SÀI GÒN (NV) - Ông Tom Chamroeun, chỉ huy Ðồn Biên Phòng Takeo của Cambodia, vừa yêu cầu đồng nhiệm phía Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm ba người Việt đã tấn công thuộc cấp của mình.
Ông Chamroeun kể với Phnom Penh Post rằng, hôm 20 tháng 6, 2016, ba người Việt đã tấn công ông Yoak Sai, thuộc cấp của ông Chamroeun khi ông này đang neo thuyền. Khi người của Ðồn Biên Phòng Takeo đến giải cứu ông Sai thì hai trong ba người tấn công băng qua biên giới, chạy về phía lãnh thổ Việt Nam. Người còn lại cướp thuyền của Ðồn Biên Phòng Takeo để tẩu thoát.
Ông Chamroeun kể với Phnom Penh Post rằng, hôm 20 tháng 6, 2016, ba người Việt đã tấn công ông Yoak Sai, thuộc cấp của ông Chamroeun khi ông này đang neo thuyền. Khi người của Ðồn Biên Phòng Takeo đến giải cứu ông Sai thì hai trong ba người tấn công băng qua biên giới, chạy về phía lãnh thổ Việt Nam. Người còn lại cướp thuyền của Ðồn Biên Phòng Takeo để tẩu thoát.
Người Việt dàn hàng ngang (bên trái) ngăn một phái đoàn kiểm tra biên giới của Cambodia (bên phải) băng qua nơi được xem là biên giới Việt Nam-Cambodia. (Hình: RFA) |
Biên phòng Cambodia đã tạm giữ một người Việt khác chứng kiến sự việc để tra hỏi về ba người kia. Sau đó, khoảng 30 người Việt, trong đó có một số người mang dao và gậy đổ tới Ðồn Biên Phòng Tà Keo để giải cứu người bị bắt.
Ông Chamroeun phân trần rằng, thuộc cấp của ông chỉ tra hỏi nhân chứng nhưng người Việt lại hiểu lầm là nhân chứng bị bắt và bị đánh đập nên xông vào giải cứu nhân chứng. Ông Chamroeun cho biết, vì không muốn xảy ra xung đột tại biên giới nên đã để những người tấn công mang nhân chứng đi.
Trong vài năm gần đây, khu vực biên giới Việt Nam-Cambodia thường xuyên xảy ra xung đột giữa dân chúng hai bên.
Hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái, hàng ngàn người Cambodia đã đến xem cột mốc số 203 ở biên giới Cambodia-Việt Nam để kiếm chứng cáo buộc của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia rằng, chính quyền đương nhiệm đã nhượng đất cho Việt Nam.
Cột mốc 203 nằm ở đoạn tiếp giáp giữa tỉnh Svay Rieng của Cambodia và tỉnh Long An của Việt Nam. Chuyện mời người Cambodia kiểm chứng là sáng kiến của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia - tổ chức chính trị đối lập với Ðảng Nhân Dân Cambodia của ông Hun Sen - Thủ tướng Cambodia.
Ðã có ít nhất 100 người trong số hàng ngàn người Cambodia đến tận đường biên quan sát cột mốc 203 trong khi nông dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An dàn hàng ngang sát cột mốc này.
Trước đó một chút, tại khu vực vừa kể đã từng xảy ra xung đột giữa dân Cambodia và Việt Nam, khiến 10 người Cambodia, trong đó có một dân biểu tên là Real Camerin của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia và tám người Việt Nam bị thương.
Sau cuộc xung đột vừa kể, ủy ban phân định-cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Cambodia đã phải họp bất thường tại Phnom Penh nhằm thảo luận về các vấn đề có liên quan tới biên giới.
Việt Nam và Cambodia có khoảng 1,200 cây số biên giới trên bộ. Năm 1933, chính quyền thời thuộc Pháp từng thực hiện một bản đồ ghi nhận các dữ kiện liên quan đến biên giới giữa Việt Nam và Cambodia, bản đồ này được Việt Nam Cộng Hòa tái xác nhận năm 1955, rồi được chính quyền Cambodia thời Quốc Vương Norodom Sihanouk công nhận và gửi cho Liên Hiệp Quốc lưu chiểu hồi giữa thập niên 1960.
Chưa rõ vì sao đến năm 1985, Việt Nam và Cambodia lại ký một hiệp định mới để phân định biên giới và đến 2005 ký thêm một hiệp định nữa để bổ túc cho hiệp định đã ký năm 2005.
Hiệp định mới về phân định biên giới giữa Việt Nam và Cambodia đã trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột cả trong nội bộ Cambodia lẫn giữa Cambodia và Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, giới đối lập tại Cambodia liên tục chỉ trích chính quyền đương nhiệm đã “nhượng đất cho Việt Nam.” Cũng vì vậy xung đột tại khu vực biên giới Việt Nam-Cambodia càng ngày càng gay gắt, không chỉ trên đất liền mà cả trên biển. Tháng 7 năm ngoái, va chạm do tranh chấp chủ quyền giữa ngư dân Việt và ngư dân Cambodia đã làm một ngư dân Cambodia tên là Ey Youb, 42 tuổi, cư trú tại làng Troeuy Koh, tỉnh Kampot thiệt mạng.
Ngư dân làng Troeuy Koh cáo buộc ngư dân Việt Nam giết ông Youb, 42 tuổi rồi vứt xác nạn nhân xuống biển. Tuy nhiên sau đó, ông Plang Phirin, cảnh sát trưởng tỉnh Kampot, khẳng định, cáo buộc này sai sự thật. Kết quả khám nghiệm cho thấy thi thể của ông Youb không có bất kỳ vết thương nào. Ông Youb chết là do ngạt nước.
Ông Khoy Khun Hour, tỉnh trưởng tỉnh Kampot, nói thêm, trước đó, khoảng 30 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Kampot đã bao vây rồi tấn công hai tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng biển nằm giữa đảo Phú Quốc của Việt Nam và tỉnh Kampot của Cambodia. Ðây vốn là nơi mà ngư dân hai bên vẫn cáo buộc lẫn nhau rằng phía bên kia đang xâm phạm lãnh hải của mình. Khi tàu đánh cá thứ ba của Việt Nam xuất hiện để giải cứu hai tàu đánh cá đang bị bao vây thì xảy ra va chạm, ông Youb rơi xuống nước, do trời quá tối, người ta không tìm ra ông Youb.
Ông Khun Hour xác nhận, Việt Nam và Cambodia từng có một thỏa thuận rằng sẽ hợp tác khai thác vùng biển cách đảo Phú Quốc và tỉnh Kampot 12 cây số nhưng vẫn không tránh được va chạm giữa ngư dân hai bên. Cái chết của ông Youb chỉ là một tai nạn đáng tiếc. (G.Ð)
20-06-2016 3:55:52 PM
No comments:
Post a Comment