Tuesday, November 8, 2016

Sài Gòn: 10 năm chưa kè được 220m chống sạt lở

Những căn nhà nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm cao chưa giải tỏa ở dự án chống sạt lở bờ sông Thanh Ða. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN (NV) – Khi xảy ra sạt lở, các cơ quan thẩm quyền Sài Gòn yêu cầu “cấp bách phải triển khai ngay công tác chống sạt lở.” Thế nhưng, từ khi làm đến khi hoàn thành dự án chống sạt lỡ mất 7-10 năm vẫn chưa xong.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 8 tháng 11, một cán bộ Khu Ðường Thủy Nội Ðịa Sài Gòn, chủ đầu tư nhiều dự án xây dựng kè chống sạt lở cho biết, công trình trọng điểm thánh phố về xây dựng kè chống sạt lở bờ kênh Thanh Ða, quận Bình Thạnh, dài khoảng 700 mét, được khởi công vào năm 2012, nhưng hiện nay chỉ xây được 220 mét.
Cạnh đó, đoạn bờ sông dài 447 mét chưa thi công là hình ảnh loang lổ nhiều vạt đất trơ trụi nằm bên cạnh những lùm cây hoang dại, bờ sông vẫn còn ngổn ngang cọc bêtông và vật liệu xây dựng. Nhà thầu thi công đã rút lực lượng khỏi công trường cách đây 3 năm. Tính đến nay, dự án đã kéo dài 6 năm kể từ khi được Sở Giao Thông phê duyệt đầu tư.
Song, có thể nói đạt kỷ lục “trì trệ” nhất là dự án chống sạt lở bờ gần cầu Phước Kiểng huyện Nhà Bè, với tổng vốn đầu tư dự án là 21.3 tỉ đồng, đã làm 10 năm nay vẫn chưa xây xong 220 mét kè, do “trục trặc về việc thỏa thuận giải tỏa nhà đất với người dân.”
Tương tự, dự án chống sạt lở bờ gần cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè, đầu tư 85.2 tỉ đồng cũng đã triển khai gần 10 năm vẫn chưa thi công 247 mét kè. Theo chủ đầu tư “phải chờ cấp thẩm quyền phê duyệt đền bù giải tỏa chung.”
Như vậy, hầu hết các dự án chống sạt lở bờ sông trên sẽ đội vốn vì cấp thẩm quyền đã phê duyệt dự án đầu tư cách đây 10 năm.
Cụ thể, dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức – kênh xáng Lý Văn Mạnh có vốn đầu tư là 45.7 tỉ đồng; dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc hơn 85 tỉ đồng và dự án cầu Long Kiểng là 21.3 tỉ đồng đều được phê duyệt từ năm 2006.
Một lãnh đạo phòng kế hoạch đầu tư Khu Quản Lý Ðường Thủy Nội Ðịa Sài Gòn nói với báo Tuổi Trẻ, tiền lương tối thiểu năm 2006 là 350,000 đồng/tháng, đến năm 2016 đã tăng lên 1.2 triệu đồng/tháng, nghĩa là tăng gần 3.5 lần so với cách đây 10 năm. “Như vậy, dự kiến tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng lên 2.5 lần so với hiện nay” vị này nói. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment