Phát biểu tại hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 hôm 7/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói Luật mới khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và đây là một hành lang pháp lý quan trọng với nhiều quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí.
Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều được xây dựng dựa trên Luật Báo chí năm 1999 với các điều sửa đổi, bổ sung. Ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, cho VOA biết:
“Luật mới này thì cũng không phải là mới, mà là trên cơ sở phát triển, kế thừa, bổ sung của Luật Báo chí đã có từ trước, năm 1999. Trong đó làm mới tới 32 điều. Có những chi tiết mới, nhưng nhìn chung lần nay sâu hơn, rộng hơn, và có nhiều cái hàm chứa những sự phát triển mới của đất nước, những đòi hỏi mới của báo chí trong điều kiện bùng nổ thông tin”.
Điểm đầu tiên trong 9 điểm trọng tâm của Luật Báo chí 2016 được nêu lên là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó quy định công dân có các quyền sáng tạo sản phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, tiếp cận thông tin báo chí…
Tiến sĩ-Nhà báo Phạm Chí Dũng, đại diện Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho rằng các quyền này cho tới nay vẫn bị hạn chế trong một số trường hợp. Ông nói:
“Chúng ta thấy là chưa ra Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung mà đã có hàng loạt báo chí bị xử phạt, trong đó có một số trường hợp liên quan đến quan điểm chính trị. Ngay cả việc phản biện đối với nhà báo bị đánh, phản biện về Formosa, phản biện về thủy điện Hố Hô gần đây thì đều bị bóp nghẹt”.
Việt Nam lâu nay vẫn bị xếp vào danh sách các nước bị hạn chế về quyền tự do báo chí, tự do Internet. Các vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm, bác sĩ Hồ Hải… mới đây vì các bài đăng trên trang Facebook cá nhân đã khiến nhiều tổ chức quốc tế phải lên tiếng nhắc nhở Việt Nam về việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam nói:
“Trong Luật Báo chí của Việt Nam thì có nhiều loại luật. Còn việc quản lý thông tin trên mạng Internet lại là một vấn đề bị truy tố bởi nhiều luật khác”.
Cũng theo ông Phan Hữu Minh, quyền con người trong công tác báo chí tại Việt Nam là rất tự do, thoải mái, nhưng phải tuân thủ luật pháp. Ông nói:
“Quyền con người với con người trong hoạt động báo chí là rất thoải mái. Tức là tiến bộ, được nhắc đi nhắc lại, về quyền hoạt động báo chí của con người như quyền được thông tin, quyền được tiếp nhận thông tin, quyền được cung cấp thông tin, quyền được phản bác thông tin, rồi quyền đính chính, quyền sửa sai trên báo nếu nói sai… thì đều được cả. Tôi cho đấy là sự cởi mở để mọi người có thể đều tham gia vào hoạt động thông tin”.
Trong khi đó, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận xét Luật Báo chí mới không có sự tiến bộ, thay đổi đáng kể trong việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
“Trước khi hoạt động ở Hội Nhà báo Độc lập thì tôi là nhà báo nhà nước. Lúc đó cũng đã có Luật Báo chí rồi. Nhưng thực ra, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam được hiểu hết sức trừu tượng. Nhiều khi nó không thực thi theo pháp luật, mà thực thi theo ý đảng. Cho nên trong nhiều trường hợp, những nhà báo bất đồng chính kiến, tôi muốn nói riêng về bất đồng chính kiến về chính trị, là bị xử lý rất nhanh gọn và không cần phải dựa theo khung luật nào hết. Luật Báo chí mới hiện nay sửa đổi, bổ sung, mặc dù có nêu lại khái niệm tự do ngôn luận, nhưng lại có thêm một số nội dung khác để siết lại, chẳng hạn như vấn đề tuyên truyền như thế nào được coi là không phù hợp đối với đảng mà trong luật báo chí kỳ này có nêu. Nói một cách nào đó, nó hơi giống Luật Hình sự, tức là ‘Tuyên truyền chống nhà nước’”.
Một điểm mới khác trong Luật Báo chí 2016, theo Bộ TT&TT, là có các quy định cấm rõ ràng hơn so với luật hiện hành. Trong đó, các hành vi bị cấm đăng, phát thông tin đã có sự tương thích với các quy định trong Luật hình sự 2015, Luật Dân sự và các luật khác.
Ngoài ra, Luật Báo chí 2016 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng thành lập cơ quan báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí, quyền tác nghiệp, quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo, hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí.
No comments:
Post a Comment