Theo RFA-2016-11-12
Photo Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2016-2020 - Courtesy Photo Courtesy Photo
Cuộc bầu cử TT Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ 4 năm sắp đến đã kết thúc với kết quả được cho là khá bất ngờ khi ông Donald Trump là người chiến thắng, trở thành tân thổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Đây là cuộc bầu cử được cho là gay cấn nhất cho đến giờ phút cuối cùng. Không chỉ người Mỹ mà cả người Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm theo dõi với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, không thiếu những bạn trẻ trong nước.
Mời quí vị theo dõi phần trò chuyện của Cát Linh cùng các bạn trẻ về vấn đề này.
Quan tâm và hồi hộp
Cát Linh: Chào các bạn Hoàng Thành, Huy Jos và Khắc Trung.
Ngay lúc này, Khi các bạn và C.L nói chuyện với nhau thì nước Mỹ, hay nói cách khác, cử tri Mỹ đã chọn cho họ 1 tân tổng thống cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.
Được biết sáng nay, Hoàng Thành có đến Đại sứ quán Mỹ để theo dõi trực tiếp cuộc bầu cử được cho là gay cấn nhất trong lịch sử Mỹ. Thành có thể nói cho mọi người biết cảm nhận đặc biệt của bạn về không khí nơi đó thế nào?
Hoàng Thành: Sáng nay em có cơ hội tiếp cận cũng như đến Đại sứ quán để tham dự theo dõi bầu cử Mỹ. Mặc dù đây là ở Việt Nam nhưng không khí bầu cử Mỹ đã lan tới tận Việt Nam. Không gian bầu cử trong Đại sứ quán thì đúng là ranh giới chỉ là một bức tường thôi.
Đầu năm vừa rồi em cũng có theo dõi bầu cử ở Việt Nam, thì mặc dù diễn ra ở Việt Nam, kênh truyền thông nhà nước có nói đến nhưng người dân không quan tâm nhiều. Nhưng ở đây thì em thấy từ độ tuổi trẻ cho đến lớn, từ những người không làm chính trị cho đến những người làm trong Đại sứ quán, họ vui như Tết. Họ lúc nào cũng trong 1 trạng thái hồi hộp không biết kết quả thế nào, rất nóng lòng.
Cát Linh: Thế còn Huy Jos, bạn theo dõi trong 1 tâm trạng thế nào?
Huy Jos: Vâng hiện tại ở Việt Nam thì em vẫn theo dõi những thông tin đưa ra từ Nhà Trắng, Đại sứ quán. Người nào lên nắm quyền ở nước Mỹ thì cũng ảnh hưởng 1 phần nào đó tại Việt Nam, với các nhà hoạt động dân chủ.
Cát Linh: Khắc Trung thì sao?
Khắc Trung: Dạ, sáng nay em đi làm với 1 tâm trí khá là chờ đợi. Trước đó những gì em biết được thì nó quá tươi sáng. Em vào văn phòng thì chỉ ngồi đó canh laptop thôi. Em mở rất nhiều trang, từ CNN cho tới các trang của Việt Nam và em cứ nhấn F5 liên tục. Đến giai đoạn cách nhau từ phiếu 1, 197, 291 là giai đoạn em vui nhất. Nhưng sau đó lên đến 209 và 256 thì nước mắt em rơi và em bỏ đi.
Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời em quan tâm đến 1 tình hình chính trị, bầu cử, 1 con người mà em yêu thích. Và thậm chí trong tất thời gian trong cuộc đời em đến nay em chưa bao giờ quan tâm đến bầu cử ở Việt Nam, mà đây là lần đầu tiên trong cuộc đời em có cảm xúc mãnh liệt đối với việc bầu cử ở nước Mỹ như vậy.
Cát Linh: Vì sao đây là kết quả mà bạn không mong đợi?
Khắc Trung: Chắc là vì em thích Hillary nhiều quá, vì những chính sách của bà. Vì em yêu phụ nữ, yêu những sự công bằng mà bà hướng tới. và vì em biết những chính sách của Trump quá khác biệt, quá gây chia rẽ.
Em thấy cuộc bầu cử ở nước người ta sao mà hay quá. Nó có 1 sức hút gì mà rất là hay, mà mỗi ngày mình đọc tin tức, xem thông tin người này người kia hay vô cùng.
Những ảnh hưởng đến Việt Nam
Cát Linh: Hoàng Thành có chia sẻ cảm xúc nào khác hơn?
Hoàng Thành: Ngay từ lúc đầu em đã xác định bản thân mình chỉ là người quan sát. Và quan điểm của em là cho dù bà Hillary hay ông Trump lên thì đó là kết quả của nước Mỹ do dân Mỹ bầu chọn.
Nhưng nếu để suy nghĩ ở góc độ có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không thì đương nhiên ai lên cũng có ảnh hưởng. Và em đang suy nghĩ bà Hillary hay ông Trump lên thì có ảnh hưởng những gì? Và ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào? Ngay khi em đang nói chuyện đây thì em cũng có suy nghĩ đến.
Cát Linh: Mọi người có thể nghe những suy nghĩ đó không? Ở 1 góc độ nào đó?
Hoàng Thành: Nếu ở 1 góc độ nào đó thì em thấy rằng ông Trump lên cũng có tốt và cái không tốt đối với Việt Nam, chẳng hạn như với các bạn du học sinh chẳng hạn.
Hôm nay khi em có mặt ở Đại sứ quán thì khi có kết quả cuối cùng ông Trump là người chiến thắng thì cái nỗi buồn mà em thấy rõ rệt nhất chính là nhóm người Việt và các bạn du học sinh đang có ý định đi du học Mỹ. Các bạn ấy đang rất lo lắng là năm sau các bạn có khả năng đi hay không và chính sách của Mỹ khi ấy như thế nào. Thậm chí có những bạn rơi nước mắt. đó là những cái mà em thấy trước mắt.
Nhưng còn tương lai chẳng hạn sau 100 ngày nữa có những quyết sách cụ thể thì chúng ta mới biết rõ ông ta đang làm gì.
Cát Linh: Huy Jos đón nhận kết quả này với tâm trạng như thế nào?
Huy Jos: Theo em suy nghĩ thì hai người ứng cử tổng thống cho nước Mỹ lần này em đều không đồng ý với cả 2 người, mặc dù đó không phải là quyết định của em mà là quyết định của toàn dân nước Mỹ. Về phần ông Trump lên làm tổng thống thì em cũng có 1 chút e ngại về những người hoạt động và người dân bên ấy gặp khó khăn về phần tự do. Tôn giáo thì cũng có ảnh hưởng 1 phần nào đấy theo em thấy. Về phần bà Clinton thì em cũng nghe bà nói rằng được phép nạo phá thai. Em là người công giáo, nhưng những ngừoi bên lương thì cũng biết nạo phá thai là tội giết người.
Hai người được đề cử lần này thì em không đề cử cho 1 ai và cũng không đứng về phía ai.
Hy vọng
C.L: Khi TT Obama công du đến VN, người dân cả nước chào đón với tâm trạng hân hoan và tấm lòng yêu mến dành cho ông ở mức độ cao nhất. Cuộc bầu cử tổng thống lần này cũng thu hútnhiều sự quan tâm của người Việt Nam trong nước. Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp đến của ông Trump, nếu ông ấy công du đến Việt Nam thì các bạn nghĩ người dân Việt Nam có dành cho ông ấy sự đón tiếp như đã dành cho tổng thống Obama không?
Huy Jos: Theo em thì tuỳ vào cách nắm quyền và làm việc của ông Trump như thế nào, giống như Obama không, thì khi đến Việt Nam người dân sẽ ủng hộ và đón chào. Vì cách hoạt động của ông (Obama) và tâm huyết, ý chí của ông về mục đích bảo vệ con người, quyền tự do con người. Nếu như ông Trump mà hoạt động và làm việc như ông Obama thì điều đó sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Khắc Trung: Nói chung em cũng hy vọng nhưng cảm xúc cá nhân em thì không. Vì tại vì, xét trên góc độ gọi là phong cách giao tiếp, người ta ấn tượng không tốt về ông Trump.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ các chính sách của ông này, nói chung xét về góc độ chiến lược kinh tế của ông này thì khác là hay.
Huy Jos: Đúng rồi…
Khắc Trung: Ông Trump đem cả kinh tế vào chính trị. Điển hình như các nước Trung Đông trong chính sách của ông, ông có nói là tại sao người Mỹ phải tốn 1 chi phí nuôi quân Mỹ để tại các nước đồng minh để bảo vệ cho họ? trong khi chi phí đó họ phải là những nước chi trả cho quân đội Mỹ đang làm việc trên đất đó.
Hoặc là dầu mỏ, chính sách tiền tệ với Trung Quốc…đây là vấn đề ông nhấn mạnh rất kỹ trong chiến lược của ông đưa ra.
Hoàng Thành: Đây là một yếu tố rất rất quan trọng đấy ạ.
Cát Linh: Có thể thấy Khắc Trung đã theo dõi chiến dịch tranh cử ở Mỹ rất sát sao.
Khắc Trung: Chính sách kinh tế của ông này rất rõ ràng. Nói chung là em công tâm giữa việc thích với không thích, nó không đồng nghĩa với việc báng bổ những gì người ta làm. Chính sách ông này đưa ra rất rạch ròi cho từng khu vực, từng nước, từng nhóm đối tượng.
Sức mạnh của lá phiếu
Cát Linh: Nếu được nói 1 điều mong muốn cho những cuộc bầu cử ở Việt Nam, các bạn sẽ nói gì?
Hoàng Thành: Em nghĩ quan trọng nhất là lá phiếu mình cầm, mình là cử tri mình đi bầu cho lãnh đạo có tâm và có tầm. không ai có thể thay thế hoặc đi bầu hộ. Đó là cái mà em cần và em thấy Việt Nam không có điều đó.
Hôm nay, trước không khí bầu cửMỹ, nước Mỹ đã minh bạch cho cả thế giới thấy từng lá phiếu, từng con số nhảy như thế nào. Đó mới là sức mạnh của toàn dân. Đó mới là sức mạnh của lá phiếu, của bầu cử, và nó được minh bạch rất rõ rệt. Em hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có điều đó.
Huy Jos: Sự mong muốn của em là mình là 1 người dân, mình được quyền bầu, đề cử lên những người để bầu. Chứ không như Việt Nam bây giờ, Đảng cử dân bầu, và những lá phiếu của dân bầu thì không được phê duyệt, mặc dù đó là những người Đảng cử lên để bầu. Em mong muốn trong tương lai nhà cầm quyền trao quyền cho dân bầu dân cử.
Khắc Trung: Em rất tán đồng với ý kiến của Hoàng Thành, đó là mong người dân Việt Nam cầm được 1 lá phiếu thật sự có giá trị để bầu cho nhà cầm quyền thật sự của dân.
Cát Linh: Cảm ơn ba bạn Hoàng Thành, Huy Jos và Khắc Trung đã dành thời gian tham dự buổi nói chuyện Diễn đàn bạn trẻ này.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Us-election-and-the-hope-of-young-vnmese-cl-11122016171731.html/bau-cu-my-va-uoc-mo-cua-tuoi-tre-viet.mp3
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Us-election-and-the-hope-of-young-vnmese-cl-11122016171731.html/bau-cu-my-va-uoc-mo-cua-tuoi-tre-viet.mp3
No comments:
Post a Comment