Mua bán ở cảng cá Kỳ Hà (ảnh: P.Thảo)
Những ngày qua, tại cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), tàu cá của ngư dân vẫn ra vào tập nập. Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm và ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản.
Tàu cá QNa-91865 của ngư dân Trần Sinh (nhà ở thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) bị tàu Hải cảnh Trung Cộng bắn làm hư hỏng ca bin, nhiều thiết bị và máy móc trên tàu. Ngay sau khi sửa chữa tàu cá, ông Sinh liền cho tàu ra khơi. Láng giềng, người thân khuyên ông và các bạn biển nghỉ ngơi vài ngày để lấy lại sức sau tai họa nhưng các ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Ông Sinh nói: “Biển của mình thì mình phải gắn bó, bám lấy chứ không thì phía Trung Cộng càng được nước xâm lấn. Mình phải hiện diện để khẳng định vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và ngư dân Quảng Nam bằng mọi giá giữ lấy để còn sinh kế lâu dài cho con cháu mai sau”.
Hôm 16-5, Tân Hoa Xã đưa tin chính quyền Bắc Kinh đã ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16- 5 đến 1-8. Phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá này bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một phần vùng biển ở vịnh Bắc Bộ. Khu vực cấm đánh cá chạy cập sát bờ biển Việt Nam, kéo qua khu vực sát quần đảo Trường Sa, bao gồm cả bãi cạn Scarborough (Trung Cộng gọi là Hoàng Nham) đến tận vùng biển phía nam đảo Đài Loan.
Đến thời điểm này, hầu hết tàu cá Quảng Nam hoạt động trên các vùng biển xa của Việt Nam đều được trang bị hệ thống liên lạc định vị vệ tinh GPS. Các ngành chức năng của Việt Nam, của tỉnh đều xác nhận được vị trí, phạm vi có mặt của tàu cá khi họ đang sản xuất. Vì thế, có ý kiến cho rằng, trên cơ sở xác định tọa độ của tàu cá, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong hướng dẫn cũng như trợ giúp, sát cánh khi tàu cá của ngư dân có nguy cơ bị tấn công hay gặp nạn.
Cũng có ý kiến cho rằng, để bảo vệ ngư dân cần phải rà soát lại công tác hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đến đâu. Không thể để tình trạng có nhiều lực lượng chức năng bảo vệ ngư dân, nhưng tàu của họ vẫn bị tấn công, đâm chìm, cướp phá, và buộc phải tránh khỏi vùng biển thuộc ngư trường truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, cũng nên xét đến việc có nên trang bị cho ngư dân các công cụ phòng vệ, để tự đề phòng tình huống bất trắc.
05/20/2016 - 07:04
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment