Thursday, January 28, 2016

Kẹo Tết và sức khỏe trẻ em

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-01-27  
keo-va-treem-620
 Kẹo Tết và trẻ em Photo by RFA
Kẹo Tết đối với trẻ con bao giờ cũng rất thần tiên và dễ thương. Chính vì vậy mà kẹo Tết có thể trở thành một ký ức đẹp cho trẻ con sau này nhưng đồng thời cũng có thể trở thành mầm mống bệnh tật, chết chóc về sau. Tình trạng kẹo Tết bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc đang là mối lo của những người có lương tâm, những bậc làm cha làm mẹ.
Nhãn mác giả tràn lan
Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, chúng tôi ngạc nhiên bởi lượng kẹo Tết, bánh Tết bày bán ở các chợ rất nhiều nhưng hiếm có một bao kẹo nào dán nhãn mác. Và nếu có dán nhãn mác thì cũng chưa chắc đã là hàng chính hãng bởi hiện tại, muốn có bất kì loại nhãn mác nào, người bán hàng giả không khó khăn mấy.
Một người từng là nhà chuyên cung cấp kẹo Tết tại khu vực Lái Thiêu, Thủ Dầu Một và Dĩ An, Bình Dương, chia sẻ:“Thường thường bán hàng của hãng nhưng hàng của hãng đắt quá không có ai mua hết trơn. Chỉ có một số người giàu có người ta mua để biếu cấp trên thôi. Giới lao động bình dân họ không có ăn bánh kẹo vì nó bị tiểu đường nên họ ít mua. Nhưng bây giờ kẹo đảm bảo của hãng thì cũng ít dùng mà kẹo không có nhãn mác thì họ càng không dám mua đâu bởi vì họ sợ hàng Trung Quốc”.
Theo chị này, hiện tại, nếu nói một cách nghiêm túc thì không thể nhận rõ nguồn gốc của kẹo Tết là do đâu sản xuất. Trừ một số hãng kẹo, bánh đã có uy tín lâu năm của nước ngoài và trong nước và họ cung cấp kẹo bánh ra thị trường với giá tương đối cao, thậm chí có những loại kẹo bán giá cao ngất… Thì kẹo Tết hiện tại không có viên kẹo nào là đáng tin cậy.
Bởi theo chị, kẹo Tết cho dù có của chính hãng sản xuất vẫn gặp nhiều vấn đề trầm trọng. Bởi hầu hết các nhà máy, các hãng bánh kẹo cho đến thời điểm hiện nay đều giao một phần không nhỏ sản phẩm cho tư nhân sản xuất. Nghĩa là các nhân viên trong công ty, nhà máy có thể nhận hàng về nhà để làm, đến khi hoàn thiện thì mang giao lại cho nhà máy, cho hãng. Vì làm như vậy, nhà máy sẽ tiết kiệm được một số tiền chi phí rất lớn trong việc tăng ca, bồi dưỡng những ca đêm và giảm chi phí điện, khấu hao máy móc trong quá trình sản xuất.
Và những chiếc kẹo được sản xuất theo kiểu giao khoán như vậy sẽ là một ẩn số về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, số lượng kẹo được tuồn sang từ Trung Quốc trong suốt ba tháng cuối năm, được các nhà đầu cơ tích trữ để tung ra thị trường vào dịp Tết là một vấn nạn cho sức khỏe người Việt nói chung và trẻ em nói riêng.
Theo chị, những viên kẹo do Trung Quốc sản xuất không có nhãn mác hay bao bì mà bán theo khối, theo ký. Ví dụ như nhà buôn cần mua một trăm ký, họ sẽ bán cho bao tải một trăm ký, sau đó nhà buôn tự phân thành những bao nhỏ và tự dán nhãn mác. Hiện tại, mua bất kì loại nhãn mác nào cũng có, từ nhãn mác kẹo bánh ngoại cho đến những thương hiệu tầm cỡ Việt Nam. Muốn mua bao nhiêu cũng có, nghĩa là bắt đúng đường dây và có cơ sở buôn bán hẳn hoi.
