Thursday, September 1, 2016

‘Biển chết nhưng ngư dân không thất nghiệp"?

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-09-01  
000_DQ900.jpg
Ngư dân Việt Nam tại đồn cảnh sát Thái Lan sau khi bị giam giữ do đánh bắt cá trái phép tại vùng biển miền nam Thái Lan của Narathiwat vào ngày 1 tháng 8 năm 2016.  AFP Photo
Ngày 27 tháng 8 vừa qua, tại hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng cục việc làm đã cho rằng số người thất nghiệp do sự cố xả thải của công ty luyện gang thép không cao. Lý do mà bà đưa ra là “người Việt Nam không ngồi một chỗ”, cho nên họ vẫn đi tìm kiếm việc làm.
Sự thật có đúng như báo cáo đưa ra trong hội nghị hay không và có thuyết phục được người dân hay không?
Như thế nào là thất nghiệp?
“Theo điều tra của chúng tôi thì tỉ lệ thất nghiệp do Formosa xả thải giết biển miền Trung không cao”, đó là nguyên văn lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng cục việc làm tại hội nghị báo cáo tiến độ, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường tại Thừa Thiên-Huế ngày 27 tháng 8, được báo mạng “một thế giới” trích lại. Để làm rõ và thuyết phục những người có mặt tại hội nghị về kết quả điều tra của Bộ lao động-Thương binh-Xã hội, bà Vân đề cập cả đến bản tính “chịu thương chịu khó” của người Việt Nam xưa nay.
Theo lời giải thích của bà, người Việt Nam không chịu ngồi một chỗ nên cho dù xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh nhai của họ là ngư trường, thì họ vẫn đi tìm kiếm việc làm khác.
Với đặc điểm của người Việt Nam là không ngồi một chỗ thì cách nói thế là cách nói suy diễn của bà ấy thôi, còn việc làm có chính thống hay không là vấn đề khác.
- Tiến sĩ Ngô Trí Long
Chính vì điều này, những con số về tỉ lệ thất nghiệp sau sự cố mà bà Vân đưa ra trong buổi hội nghị được bà cho là “những con số phản ảnh của sự cố nhưng thất nghiệp không nhiều.
Những con số được đưa ra thể hiện sự chênh lệch không nhiều giữa tỷ lệ thất nghiệp trước và sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Ảnh hưởng nhiều nhất là Quảng Bình thì trước sự cố là 2,1% và sau đó là khoảng 16,4%.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, không đồng tình với con số thất nghiệp do Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội cập nhật. Từ Sài Gòn, ông nói với đài Á Châu Tự do về nhận định của ông trước lý do bà Cục trưởng cục việc làm đã đưa ra.
“Với đặc điểm của người Việt Nam là không ngồi một chỗ thì cách nói thế là cách nói suy diễn của bà ấy thôi, còn việc làm có chính thống hay không là vấn đề khác. Việc làm có tạo ra thu nhập chính đáng hay không mới là cái quan trọng. Nói rằng hiện nay tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất là ít nhưng thực tế? Không như ở các nước khác có số liệu thống kê rất rõ ràng, đăng ký thất nghiệp rất rõ ràng.”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, nếu một người dân không có việc làm ổn định trong một thời gian nhất định, chẳng hạn một tháng chỉ có thể làm việc vài ngày, thì người đó không thể gọi là không thất nghiệp. Bên cạnh đó, theo ông, tính năng động thể hiện ở việc làm của người đó có thực chất hay không.
Tính dây chuyền
Theo thống kê của báo trong nước, các tỉnh ven biển miền Trung, cụ thể là Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có đến 60, 70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển hồi đầu tháng 4 đến nay, tất cả tàu đánh bắt cá của ngư dân phải nằm bờ. Bên cạnh những ngư dân là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, phải kể đến những công việc, ngành ngề khác có liên quan đến ngư trường và thuỷ hải sản cũng bị tác động nặng nề.
Vài ngày trước, Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam cho biết rằng nhiều hợp đồng xuất khẩu hải sản của Việt Nam bị đối tác nước ngoài huỷ bỏ vì lo ngại cá tôm bị nhiễm độc sau tai hoạ môi trường Vũng Áng.
Nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn cho biết.
“Có một số người đã vào Sài Gòn để xin việc, vì họ có thuyền, có đồ dùng cũng không đi đánh cá được. Mà cũng đánh cá về thì cũng không bán được, không ai mua. Thế mới thấy môi trường nó ảnh hưởng sát sao đến đời sống người dân, đến miếng ăn, nước uống, khí thở.”
Có một số người đã vào Sài Gòn để xin việc, vì họ có thuyền, có đồ dùng cũng không đi đánh cá được. Mà cũng đánh cá về thì cũng không bán được, không ai mua.
- Trần Bang
“Có mấy người ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng điện thoại cho tôi bảo phải đóng cửa Formosa. Cứ nghĩ rằng bây giờ người dân tại vùng đó không dám ăn cá biển thì mới thấy cái khủng khiếp thế nào. Thế rồi nhiều người ở Sài Gòn đi mua mắm, muối tích trữ. Cái nước mắm bây giờ làm bằng cá nhiễm độc thì 6 tháng sau ra nước mắm. 1 năm sau mình mua thì ăn phải nước mắm độc. Muối cũng vậy.”
Không còn khả năng sinh sống bằng cái nghề cha truyền con nối, họ bắt buộc phải đi làm ăn xứ khác.
Một người dân từng làm nghề đi biển ở Huế, hiện đang phải mưu sinh ở tận thủ đô Vieng Chăn, Lào, cho đài Á Châu tự do biết rằng, không phải chỉ một mình anh phải bỏ xứ đi tìm nghề ở nơi khác.
“Từ ngày biển chết đến giờ, có nhiều người phải qua đây, có nhiều người vào Sài Gòn, qua Mã Lai… Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.”
Không dễ dàng
Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc cho thấy tinh thần tự lực tự cường, chịu thương chịu khó của người Việt Nam. Những ngư dân của 4 tỉnh ven biển miền Trung phải tìm việc xứ khác vì họ thất nghiệp trên chính mảnh đất cha sanh mẹ đẻ của mình. Họ thất với cái nghiệp mà gia đình nhiều thế hệ của họ đã đeo bám từ lâu đời để sinh nhai.
Tiến sĩ Ngô Trí Long lên tiếng đề nghị rằng “Phải dám nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp xử lý chứ không phải đứng ở góc độ của người khách quan để đánh giá sự việc.” Như thế là hoàn toàn không thuyết phục.
Chúng ta phải đi vào thực tế cuộc sống của ngư dân miền biển, những nơi đã bị thảm hoạ môi trường để thấy được vấn đề.
- Tiến sĩ Ngô Trí Long
“Hiện nay môi trường biển do Formosa gây ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống mưu sinh, coi như là cá không sử dụng được. Cho nên người ta phải đi mưu sinh nơi khác. Chúng ta phải đi vào thực tế cuộc sống của ngư dân miền biển, những nơi đã bị thảm hoạ môi trường để thấy được vấn đề. Hiện nay do tác động của nó đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ, họ không biết tìm việc làm gì.”
Nếu những người đấu tranh cho môi trường và đời sống của các ngư dân vùng biển nói rằng “Biển sạch là khi cá tôm trở lại” thì có lẽ những người ngư dân bốn tỉnh miền Trung cũng có thể nói rằng: “Ngư dân không thất nghiệp là khi tàu thuyền có thể ra khơi”?

No comments:

Post a Comment