Friday, May 20, 2016

‘Huy động vàng trong dân’: Thêm dấu hiệu kiệt quệ ngân sách

Vừa lộ thêm một dấu hiệu rất rõ ràng về ngân sách kiệt quệ: theo Bộ Tài chính, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của VN những năm tới rất lớn, nhưng dự kiến đến tháng 7.2017 có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để huy động vàng trong dân.

Quả thực, tình hình ngân sách Việt Nam ngày càng “minh bạch”. Nếu vào những năm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ngân sách mặc dù khá xấu nhưng vẫn bị giấu kín, thì đến lúc này chính Bộ Tài chính đã phải thừa nhận về tương lai gần như bế tắc trong vay vốn ưu đãi ODA.
Nhìn lại quá khứ gần, có thể thấy rõ “lòng tin chiến lược” của quốc tế vào chính thể đầy rẫy tham nhũng và lãng phí ở Việt Nam đã đến lúc sụp đổ.
Tháng 12/2015, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB) bất ngờ tuyên bố: WB ngưng  các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Vào giữa tháng 3/2016, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã đến làm việc tại Việt Nam. Cũng tương tự như kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim vào tháng 2/2016, IMF đã không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới và Tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp mặn nồng.
Sau hai cú sốc mang tên WB và IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa: cũng vào tháng 3/2016, Ngân hàng Phát triển Á chân (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.
Tình trạng ngân sách Việt Nam đã đến thời điểm Minsky nợ và có thể vỡ nợ. Hơn 400.000 tỷ đồng phải trả nợ công trong năm 2015, chưa kể năm 2016 và những năm tới…
Một lần nữa trong cơn bĩ cực, chính quyền bắt đầu dòm ngó đến túi quần dân chúng. “Huy động vàng trong dân” là một chiêu sách có tính tình thế nhất. Từ năm 2011 đến nay, đã ít nhất 3 lần chính quyền rất muốn “hốt vàng” như thế.
Hai lần trước, cuối năm 2011 và đầu năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, theo phương châm “lấy mỡ nó rán nó”.
Thế nhưng lần nào cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về "quyết tâm thu hồi vàng trong dân" của Ngân hàng Nhà nước, vì trong thực tế chính quyền hoàn toàn không giải pháp nào đủ thuyết phục nào để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng, dù đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., chưa kể hàng loạt ngân hàng có lãnh đạo bị tống giam từ năm 2014 đến nay như Ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương, GP, hoặc hiện tượng "tiền tiết kiệm bốc hơi", đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ "không cánh mà bay".
Vào lần này, nếu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 400 hay 500 tấn vàng nào trong dân tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Ngân sách quốc gia cũng bởi thế sẽ ngày càng bi đát. 
05/19/2016 - 18:44
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment