Monday, June 20, 2016

Khủng hoảng và lối thoát

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-06-20  
000_B650L.jpg
 Người dân Sài Gòn xếp hàng trên đường phố để tạm biệt Tổng thống Mỹ Barack Obama trên đường đến sân bay hôm 25/5/2016.  AFP photo
Hãy tưởng tượng bạn là lãnh đạo cấp cao ở một quốc gia như Việt Nam.
Vị trí của bạn không phải do dân bầu, nên bạn không cần lo dân sẽ phế truất bạn bầu người khác.
Không có đảng đối lập, nghĩa là không có cạnh tranh.
Bạn không cần xuất hiện trên truyền hình tranh luận trực tiếp, không cần đưa ra chính sách và bảo vệ đường hướng, không bị chất vấn hay cãi lại. Bạn không cần thuyết phục và không cần giải thích.
Bạn không cần công khai thu nhập và tài sản. Bạn không bị bới móc đời tư.
Bạn đầy quyền lực, và có thể tự do làm bất kỳ điều gì, dù làm thất thoát hàng tỷ, hay gây chết người. Bạn (gần như) có bất khả xâm phạm. Tòa án bạn không cần lo – không có tam quyền phân lập, bạn sẽ không bao giờ bị lôi ra xét xử. Truyền thông bạn không cần ngại – báo chí tất cả thuộc về nhà nước, và chỉ trích có thể làm một tờ báo bị đình bản. Dân chúng bạn càng không bận tâm – dân bàn tán, bạn có thể block tin nhắn, xây tường lửa và chặn facebook; dân đả kích, bạn cứ tống vào tù; dân biểu tình, bạn chỉ việc cho công an đánh và bắt giữ; và khi dân muốn bạn từ chức, bạn cứ cười bảo trách nhiệm còn đó và từ chối rời ghế, thậm chí không cần xin lỗi.
Bạn có tiền, có quyền, có tự do, có Ðảng, có quân đội, có công an và an ninh, có báo chí, có dư luận viên.
Đó là lời blogger Di Nguyễn mô tả hệ thống chính trị quyền lực Việt Nam hiện nay.
Các gia đình đỏ
Có hai sự việc liên quan đến hệ thống quyền lực chính trị đó được báo chí chính thống Việt Nam xôn xao đưa tin trong tuần qua. Chuyện thứ nhất là một bộ trưởng thăng chức cho con trai mình, chuyện thứ hai là một quan chức cấp tỉnh đi xe hơi sang trọng của tư nhân gắn biển số xanh của nhà nước.
Một số blogger bàn nhau rằng đây là chuyện thanh trừng nội bộ của đảng cộng sản, với vị bộ trưởng nọ và ông quan chức cấp tỉnh kia thuộc một phe đang thất thế.
Sự công bằng mà người ta đòi hỏi là công bằng về cơ hội. Chắc chắn, điều đó không bao giờ có ở đất nước này khi những công tử đảng coi việc mình được nhận tiền từ nhà nước để đi học, được bổ nhiệm vào chỗ béo bở là đương nhiên.
- Nhà báo Trung Bảo
Nhưng bất kể nguyên nhân là như thế nào, hai câu chuyện đó thu hút nhiều chỉ trích của giới blogger về một hệ thống chính trị tham nhũng, phe cánh và gia đình trị.
Blogger Lê Luân viết bài Bố to sâu nhỏ, liệt kê một loạt con cái các vị lãnh đạo được thăng quan tiến chức trong thời gian qua:
Ông giám đốc sở tuổi 30 mê chơi chim mà bố làm cựu Bí thư tỉnh. Một ông 30 tuổi khác làm chủ tịch một quận mà bố đẻ cũng làm cựu bí thư thành phố này. Một ông thì 27 tuổi làm uỷ viên trung ương đảng dự khuyết và làm bí thư thành đoàn một thành phố lớn, con của cựu thủ tướng vừa rời chức. Một cô gái khác họ Tô sinh năm 1988 làm Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp lớn của nhà nước cách đây 3 năm.
Trả lời báo chí về việc tự cất nhắc cho con trai mình, vị bộ trưởng nói rằng có nhiều người đề nghị ông làm việc ấy, còn người con trai thì nói là chuyện anh ta được thăng chức là một chuyện bình thường.
Nhà báo Trung Bảo nhận xét:
Như đa số các quan chức khác, ông Hoàng vẫn rất thản nhiên khi nói có người "tha thiết" xin con ông về làm lãnh đạo nhận tiền tỷ hằng năm. Còn cậu ấm Hải, chắc chắn cậu chưa đọc Trại Súc Vật nên mới đường hoàng lên báo trả lời về sự "bình đẳng" mà cậu và các công tử đảng khác đang được hưởng.
Trại súc vật mà Trung Bảo đề cập là tựa đề một quyển sách mô phỏng xã hội cộng sản qua hình ảnh những con vật áp bức lẫn nhau, nhân danh những lý tưởng tương tự như lý tưởng cộng sản đấu tranh vì người nghèo, thậm chí gán cho họ cái tên rất ấn tượng là lực lượng lãnh đạo xã hội.
Nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi Nguyễn Anh Tuấn nói rằng đó là một sự tiếm danh của tầng lớp cầm quyền hiện nay, không dính dáng gì đến những công nhân nghèo đang ăn uống vất vả bên vệ đường cả.
Trở lại với hệ thống quyền lực gia đình trị, nhà báo Trung Bảo viết tiếp về một sự công bằng mà xã hội hiện nay không có:
Sự công bằng mà người ta đòi hỏi là công bằng về cơ hội. Chắc chắn, điều đó không bao giờ có ở đất nước này khi những công tử đảng coi việc mình được nhận tiền từ nhà nước để đi học, được bổ nhiệm vào chỗ béo bở là đương nhiên. Cũng không bao giờ có sự chuyển hoá tư tưởng sau khi đi ra ngoài ăn học để các công tử đảng nảy sinh ý định cải tổ quốc gia, thể chế. Sự tinh quái tư bản dạy cho họ rằng vị trí ăn trên ngồi trốc của họ hoàn toàn không đến từ khả năng của bản thân mà đến từ cái cơ chế đã đưa họ lên vị trí công tử đảng rất đúng quy trình.
Những nhà giáo trong cơn bất lực và hỗn loạn
Hai sự việc liên quan đến các gia đình cách mạng, và các quan hệ bổng lộc trong hệ thống cầm quyền có phần lấn át một loạt những biến cố xã hội môi trường quan trọng trong mấy tháng qua. Nhưng các blogger thì không quên.
Blogger Người Buôn Gió nhớ lại những biến cố ấy, từ chuyện cá chết đến chuyện tranh cãi về quá khứ chiến tranh, cho đến cả hai chuyện tham nhũng đang là thời sự, ông kết luận rằng Việt Nam giống như đang ở trong một trạng thái vô chủ và hỗn loạn.
Không có một nhân vật cao cấp nào trong bộ chính trị có phát ngôn thẳng thắn và trách nhiệm để dân chúng thấy rằng Đảng CSVN còn có mặt trên đất nước. Trong vụ cá chết,người dân cảm giác đất nước này đang vô chủ. Các lãnh đạo cao cấp ở Bộ chính trị thực hiện phương châm, ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi. Từ Tổng bí thư đến chủ tịch nước đều tảng lờ như không biết chuyện cá chết.
000_B72QC.jpg-400.jpg
Hàng trăm người dân địa phương giải cứu một con cá voi bị dạt vào ven biển miền Trung thuộc tỉnh Nghệ An vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Sắp tới khi Trung Quốc hoàn tất khẳng định chủ quyền biển Đông. Lúc đó những người dân Việt Nam mới chợt nhận ra rằng đất nước của họ đang vô chủ. Tuy nhiên khái niệm vô chủ ở đây là những người chủ có trách nhiệm, có lương tâm.

Chỉ có sự bóc lột, tham nhũng, bất công, đàn áp luôn luôn là có chủ.
Tác giả Nguyễn Quang Dy gọi những biến cố dồn dập đó là những tín hiệu cho một cơn bão tố sắp đến. Còn Nguyễn Trọng Bình thì thách thức đài truyền hình Việt Nam và bà Tạ Bích Loan có dám đưa sự việc cá chết để bàn cho ra lẽ trước công chúng hay không.
Bà Tạ Bích Loan là một người dẫn chương trình của truyền hình Việt Nam bị giới blogger chỉ trích mạnh mẽ trong thời gian qua vì những lời lẽ được cho là ngụy biện, đấu tố đồng nghiệp như thời cải cách ruộng đất.
Nguyễn Trọng Bình gọi cái cách mà truyền thông của đảng đưa tin, bàn luận sự kiện, hay là phát biểu của các quan chức về những sự kiện ấy vẫn là cái cách gọi là qua mặt nhân dân.
Một trong những quan chức hay phát biểu của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là ông Đinh La Thăng. Một phát biểu của ông chỉ trích giới giáo viên tại Sài Gòn đã bị tác dụng ngược. Ông nói rằng việc dạy học thêm của giáo viên để kiếm tiền là không tốt. Có một giáo viên trả lời ông rằng nếu có thể song được thì giáo viên đã không phải vất vả dạy thêm như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, từ Úc bình luận rằng giáo viên lĩnh lương không đủ sống là điều không thể tránh được vì một bộ máy nhà nước khổng lồ của đảng cộng sản dùng để duy trì chế độ, chế độ phải tiêu tốn rất nhiều tiền của, vật chất của xã hội để nuôi bộ máy ấy.
Khủng hoảng hình tượng, tinh thần, và lối thoát
Một trong các cách được đảng cộng sản giải quyết khủng hoảng xã hội là kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân học tập đạo đức của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng nhà văn Lưu Trọng Văn thì cho rằng điều ấy không có tác dụng gì:
Sự thật thì cụ Hồ đã không thành công trong việc mà cụ từng trối trăn trong di chúc của mình đó là “xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch”. Bài học rất giản đơn mà ai ai cũng biết nhưng không có bất cứ ai dám vượt các rào cản tư tưởng thời đó để làm kể cả cụ Hồ, đó là tạo ra một cơ chế của dân và hệ thống pháp lý, hiến pháp có quyền lực giám sát đảng cầm quyền.
Cơn lên đồng Obama thể hiện một nỗi dằn vặt, một tâm trạng bức bách của người dân, cần một thần tượng, một sự cởi mở, so sánh với cái thực tại.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Blogger Viết Từ Sài gòn thì đặt câu hỏi là không biết đạo đức của ông Hồ Chí Minh to lớn tới như thế nào mà sau bao nhiêu năm xã hội Việt Nam học tập và làm theo chỉ dẫn đến một sự vô cảm, thờ ơ trước số phận đồng loại của nhiều người trong xã hội.
Viết Từ Sài Gòn tự giải thích là vì người Việt Nam phải sống trong một xã hội nhiễu loạn nên phải chọn cho mình một thái độ vô cảm bởi vì thái độ ấy bảo đảm cho họ một sự an toàn trong sự nhiễu loạn.
Những con người vô cảm ấy đột nhiên trở nên nồng nhiệt đón chào một vị khách đến từ phương xa, Tổng thống Obama của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A giải thích:
“Cơn lên đồng Obama thể hiện một nỗi dằn vặt, một tâm trạng bức bách của người dân, cần một thần tượng, một sự cởi mở, so sánh với cái thực tại.”
Nhà thơ Bùi Minh Quốc nhận xét về vị khách phương xa Obama và hệ thống chính trị của ông:
Tôi tin rằng người dân ý thức rất rõ: một chàng trai gốc Phi có tên Barack Obama xuất thân bình dân trở thành Tiến sĩ luật rồi Thượng nghị sĩ và Tổng thống Mỹ chính là biểu hiện tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ mà bất cứ ai, bất cứ thế lực nào dù ác ý đến đâu cũng không thể tìm cách gì hạ thấp.
Tuy nhiên vị khách phương xa ấy đã nói rằng những chuyện ở nước Việt và do người dân Việt đảm đương và lo lắng cho số phận và tương lai của mình.
Blogger Thanh Tôn đồng ý với lời phát biểu đó, và nhấn mạnh rằng Việt Nam, trong đó có cả những người cộng sản Việt Nam chỉ có một con đường là tự mình thay đổi, bằng nhiều cách để có thể thoát khỏi một thảm cảnh trong tương lai, mà không ai có thể làm thay mình:
Nếu không có một sức ép từ đại đa số nhân dân Việt Nam, thể hiện qua báo đài, qua FB, qua các hình thức bất tuân dân sự, bất hợp tác, biểu tình…; một sức ép đủ mạnh, đủ để buộc một bộ phận đảng viên CSVN tương đối còn lương tri và sáng suốt, phải vì lo sợ cho sự an toàn của chính họ và con cháu họ mà phản tỉnh, mà phải chọn tự diễn biến trong hòa bình, chọn phải tự đấu tranh với đảng để đảng phải tự diễn biến, thì trong tương lai rất gần thôi, ĐCSVN và Nhân Dân Việt Nam sẽ có thể phải trải qua tình trạng một mất, một còn, trong máu và nước mắt…
Blogger Viết Từ Sài Gòn thì bảo rằng sau sự đổi thay đó, chắc chắn người dân Việt sẽ không còn là những người vô cảm. Còn blogger nhà báo Đoan Trang thì nhắc mọi người là trong tình trạng mà nhiều người đang thất vọng về phong trào dân chủ vẫn có hàng ngàn người thầm lặng giúp đỡ thiểu số những người đi tiên phong, trong đó có một bác sĩ đang bị bệnh nặng, mà vẫn khao khát đựoc trông thấy mình sống trong một chế độ đàng hoàng hơn ở tương lai.

No comments:

Post a Comment