Giải thích thêm về đường dây và cơ sở hẳn hoi, chị này cho biết hầu hết các đại lý lớn mới đủ tin cậy để những tay in nhãn mác giả bỏ mối cho họ. Và kẹo giả ở các đại lý lớn này không phải là ít. Chỉ cần mua một triệu đồng tiền nhãn mác, mua vài trăm ký lô kẹo với giá chừng hai hoặc ba triệu đồng, sau đó phân thành từng gói nhỏ, dán nhãn mác, in hạn sử dụng, in cả mã vạch vào đó và bán ra thị trường, bỏ mối ở một số đại lý nhỏ hơn, nhà buôn có thể kiếm được vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng.
Chính vì mức lãi quá cao khi buôn kẹo không có nhãn mác nên hầu hết các nhà buôn đều bán loại kẹo này. Và chắc chắn là nhân viên thị trường sẽ không bao giờ mó tay đến các đại lý bởi họ đã chung chi đầy đủ. Trường hợp các nhân viên thị trường đi kiểm tra từng cửa hàng trong mùa Tết thì cần phải hiểu là họ không đi kiểm tra chất lượng mà đang gỏ cửa từng ông chủ, bà chủ để nhận phong bì xài Tết. Theo chị, hầu hết các nhân viên kiểm kê chất lượng gì đó đều giống người ăn xin hơn là nhân viên nhà nước. Thấy họ đến thì chủ hiệu buôn chuẩn bị cho họ một phong bì, đưa phong bì để họ đi cho rảnh mắt, chẳng có gì khác!
Kẹo Tết hay là thuốc độc?
Một người mẹ từng làm trong ngành quản lý thị trường, đã bỏ việc và kinh doanh tạp hóa tại Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung thì bây giờ người ta mua cái gì ở đây cũng sợ đồ Trung Quốc hết à! Bây giờ muốn bán một cái gì thì phải cho người ta thử. Nói thì nói vậy chứ rồi cũng phải ra chợ mua vậy thôi chứ làm sao mà biết được nó thật giả…”.
Theo chị này, kẹo Tết ở Việt Nam sở dĩ giống như thuốc độc đối với trẻ em là do nhà nước quản lý quá kém. Và hầu hết các nhân viên ngành quản lý thị trường hay các quan chức ngành vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ là những kẻ ăn xin của nhà buôn không hơn không kém. Chính bởi lối làm việc lúc nào cũng mang chuyên môn ra để ăn xin nhà buôn và luôn cầu cạnh những chiếc phong bì nên nhà buôn rất dễ qua mặt nhà nước.
Và cũng theo chị này, chính vì kiểu làm việc ầu ơ, tệ hại của các nhân viên vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyên viên thị trường mà hầu hết nhà buôn đều có thể dễ dàng buôn hàng không nhãn mác, hô biến thành hàng có nhãn mác để bán ra thị trường. Và hầu hết các chủ cửa hàng đều dễ dàng biến các nhân viên ngành quản lý thị trường cũng như ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thành những con rối trong tay họ, họ điều khiển bằng những chiếc phong bì và vài bữa nhậu, nếu làm căng hơn thì họ cho một em chân dài đi chơi cùng là xong hết mọi chuyện.
Và khi nhà buôn dễ dàng qua mặt nhà nước bằng những phong bì cho giới cán bộ quản lý thị trường, cán bộ vệ sinh an toàn thực phẩm thì cả hai cùng được lợi, nhà buôn tăng lợi nhuận, giới cán bộ nhà nước có thêm phong bì. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi họ phải bỏ tiền để mua những thứ hàng hóa độc hại, không rõ nguồn gốc về cho con cái, người nhà của họ ăn.
Hiện nay, những tờ lịch cuối cùng của cùng Ất Mùi sắp hết, không khí Tết đã bắt đầu nóng dần lên, đặc biệt là không khí Tết ở những khu công nghiệp thường đến rất sớm mặc dù giới công nhân nghèo thường không có nhiều tiền. Nhưng chính bởi không có nhiều tiền, phải sống xa quê và luôn tự an ủi cho cái nghèo, cho đời sống kham khổ của mình, họ thường hưởng ứng Tết từ rất sớm. Và những viên kẹo, chiếc bánh không rõ nguồn gốc có giá tiền vừa với túi người nghèo luôn là cái bẫy ngày Tết.

No comments:

Post a Comment