HÀ NỘI (NV) – Để có thể cải tổ nền kinh tế trong 5 năm tới, Việt Nam cần đến một khoản tiền khổng lồ khoảng 10,567 triệu tỷ đồng, tương đương $480 tỷ.
Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN Nguyễn Chí Dũng trình bày như vậy tại Quốc Hội của chế độ ngày 20 Tháng Mười về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Số tiền nói trên nhiều gấp đôi tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam.
Quốc Hội “con dấu cao su” của chế độ Hà Nội bắt đầu họp khóa thứ hai và cũng là khóa cuối của năm nay từ hôm Thứ Năm, 20 Tháng Mười, 2016.
Theo sự tường thuật của tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, kế hoạch “tái cơ cấu nền kinh tế” 5 năm tới gồm 5 điểm chính yếu. Đó la: “Thứ nhất, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Thứ ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Thứ tư, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.”
Theo tường thuật của VietNamNet, chế độ Hà Nội “đưa ra ba kịch bản tái cơ cấu. Cụ thể: Kịch bản 1 có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất, 7.01%/năm; kịch bản 2 là 6.86%/năm và kịch bản 6.55%/năm. Theo đó, lạm phát bình quân hàng năm tương ứng với ba kịch bản này là 3.5%, 4.5% và 5%.”
Thật ra, các định chế tài trợ quốc tế giúp Việt Nam thoát đói nghèo đã thường xuyên thúc hối chế độ Hà Nội cải tổ guồng máy kinh tế, rũ bỏ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” “đầu Ngô mình Sở” chẳng giống ai. Những gì nêu ra trong kế hoạch năm điểm đó đều đã được khuyến cáo, không phải chế độ Hà Nội nghĩ ra.
Hậu thuẫn mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời dẹp bỏ hệ thống quốc doanh “lời giả, lỗ thật” đã không được chế độ Hà Nội nghe theo triệt để mà chỉ nhúc nhích từng tí một. Chỉ có các đại gia quốc doanh nhiều ảnh hưởng hoặc những công ty chịu “lại quả” hậu hĩ mới có cơ hội tiếp cận tín dụng ngân hàng. Điều này từng bị kêu ca nhiều nhưng vẫn không thấy thay đổi.
Hồi đầu năm, chế độ Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6.7% nhưng Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ước tính kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng được khoảng 6%, một phần vì hạn hán nghiêm trọng ở miền Nam và Tây Nguyên trong khi biển miền Trung bị công ty gang thép Formosa đầu độc.
Những con số tốt đẹp về gia tăng xuất cảng của Việt Nam trông nhờ phần lớn vào các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên viễn ảnh tốt đẹp của xuất cảng đã bất ngờ bị chựng lại khi hãng điện tử Samsung vội và thu hồi điện thoại cầm tay Galaxy Note 7 vì lỗi gây cháy nổ từ pin. Loại điện thoại thông minh này được Samsung sản xuất tại Việt Nam.
Một quả bom khổng lồ treo lơ lửng trên nóc nền kinh tế Việt Nam là cái khối nợ công ngày càng phình lên mãi. Không có tiền trả nợ, Hà Nội đã phải tính tới chuyện vay những món nợ mới để trả các món vay cũ, càng làm cho công nợ ngày một vất vả hơn.
Báo cáo nói rằng nợ công của chế độ Hà Nội sẽ chạm 64% so với tổng sản lượng quốc gia (GDP) trong năm nay, trong khi tại Thái Lan, nợ công của họ chỉ 41%, của Malaysia là 56%, theo phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới.
Nợ công của Việt Nam năm 2010 là 52% nhưng về sau tăng nhanh vì chế độ Hà Nội vay nợ tài trợ cho các dự án phát triển, gồm cả những dự án thua lỗ chỏng chơ của Vinashin, Vinalines, Petro Vietnam.
Đang thâm thủng ngân sách rất lớn, Bộ Tài Chính của chế độ dự trù bán thêm một số trái phiếu trị giá 31,000 tỷ đồng hay khoảng $1.4 tỷ từ Tháng Mười này đến cuối năm, nâng tổng số trị giá trái phiếu sẽ bán lên thành 281,000 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ dự trù bán tổng cộng 250,000 tỷ đồng trái phiếu.
Tại cuộc họp hàng năm với các nhà tài trợ và giới doanh nghiệp trong ngoài nước, chế độ Hà Nội luôn luôn bị kêu ca đủ thứ từ vòi vĩnh hối lộ, thủ tục rườm ra hay thay đổi trong khi hạ tầng cơ sở thì quá yếu kém. Kế hoạch cải cách kinh tế đang đưa ra liệu có giải quyết tận gốc các vấn nạn hay không lại là một vấn đề khác. (TN)
No comments:
Post a Comment