HÀ NỘI (NV) – Ðó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế tổ chức để thu thập ý kiến, soạn thảo đề án gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Những chuyên gia này nhấn mạnh, do quản lý tồi, chính sách viển vông, nông nghiệp – một trong những trụ cột của kinh tế Việt Nam đã bị “dồn đến chân tường,” nông dân trên toàn Việt Nam, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long nay không còn đường sống.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, không thể phát triển nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long theo phương thức nữa, giờ chúng ta đã ở chân tường nên cần thay đổi.
Ông Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn, viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp-Nông Thôn, góp ý rằng, không thể thay đổi vì chính sách hiện hành kìm hãm mở rộng qui mô nông nghiệp. Chẳng hạn muốn nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng rừng thì người nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu cùng xã. Doanh nghiệp không được phép tích tụ ruộng đất. Ông Tuấn nhận định, chính chính sách làm nông nghiệp bị nghẽn.
Một thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư của chính phủ Việt Nam tên là Ðào Quang Thu, người giữ vai trò chủ tọa hội thảo, thú thật, “tụt hậu” hiện là nguy cơ rành rành. Ðó cũng là lý do phải thu thập ý kiến của các chuyên gia để gấp rút soạn thảo đề án gia tăng khả năng canh tranh của kinh tế Việt Nam nhằm trình cho Bộ Chính Trị của đảng CSVN.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, muốn giải quyết vấn nạn kinh tế thì trước hết phải giải quyết những vấn nạn ngoài kinh tế, ví dụ như sự cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống công quyền. Theo họ, số người hưởng lương từ ngân sách vẫn càng ngày càng lớn và dân chúng không còn sức để nuôi “các ông, các bà” này. Trong khi kinh tế suy sụp vì chính sách thì chính sách vẫn tiếp tục được soạn thảo bởi một đội ngũ hình thành từ những cá nhân mua quan, bán tước, thiếu cả tư cách lẫn năng lực.
Theo ông Lê Xuân Bá, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, cải cách bộ máy công quyền là phải cải cách trên diện rộng, chấm dứt việc dùng công quỹ để tra lương cho cán bộ các tổ chức, đoàn thể chính trị như: Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ,… Tuy nhiên ông Bá không đề cập đến việc chấm dứt dùng công quỹ để trả lương cho các viên chức của đảng CSVN – tổ chức chính trị cồng kềnh, ngốn nhiều tiền nhất.
Bàn tới cải tố cơ chế, một chuyên gia khác tên là Võ Ðại Lược tin rằng các kế hoạch, nỗ lực cải tổ sẽ không hiệu quả vì Việt Nam chưa thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực. Cơ chế hiện nay dung dưỡng tệ nạn mua quan, bán tước và như thế thì làm sao hệ thống công quyền có thể tuyển dụng được nhân tài (?).
Ông Nguyễn Ðình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, chắc chắn bản thảo của đề án gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam phải ghi nhận một cách rõ ràng rằng, Việt Nam chưa thay đối suy nghĩ và nhận thức, vẫn chần chừ, do dự trong việc cải tổ, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Ðó cũng là lý do nền kinh tế thị trường tại Việt Nam méo mó, trở thành chỗ dung dưỡng cho tham nhũng, các băng nhóm, việc phân bổ nguồn lực bị sai lệch, lãng phí, kém hiệu quả. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment