Monday, October 24, 2016

Việt Nam: ‘Giao rừng’ như hiện nay sẽ tạo ra nhiều thảm án

Một nhân viên công ty Long Sơn được đưa đi cấp cứu. (Hình: Tuổi Trẻ)
ĐẮK NÔNG (NV) – Việc “giao rừng” cho các doanh nghiệp và cá nhân vốn vô lý, tùy tiện nhưng càng ngày càng phổ biến. “Giao rừng” vừa tạo thêm một thảm án ở Đắk Nông: Ba người chết và 15 người bị thương.
Chủ tịch xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, chính thức xác nhận, xung đột giữa Công ty Long Sơn và dân chúng địa phương khiến ba nhân viên công ty bị bắn chết, 15 người khác bị thương, trong số này có ba người đang nguy kịch.
Công ty Long Sơn có trụ sở tại Tuy Đức được giao 1,000 héc ta đất tại Tiểu Khu 1536 để thực hiện một “dự án nông lâm nghiệp.” Ngày 23 Tháng Mười, công ty này cho tổ chức san ủi khu đất được giao và bị dân chúng trong vùng chặn lại vì xâm hại vườn, rẫy của họ.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn không thành công. Sau đó, một số dân địa phương mang dao, rựa, súng tự chế đến hiện trường để bảo vệ vườn, rẫy của mình. Do phía công ty Long Sơn vẫn tiếp tục giải tỏa thu hồi đất và theo lời một viên chức địa phương thì việc san ủi xâm phạm vườn, rẫy của một gia đình nên có năm người dùng súng tự chế bắn xối xả vào nhóm giải tỏa, thu hồi đất.
“Giao rừng” cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện những “dự án nông lâm nghiệp” là “chủ trương lớn của đảng, nhà nước.” Chủ trương này khiến nhiều người nghèo từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt,” chịu đựng đủ thứ thiếu thốn, cực nhọc khi khai hoang, lập vườn, lập rẫy đột nhiên trắng tay vì vườn, rẫy của họ vốn là đất rừng, giờ được đảng, nhà nước chính thức giao cho nơi khác, người khác sử dụng.
Năm ngoái, cũng tại Đắk Nông, từng xảy ra một vụ liên quan đến chuyện “giao rừng.”
Hồi 2006, các ông Đặng Văn Thuyết, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Đình Tám chia nhau mua 12 héc ta đất ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Họ làm nhà, lập rẫy mà không hề biết đất mình mua thuộc lâm trường Thuận Tân.
Cả ba gia đình cư trú, trồng trọt trên 12 héc ta đó suốt chín năm và lâm trường không làm gì cả. Đến Tháng Tư, 2015, ban giám đốc lâm trường quyết định “giao” 12 héc ta đất của ba gia đình vừa kể cho ông Đào Văn Dũng. Ông Dũng ra lệnh cho ba gia đình phải rời khỏi khoảnh đất ông mới được “giao.” Tất nhiên là họ không chịu.
Ông Dũng bỏ ra 700 triệu để mướn ông Đinh Văn Đức, một trùm du đãng, thay ông đuổi người, phá nhà. Từ đầu Tháng Năm, 2015, những kẻ lạ mặt bắt đầu hăm dọa ba gia đình này. Rồi xe hai bánh gắn máy của ông Tám, bồn chứa nước của nhà ông bị đập nát… Cả ba gia đình báo cho công an xã, nhưng công an chỉ ghi nhận rồi để đó.
Bất lực trước du đãng, công an thì làm ngơ, sau một ngày làm rẫy, các ông Thuyết, Dự, Tám chỉ tạt về nhà thăm vợ con rồi tới nhà người khác ngủ nhờ. Họ hy vọng khi nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ con, du đãng sẽ nhẹ tay.
Tối 19 Tháng Năm, 2015, khoảng 40 du đãng đổ đến rẫy của ông Tám, phá sạch các nọc tiêu. Nạn nhân cấp báo với cả công an xã lẫn công an huyện nhưng cả hai cấp cũng chỉ tiếp nhận rồi làm ngơ. Chiều hôm sau, du đãng quay trở lại nhà ông Tám, lôi mẹ và vợ ông ra đánh thị uy và dọa sẽ đốt sạch.
Đến rạng sáng 21 Tháng Năm, 2015, du đãng quay lại nhà ông Tám, đuổi mẹ, vợ và các con ông Tám ra ngoài, bắt hai phụ nữ đếm xem trên xe vận tải đi theo có bao nhiêu can xăng, sau đó đổ xăng đốt nhà rồi bỏ đi. Mẹ và vợ ông Tám lao vào dập lửa. Khoảng 30 phút sau không thấy đám cháy. Du đãng quay lại đổ xăng đốt nhà thêm một lần nữa và đứng giám sát cho tới khi lửa lan rộng mới bỏ đi.
Vợ ông Tám kể với báo giới rằng, bà xin du đãng cho vào nhà để lấy một ít quần áo ấm cho đám trẻ nhưng bị từ chối, cuối cùng, thấy lũ trẻ rúm ró vì lạnh, một trong những du đãng tham gia đốt nhà vứt cho mấy đứa trẻ một tấm chăn mỏng.
Ông Tám không chỉ mất nhà mà còn mất toàn bộ tài sản vì tất cả đã bị đốt thành tro. Hai ngày sau khi đốt nhà ông Tám mà ông Thuyết, ông Dự vẫn chưa dọn nhà, bỏ rẫy, tối 23 Tháng Năm, 2015, du đãng đổ tới đập bỏ đồ gia dụng, dùng cưa cắt bỏ các cột cho mái sụp xuống rồi đổ xăng đốt nhà ông Thuyết và ông Dự.
Bị công chúng chỉ trích kịch liệt, công an tỉnh Đắk Nông mới chịu tìm bắt 22 du đãng. Có 22 du đãng và ông Đào Văn Dũng, người thuê du đãng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “hủy hoại tài sản công dân.”
Kết luận điều tra vụ án này không đề cập đến chuyện tại sao lâm trường Thuận Tân không giao đất cho ba gia đình mua lầm đất để trồng rừng mà lại giao cho ông Dũng. Kết luận điều tra cũng không xác định trách nhiệm của bất kỳ ai trong chuyện công an xã Thuận Hà và công an huyện Đắk Song để du đãng hành xử như kiêu binh.
Chủ trương “giao rừng” theo hình thức như vừa kể chắc chắc sẽ còn gây ra nhiều thảm án nữa không riêng tại Đắk Nông. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment