HÀ TĨNH (NV) – Giống như nhiều đợt thiên tai trước tại Việt Nam, chuyện cứu trợ các nạn nhân thiên tai đợt lũ lụt vừa qua ở các tỉnh phía Bắc miền Trung có rất nhiều chuyện phải bận tâm.
Chuyện đầu tiên là có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy chính quyền Việt Nam “nóng mặt” vì dân “bất tín nhiệm.”
Tuy dân chúng Việt Nam vẫn góp hàng trăm tỷ đồng cứu trợ nạn nhân thiên tai ở các tỉnh phía Bắc miền Trung nhưng lần này, đa số hàng hóa, tiền bạc cứu trợ được những người hảo tâm ký thác cho các tôn giáo, tổ chức dân sự, nhóm thân hữu hoặc một số cá nhân mà họ tin cậy chứ không nhờ những “cơ quan chính thống” chuyển giúp như trước.
Hồi cuối tuần vừa qua, trang facebook của Ban Tuyên Giáo Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, cảnh báo, dù dân chúng các tỉnh phía Bắc miền Trung đang cần được giúp đỡ nhưng “mọi người nên tỉnh táo, không giao tiền bạc cho những kẻ muốn đánh bóng tên tuổi, những hội nhóm bất minh thường xuyên gây rối loạn.”
Ban Tuyên Giáo kêu gọi: “Nếu muốn góp sức thì hãy gửi cho các ‘tổ chức chính thống’ như Hội Chữ Thập Đỏ, các tờ báo hoặc các đơn vị quân đội đang túc trực ở vùng rốn lũ.”
Lời kêu gọi vừa kể như “tiếng kêu trong sa mạc” vì không ai thèm đáp ứng.
Có một sự kiện đáng chú ý là dân chúng nhiều nơi, thuộc nhiều giới đã ký thác cho ông Phan Anh, một MC sinh sống tại Hà Nội, số tiền lên tới 20 tỷ đồng vì họ tin MC này từng tỏ ra rất thẳng thắn trong một số vấn nạn xã hội tại Việt Nam này có thể tổ chức giúp đúng những người cần giúp.
Cũng do vậy mà ông Phan Anh đang bị một số facebooker, một số diễn đàn điện tử mà ai cũng biết là của ai chỉ trích kịch liệt với giọng điệu hệt như giọng điệu trên trang facebook của Ban Tuyên Giáo.
Ngoài chuyện bị cho là “chơi nổi,” “đánh bóng tên tuổi,” Việt Nam Thời Báo – trang web mạo danh trang web của Hội Nhà Báo Độc Lập mà nhiều người tin rằng do an ninh Việt Nam điều hành – vừa cảnh cáo ông Phan Anh coi chừng “vướng vòng lao lý.”
Lý do là năm 2008, chính phủ Việt Nam đã ban hành một nghị định (Nghị Định 64/2008/NĐ-CP), đặt định đủ thứ qui định về việc “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản do dân chúng tự nguyện đóng góp để hỗ trợ các nạn nhân thiên tai, hỏa hoạn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”
Theo nghị định này thì ông Phan Anh đã “vi phạm pháp luật” vì “cá nhân không được phép vận động quyên góp, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ,” rồi “không phối hợp với chính quyền địa phương,” khi phân phát “không thông qua Mặt Trận Tổ Quốc!”
Ông Phan Anh còn bị cảnh cáo rằng, do ông đã sử dụng tài khoản cá nhân, việc tiếp nhận chi tiêu không có hóa đơn, chứng từ nên ông sẽ phải nộp khoảng 2 tỷ tiền… thuế thu nhập! Việt Nam Thời Báo nhấn mạnh, cơ hội mà ông Phan Anh được thấy “Giấy Triệu Tập” của công an hiện đã… rất gần!
Chuyện thứ hai là do dân bất tín nhiệm, không có nguồn để “cứu trợ” nên các cơ quan, đoàn thể của chính quyền tìm đủ cách để vớt vát uy tín. “Tiếm công” vốn đã được dùng nhiều lần nay tiếp tục được áp dụng nhưng vì không “chỉ đạo” được Internet thành ra bị “tổ trác.”
Cuối tuần qua, Otofun, một diễn đàn dành cho những người yêu thích xe hơi, đăng một bài viết, kèm nhiều hình ảnh cho biết, một số thành viên của diễn đàn đã quyên góp được khoảng 20 tấn hàng cứu trợ. Để việc trao hàng cứu trợ cho các nạn nhân thiên tai dễ dàng và chính xác, nhóm cứu trợ của Otofun nhờ một viên chức của Liên Minh Hợp Tác Xã Việt Nam thông báo với Liên Minh Hợp Tác Xã tỉnh Hà Tĩnh liên lạc trước với chính quyền địa phương. Khi đoàn xe gồm một chiếc vận tải loại 15 tấn và 10 chiếc loại pick-up của Otofun đến vùng thiên tai thì họ thấy các viên chức đã chờ sẵn. Những viên chức này xúm vào bê và phát hàng cứu trợ cho phóng viên truyền hình ghi hình. Khi phóng viên truyền hình ghi hình xong thì những viên chức này cũng rút lui và ngay sau đó, đài truyền hình phát “breaking news” cho biết, hai tổ chức vừa giao lượng hàng hóa cứu trợ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân thiên tai ở Hà Tĩnh!
Trước sự chỉ trích kích liệt của công chúng về chuyện tiếm công hết sức trâng tráo này, ông Võ Kim Cự, chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã Việt Nam, nói tổ chức này không “tiếm công” của Otofun. Đây chỉ là sự nhầm lẫn của Liên Minh Hợp Tác Xã tỉnh Hà Tĩnh về nguồn gốc hàng cứu trợ!
Chuyện thứ ba chính quyền huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, vừa chỉ đạo cán bộ thôn Hương Đồng, xã Đức Hương, phải trả lại toàn bộ hàng cứu trợ mà một nhóm cứu trợ vừa trao cho các nạn nhân thiên tai.
Hôm 20 Tháng Mười, một nhóm cứu trợ trao cho mỗi gia đình nạn nhân ở thôn Hương Đồng một bao gạo 25 ký, một thùng sữa NutriFood và 500,000 đồng. Theo các nạn nhân thiên tai thì nhóm cứu trợ vừa ra về thì ông Nguyễn Huy Nhật, trưởng thôn, đến từng nhà bắt nộp lại “khoản lợi mà họ vừa hưởng.” Khi chuyện này bị lộ, nhiều tổ chức dân sự, nhóm thân hữu, cá nhân cho biết sẽ xem lại việc cứu trợ ở Hà Tĩnh nên chính quyền huyện Vũ Quang vội vàng chỉ đạo như vừa kể.
Hành động của ông Nguyễn Huy Nhật tuy “vô đạo” nhưng không sai. Nó đúng với tinh thần Nghị định 64/2008/NĐ-CP. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment