Một vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam (ảnh: Đỗ Vinh)
Nhiều thương lái Trung Cộng đến Bình Thuận với danh nghĩa khách du lịch. Nhưng họ không ở các resort ngoài Mũi Né, mà ăn ở ngay trong các vựa thanh long của người Việt, để điều hành việc thu mua.
Khi đã xây dựng được chân rết thu mua là người Việt, thì thương lái Trung Cộng thao túng thị trường, định đoạt giá cả lên hay xuống. “Một khi các vựa đã bán hoặc chấp nhận làm “chân rết” cho thương lái Trung Cộng rồi thì chẳng còn quyền hạn gì cả. Giá như thế nào là do họ quyết định, biết người dân mình chịu thiệt nhưng đành bó tay”, ông Hùng, một cò thanh long thở dài nói, “…Hợp tác làm ăn với thương lái Trung Cộng như cầm dao đằng lưỡi vậy. Không biết họ sẽ xù mình bất cứ lúc nào...”
Theo thông tin mà phóng viên SBTN có được, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng trên 10 “ông trùm” người Trung Cộng chuyên thu mua trái thanh long với số lượng lớn. Những người này thường không ở một nơi cố định. Họ nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch nhằm mục đích đến Bình Thuận để điều hành việc mua bán thanh long. Hằng ngày nhóm người này di chuyển khắp Bình Thuận để nắm sản lượng thanh long chín đồng thời định giá mua thanh long.
Trong số những “ông trùm” người Trung Cộng đang mua bán trái thanh long Bình Thuận, thì A Lục và A Tam nổi lên như những người “có tiềm lực lớn”. Trước đây, A Lục đã từng làm chung với Công ty xuất khẩu thanh long M.M tại Bình Thuận. Cách đây hơn 3 năm, A Lục tách ra làm riêng với người chủ là A Xi có công ty tại Trung Cộng. Hiện tại A Lục là ông chủ trực tiếp quản lý trên 10 thương lái Trung Cộng đang hoạt động tại Bình Thuận và thuê lại các vựa thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Nam. Ngoài những “chân rết” người Việt, thỉnh thoảng cũng có một vài thương lái Trung Cộng đến trực tiếp các nhà vườn tìm hiểu, thu mua thanh long và giao tiếp bằng tiếng Việt khá sõi.
A Tam người đang cộng tác với A Lục, đã từng có thời gian thu mua cá cơm ở Mũi Né. Cũng những chiêu trò đang áp dụng với trái thanh long, người này đã làm cho không ít người dân sản xuất cá cơm điêu đứng.
Thống kê của huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trong tổng số 126 cơ sở thu mua thanh long trên toàn huyện, có 33 cơ sở thường xuyên hợp tác với thương lái Trung Cộng, 20 cơ sở có thương lái Trung Cộng trực tiếp thu mua thanh long từ các nhà vườn và 5 cơ sở đang được người Trung Cộng thuê lại làm ăn.
Ông Ngô Minh Hùng, phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, xác nhận trên địa bàn Hàm Thuận Nam, tính đến nay, qua kiểm tra 10 cơ sở đều thấy có sự hiện diện của người mang quốc tịch Trung Cộng đang hoạt động trong lĩnh vực thu mua, đóng gói, xuất khẩu thanh long. Người Trung Cộng tại các cơ sở này hoạt động dưới hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng gói thanh long xuất khẩu.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment