Theo BBC-8 giờ trước
Giáo sư và cựu giảng viên đại học bình luận với BBC về việc một số nữ giáo viên thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị ép đi 'tiếp rượu' quan khách đang gây tranh cãi.
Báo chí tại Việt Nam tường thuật, một số nữ giáo viên tham gia phục vụ lễ tân cho Liên hoan 'Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh' sau sự kiện "phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở thị xã Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò".
"Thông báo điều động" của Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh được cho là liên quan đến 21 nữ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương.
Sự kiện diễn ra từ tháng 8/2016 nhưng báo chí chỉ ghi nhận được phản hồi của các nữ giáo viên liên quan gần đây.
Một nữ giáo viên nói với phóng viên trong nước rằng "việc này rất phiền hà và khiến tôi cảm thấy không được thoải mái".
VnExpress hôm 13/11 dẫn lời ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, nói: "Việc điều động các nữ giáo viên đến làm lễ tân là công khai và có chủ trương đàng hoàng."
"Không có vấn đề gì, sợ nhất là [giáo viên] đến phục vụ đại biểu ăn mà lại không được ăn", báo này trích lời ông Hổ.
'Trách cả hệ thống'
Hôm 14/11, trả lời BBC qua điện thoại, giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên là cán bộ Đại học Xây dựng, nói: "Tôi có nghe sự vụ này nhưng thiết nghĩ là cần phải có cuộc điều tra kỹ lưỡng chứ không thể dựa vào những thông tin chưa đủ để hớt ngọn rồi bình luận, chửi bới."
Tuy vậy, ông cũng nói thêm: "Nếu việc chính quyền huy động giáo viên là quan hệ dân sự thì cũng phải công khai chuyện giáo viên được tín nhiệm hoặc trường hợp họ tự giác thì sao?"
"Vấn đề càng làm rõ trong vụ việc này là có mệnh lệnh ép buộc từ bên trên và giới chức xem như nhiệm vụ bắt buộc hay không."
Cùng ngày, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giảng viên đã nghỉ hưu, cho hay: "Theo tôi, việc điều động giáo viên đi làm chuyện không liên quan đến công việc dạy học của họ thì không chấp nhận được và cũng không được phép."
"Trong ngành giáo dục ở Việt Nam, ngoại trừ tư thục, giáo viên được xem như viên chức."
"Cấp trên có quyền điều động họ làm bất kỳ việc gì. Nếu họ không đồng ý thì không dễ gì được làm tiếp công việc của họ."
"Thành ra chẳng có cô giáo nào dám khước từ. Việc họ lên tiếng than phiền với nhà báo về việc phải đi tiếp khách trái với mong muốn cá nhân đã là khá rồi."
Bà Phương Anh nói thêm: "Qua vụ việc này, tôi trách cả hệ thống hành xử thiếu chuyên nghiệp mà không dựa trên pháp luật."
"Quan chức trong xã hội Việt Nam xem cấp dưới là con dân, bảo làm gì thì phải làm nấy."
"Và lâu nay, việc 'chấp hành tốt' được xem là đạo đức của giáo viên."
"Thậm chí giới chức địa phương được báo chí ghi nhận là nói cô giáo 'có vấn đề' mới than phiền. Những ý kiến như thế này gây phẫn nộ," bà nói với BBC.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam chiều 14/11 có công văn "hỏa tốc" gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo truyền thông Việt Nam, công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin điều động giáo viên "phục vụ các sự kiện, hội nghị tổ chức tại địa phương".
No comments:
Post a Comment