Ngày 12/7/2016 vừa qua, Tòa Trọng tài thường trực PCA (Permanent Court of Arbitration) của Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Sau gần một tháng trôi qua, phản ứng ồn ào và quyết liệt lúc đầu của Philippines, Trung Quốc cũng như các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông dường như đã giảm dần về cường độ. Điều này đã làm giảm bớt mối lo ngại về một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra tại Biển Đông dẫn đến nguy cơ Thế Chiến III.
Việt Nam nên làm gì
Sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có nên theo gương Philippines kiện Trung Quốc hay không, vì phán quyết này rất thuận lợi cho Việt Nam?
Theo thiển ý, Việt Nam không cần theo gương Philippines khởi kiện Trung Quốc, ít ra là vào thời điểm này. Như thế là vì phán quyết này chỉ có giá trị pháp lý, không có tính cưỡng hành, dù Trung Quốc phủ nhận, nhưng đã là một án lệ quốc tế thiết tưởng cũng đủ làm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Thế nhưng thực tế cho thấy vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông rất phức tạp, không thể giải quyết đơn thuần về mặt pháp lý mà phải là sự kết hợp với chính trị và ngoại giao, cũng như không thể giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự. Có chăng là dùng biện pháp kinh tế để thúc ép các nước nào không muốn giải quyết hòa bình vấn đề chủ quyển biển đảo ở Biển Đông, dựa trên sự kết hợp pháp lý, chính trị và ngoại giao để giải quyết hài hòa quyền và lợi ích giữa các nước đang có tranh chấp chủ quyền có thể chấp nhận được.
Mặt khác, cũng không thể giải quyết song phương, mà phải giải quyết đa phương cùng lúc, vì vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông liên quan đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng điều mà Việt Nam nên làm và cần làm sau phán quyết của PCA, là vào thời điểm thích hợp, nhà cầm quyền Việt Nam chủ động đưa ra sáng kiến và tìm cách vận động các bên tương tranh đồng thuận triệu tập một Hội nghị hiệp thương giữa các nước đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo tại Biển Đông, dựa trên sự kết hợp pháp lý, chính trị và ngoại giao để giải quyết hài hòa quyền và lợi ích giữa các nước đang có tranh chấp chủ quyền dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Biến chuyển tình hình thực tế cho thấy, để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông không thể bằng chiến tranh mà chỉ có thể thông qua thương lượng hòa bình giữa các nước đang tranh chấp. Bởi lẽ dường như các bên tranh chấp đều ý thức được rằng việc sử dụng bạo lực sẽ không giải quyết được vấn đề, không có lợi gì mà chỉ có hại cho các bên tương tranh, đe dọa hòa bình thế giới. Có lẽ vì vậy mà các hoạt động tăng cường quân sự ở Biển Đông của hai cường quốc có khả năng đối đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra trước và sau ngày công bố phán quyết của PCA (cũng như việc tăng cường trang bị vũ khí và các khí tài quân sự của Việt Nam và một số nước đang có tranh chấp trong vùng…) chỉ có ý nghĩa nói lên quyết tâm cao độ của mình để không bên nào được để cho xảy ra chiến tranh, phải chọn giải pháp thương lượng hòa bình mà thôi.
Thực tế là sau phán quyết của PCA, Hoa Kỳ nước không có tranh chấp chủ quyền, nhưng có quyền lợi quốc gia tại Biển Đông và đã từng có các hành động kiên quyết ngăn chặn tham vọng quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, nay đã tỏ ra thông cảm và tự chế trước phản ứng hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc. Hoa Kỳ không những đã giữ im lặng mà còn vận động ngoại giao với các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc nên tự chế, tránh các hành động khiêu khích dưới mọi hình thức. Có lẽ Hoa Kỳ đã hành xử như theo phương châm “không nên đánh kẻ ngã ngựa”, không nên “đổ thêm dầu vào lửa” để tránh đẩy Trung Quốc vào chân tường.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment