Hết cá rồi đến nghêu chết.
Tin này khiến dư luận lo rằng dòng nước chứa hoá chất độc hại đang lan dần xuống các tỉnh phía nam gây thảm hoạ môi sinh trầm trọng.
Thêm vào đó, khoảng 70 tấn nghêu trên diện tích hơn 6 hécta của ngư dân xã Kỳ Hà, Hà Tĩnh cũng đã chết lần hồi, gây thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng, tương đương 150 ngàn Mỹ Kim.
VnExpress dẫn lời ông Lê Văn Luyện, người đứng đầu chính quyền Cộng sản Việt Nam tại xã Kỳ Hà cho rằng, nghêu chết trong thời điểm trùng hợp với thảm hoạ cá chết, nên ông tin rằng nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt cũng xuất phát từ môi trường nước.
Thảm hoạ cá chết dọc theo vùng bờ biển kéo dài 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tiếp tục là đầu đề gây chấn động dư luận Việt Nam suốt 3 tuần lễ nay.
Sáng nay, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc và Luyện Kim Việt Nam nói rằng, chi phí thanh lọc chất thải thường chiếm từ 20% đến 30% tổng vốn đầu tư của nhà máy sản xuất thép. Ông Cường cho rằng Khu liên hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh cần phải chi ít nhất 2 đến 3 tỉ Mỹ Kim để xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường chung quanh.
Báo Dân Trí so sánh sự kiện này tương tự vụ nhà máy bột ngọt Vedan ở Long Thành đã đổ nước thải trực tiếp vào sông Thị Vãi làm cá chết hàng loạt. Người dân cũng đã phải mất một thời gian dài “rình mò” mới bắt được quả tang vi phạm của Vedan.
Ông Cường nói sự kiện cá chết hàng loạt là bài học rất đau đớn, vì chính quyền đã không kiểm soát được hoạt động xả nước thải của các nhà máy do người ngoại quốc làm chủ. Cuối cùng thì chỉ có dân nghèo Việt Nam gánh chịu hậu quả trầm trọng, không biết đến bao giờ mới khắc phục được.
Song Châu / SBT
No comments:
Post a Comment