Wednesday, September 28, 2016

Formosa có vác chiếu ra tòa hầu dân?

Bao Thien (Danlambao) - Hôn nay, 28/9 - tròn 1 tháng sau khi Formosa Đài Loan đã chuyển trọn vẹn số tiền 500 triệu USD "đền bù" cho phía chính phủ Việt Nam. Có thể hiểu khi Formosa đã "xuống tiền" nhanh chóng như thế này tức là họ đã có đủ giấy tờ pháp lý để đảm bảo độ an toàn cho họ về mặt trách nhiệm pháp lý của họ trong "vụ án ô nhiễm môi trường Bắc Trung Bộ".

Độ an toàn đó là gì? Cho đến nay chưa có ai biết được chi tiết thỏa thuận gì đã đạt được giữa Formosa và Hà Nội sau hơn 2 tháng điều tra và thương thuyết để đi đến kết luận và đền bù theo như thông báo sơ sài của Hà Nội mà thôi.

Vậy cho nên họ - Formosa Hà Tĩnh - khi trả lời báo chí Đài Loan về đơn kiện tập thể của người dân miền Trung cho rằng trách nhiệm giải quyết là về phía chính phủ Việt Nam và họ không [có trách nhiêm?] phải thực thi thêm bất kỳ việc gì khác. Mọi việc nằm ở Hà Nội và trách nhiệm giải quyết mọi hậu quả là do Hà Nội đảm trách. 

Ông phó giám đốc Formosa Hà Tĩnh - Dư Khánh Chương - còn cho biết thêm là họ đã tuân thủ và đang thực hiện mọi yêu cầu của chính quyền địa phương cũng như TW để đảm bảo những gi cần phải thực hiện theo "yêu cầu và thỏa thuận" đã đạt được (đã có những hạng mục đạt theo quy chuẩn và được xác nhận từ phía các cơ quan chức năng). 

Như vậy, sau gần 6 tháng xảy ra thảm họa môi trường biển có thể thấy Formosa vẫn đang nắm đằng cán. Sự tiếp tay cho họ có thể xem là sự thiếu minh bạch trong giải quyết thảm họa môi trường của các cơ quan có trách nhiệm từ địa phương đến TW mà cao nhất là chính phủ của thủ tướng Phúc. 

500 triệu USD đã vào nhà băng nhưng có được tiền chưa phải là đã nắm đàng cán mà nhiều khi lại đang ở thế "há miệng mắc quai"

Trong tình hình này, đơn kiện Formosa của người dân miền Trung vừa gởi tòa án có thể bị tòa án trả lại sau 5 ngày nhận đơn chăng? Dự đoán tòa sẽ trả lại đơn kiện với lý do "đã có quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý sự cố môi trường vừa qua". Hãy khoan bàn đến quyết định (hay thỏa thuận chưa được công bố giữa Hà Nội và Formosa vừa qua) đúng hay không theo luật định mà chỉ xem xét đến cách các cơ quan chức năng sẽ tìm mọi cách để bác đơn kiện này như thế nào. 

Điều đó cũng có thể hiểu một phần vì sao ông Dư Khánh Chương đã có phát biểu như trên về "trách nhiệm của chính phủ Việt Nam phải giải quyết". 

Riêng phần "đền bù" 500 triệu USD đã nhận đủ, phía chính phủ Hà Nội, trực tiếp là từ phát ngôn của thủ tướng Phúc về khoản tiền này sẽ được sử dụng như thế nào? Ngày 01/7, ông Phúc đã chỉ đạo trong buổi họp thường kỳ chính phủ về phương án dùng tiền đền bù này và nhấn mạnh "Khoản tiền đền bù không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt mà phải dành chủ yếu cho phát triển lâu dài."

Sử dụng lâu dài” là thế nào? 

Trước hết số tiền này sẽ được quản lý và sử dụng bởi nhiều mục đích theo sự quản lý của bốn bộ: Nông nghiệp & Phát triền nông thôn; Tài chính; Kế hoạch & Đầu tư; TN&MT. 

Sẽ được sử dụng chi cho hạng mục nào?

Đó là: 

- Đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ thông qua việc hỗ trợ hạ lãi suất cho vay với ngư dân khi họ đầu tư tàu mới trong chủ trương đánh bắt xa bờ.

- Phân cho Quỹ môi trường để tiến hành các hạng mục khôi phục môi trường đã bị xâm hại (như thế nào? Thời hạn thực hiện bao lâu? Và chiếm bao nhiêu % trong số tiến bồi thường nói trên?... chưa thấy có thông tin minh bạch về “đại kế hoạch này”

- Còn lại tính toán để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại trực tiếp qua sự cố môi trường (ai có trách nhiệm thống kê? Tiêu chuẩn nào để được xét là nạn nhân bị thiệt hại? Mức đền bù là trọn gói một lần là xong hay lâu dài... vẫn chưa có thông tin minh bạch về kế hoạch phải được gọi là đền bụ thiệt hại cho nạn nhân trực tiếp và gián tiếp trong thảm họa môi trường biển này)

Các vấn đề cốt lõi nói trên thuộc hồ sơ của thảm họa môi trường biển Bắc Trung Bộ cho đến nay vẫn chỉ là những thông tin thiếu minh bạch hay cố tình được che dấu bởi các cơ quan chức năng. Sẽ không thể giải quyết được thảm họa môi trường biển Bắc Trung Bộ trong điều kiện mọi thông tin trong vùng tối như thế này, cho dù có vác đơn ra tòa như người dân vừa thực hiện thì vẫn thiếu cơ sở dữ liệu để có thể có thực hiện đúng theo luật hiện hành. 

Cho nên vẫn phải đòi hỏi phía các cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin điều tra, kết quả điều tra đầy đủ chứng cứ khoa học – nếu có - cũng như công bố thỏa thuận mà Hà Nội đã đạt được với Formosa cuối tháng 6 vừa qua. Có như vậy thì mới giải quyết được thảm họa này bằng không mọi thứ sẽ vẫn trong bóng tối và người dân chính là nạn nhân của mọi “thế lực” đang đứng trên lưng họ sau thảm họa môi trường này.

29.9.2016

No comments:

Post a Comment