Saturday, September 24, 2016

Suy nghĩ về phiên tòa xét xử CSGT gọi côn đồ đến đánh chết người

Mẹ Nấm (Danlambao) - Tôi rời Sài Gòn sau khi dự phiên tòa xét xử thượng úy công an Phạm Sỹ Hoài Như (thuộc đội CSGT - CA quận Tân Bình) cùng bốn bị can khác về tội cố ý gây thương tích. Phải hơn hai năm, sau ngày anh Nguyễn Văn Chín (nạn nhân trong vụ án) qua đời thì sự việc mới được đem ra xét xử qua nhiều lần trả lại hồ sơ. Làm sao chấm dứt tình trạng công an sử dụng bạo lực tùy tiện với dân, bằng cách này hay cách khác luôn là sự trăn trở của xã hội hôm nay.

Trong suốt quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như liên tục phủ nhận việc mình gọi điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (là đối tượng vừa ra tù không lâu do cướp giật tài sản) để nhờ Chung đến “đánh dằn mặt” anh Nguyễn Văn Chín vì anh Chín cự cãi với tổ CSGT do Hoài Như làm tổ trưởng khi bị đo nồng độ cồn. 

Nguyễn Minh Chung gọi thêm hai người khác là Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Đức Vững cùng đi. Hai người được gọi lại rủ thêm Ngô Thành Vương đến chốt CSGT nơi Phạm Sỹ Hoài Như đang chờ sẵn để nhận diện và gọi anh Chín ra chỗ khuất để đánh đập dã man. Anh Chín đã tử vong sau khi được cấp cứu ở bệnh viện sau đó.

Mối quan hệ giữa công an và côn đồ chính là vấn đề nổi cộm của vụ án này. Hôm qua tôi đã nói vui với anh bạn ngồi bên cạnh rằng sau phiên xử này em sẽ bầu Phạm Sỹ Hoài Như làm CSGT tốt nhất năm. Bởi theo lời Như khai trước tòa, bị cáo chỉ gọi cho Chung để đến đưa anh Chín về vì anh Chín đã say. CSGT tốt như vậy kiếm đâu ra chứ? Như không trả lời được chủ tọa phiên tòa vì sao không gọi các đơn vụ chức năng khác đến hỗ trợ. Như cũng né tránh các câu hỏi của luật sư đại diện gia đình khi được hỏi liệu việc lập biên bản phạt đã đúng trình tự theo quy định của pháp luật hay chưa.

Còn rất nhiều vấn đề mà ở phiên sơ thẩm lần 1 có đề cập đến như việc Như hứa hẹn đưa cho Chung 200 triệu để ra đầu thú và nhận tội thay đã bị bỏ qua trong cáo trạng mới của Viện kiểm sát. Nguyên nhân cái chết của anh Chín sau nhiều lần trả hồ sơ được xác định là do hậu phẫu nên không thể chuyển đổi tội danh từ “Cố ý gây thương tích” thành “Giết người” như các luật sư đề nghị. 

Có người nói với tôi, mức án 12 năm dành cho Phạm Sỹ Hoài Như là nặng vì vụ án này lẽ ra đã chìm rồi, vì gia đình Như có công với cách mạng, vì anh trai Như cũng là công an trong ngành…

Có lẽ họ đúng... Bởi cách đây vài năm, cũng cùng một tình huống tương tự là “cự cãi” với công an, bác Trịnh Xuân Tùng, bố của Trịnh Kim Tiến đã mãi mãi không thể trở về nhà vì bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gãy đốt sống cổ. Ông Ninh sau đó bị xử 4 năm tù giam vì tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Những vụ công an bắt giữ người tùy tiện rồi tra tấn, đánh đập cho đến chết ở Tuy Hòa, Khánh Hòa, Hà Nội… sẽ còn tiếp diễn dài dài nếu cộng đồng im lặng.

Vụ án Phạm Sỹ Hoài Như cùng đồng bọn cũng vậy, sẽ khó đi đến cùng nếu chị Dương Thị Thảo (vợ anh Chín) không kiên trì theo đuổi. Sẽ khó có kết quả mang tính răn đe, cảnh báo cho những hành vi sử dụng bạo lực của công an với dân (với nhiều hình thức khác nhau) nếu không có sự điềm tỉnh, kiên trì bảo vệ luật pháp đến cùng của các luật sư Nguyễn Ngọc Thuận, Hoàng Cao Sang, Phương Ngọc Dũng… 

Sẽ không thể chấm dứt vấn nạn công an sử dụng bạo lực nếu chúng ta im lặng – tôi nghĩ vậy. 

Đừng im lặng, hãy lên tiếng nếu bạn muốn thấy sự thay đổi!

24.09.2016

No comments:

Post a Comment