Saturday, September 24, 2016

Dân Kỳ Anh gửi đơn đòi chính phủ bồi thường thiệt hại sau thảm họa Formosa

Ảnh: Hội Nhà Báo Độc Lập ijavn.org
Một bản đơn kiến nghị gửi tới quốc hội và chính phủ nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam, do hơn 700 gia đình ngư dân Hà TĨnh đồng ký tên, đã yêu cầu được chi trả tiền bồi thường trong vụ thiệt hại môi trường do Formosa gây ra.
Đơn gửi đến quốc hội và chính phủ kiến nghị phải đền bù những thiệt hại mà người dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh phải gánh chịu kể từ sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Người dân đã yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải đền bù hàng trăm tỉ đồng về những thiệt hại như mất thu nhập bình quân 6 tháng vừa qua, các thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về tương lai, thiệt hại về tinh thần cho người dân…
Người dân cũng yêu cầu quốc hội và chính phủ trích từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ, để bồi thường cho tất cả những gia đình được liệt kê trong danh sách đính kèm, với mức thiệt hại cụ thể của mỗi hộ được ghi tương ứng bên cạnh, trong vòng mười lăm (15) ngày kể từ ngày đơn này được lập và ký tên.
Đơn yêu cầu của người dân xã Kỳ Lợi cũng nêu rõ: “Sau thời hạn mười lăm (15) ngày nêu trên mà không nhận được tiền bồi thường, chúng tôi sẽ bảo lưu và dành quyền khởi kiện theo luật định, đồng thời chuẩn bị ngay thủ tục khởi kiện trước tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Công ty Formosa bồi thường đầy đủ.”
Kèm theo đơn yêu cầu mà người dân gửi đến quốc hội và chính phủ là bản phụ lục chi tiết về những thiệt hại cụ thể mà người dân đang phải gánh chịu, và yêu cầu được đền bù xứng đáng.
Kể từ sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, nhà cầm quyền CSVN thông báo chính thức đã nhận 500 triệu đô (tương đường 11.500 tỉ đồng) từ lãnh đạo Formosa. Nhưng cho đến nay, bà con ngư dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù nào từ phía chính quyền địa phương.
Trước đó, theo Báo Tuổi Trẻ, những thiệt hại mà Formosa gây ra từ hồi tháng 4/2016 có thể kể:
1) Trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn;
2) 17,682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176,285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra; sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1,600 tấn/tháng;
3) Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4,000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ;
4) Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch; có 1,613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết;
5) Tại bốn tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% só với cùng kỳ năm 2015; đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%;
6) Về môi trường, sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40% đến 60% rạn san hô bị phá huỷ;
7) Về xã hội, lòng tin của các tầng lớp nhân dân giảm; người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường;
8) Nhiều người dân không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo, v.v…; và
9) Sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản…”
Nguyên Nguyễn/SBTN

No comments:

Post a Comment