định tối đa là 40.000 đồng/lượt. Như vậy, bệnh viện này thu chênh lệch 22.000 đồng/lượt, giám định viên cũng xuất toán hàng tỷ đồng” – ông Phúc dẫn chứng.
Theo ông Phúc, ngoài ra còn có nhiều sai phạm khác như lựa chọn thuốc có hàm lượng không phổ biến, giá cao; sử dụng vật tư, thuốc giá cao thay vì các vật tư, thuốc giá thấp hơn nhưng tác dụng tương đương, thực hiện dịch vụ này nhưng lại thống kê thanh toán dịch vụ khác giá cao… Đơn cử như nước cất ống nhựa đắt gấp đôi ống thuỷ tinh mà tác dụng tương đương nhưng bệnh viện chỉ dùng nước cất ống nhựa… Cùng loại stent Meril (Ấn Độ) có nơi mua giá 33,9 triệu đồng/cái, có nơi mua đến 62 triệu đồng; Thuỷ tinh thể cũng chủng loại, hãng sản xuất nơi mua 3,5 triệu, nơi mua 4,3 triệu đồng/cái. Chữa răng sâu lại kê điều trị tuỷ giá cao… Tình trạng sử dụng kỹ thuật viên để đọc phim chụp, điều trị răng hàm mặt… khá phổ biến trong khi quy định của Bộ Y tế chỉ bác sĩ mới được đọc phim, điều trị bệnh.\
“Đối với các sai phạm này, chúng tôi đều thu hồi tiền quỹ, không thanh toán đồng thời có những chấn chỉnh, yêu cầu các cơ sở y tế chấm dứt sai phạm, nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở đó” – ông Phúc cho biết.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện nay BHXH Việt Nam ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với gần 2.100 cơ sở y tế, tăng 5 cơ sở so với năm 2015, trong đó có gần 1.678 cơ sở công lập và 418 cơ sở tư nhân).
No comments:
Post a Comment