Nhật Bình/Người Việt
HÀ TĨNH (NV) – Ðã 4 tháng trôi qua, kể từ sự kiện “cá chết” xảy ra ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn vắng lặng, đìu hiu đến thê lương. Nhìn xa xa về phía góc biển Vũng Áng, ống khói của nhà máy thép Fomosa vẫn đều đặn nhả khói lên bầu trời.
Khốn đốn vì Fomosa
Chúng tôi có mặt ở vùng biển Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, vào những ngày đầu tháng 8 năm 2016. Hình ảnh đập vào mắt là những con thuyền phủ bạt chưa hẹn ngày ra khơi, những xóm làng quạnh quẽ, những quán hàng không một bóng một người ghé thăm.
Nhiều gia đình lâm cảnh túng quẫn hiểm nghèo. Thanh niên trai tráng đã bỏ làng xóm và gia đình để đi kiếm việc sống qua ngày ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Ðà Nẵng hay Nha Trang.
Vùng biển nơi đây như trở thành miền đất chết. Mọi hoạt động mà cách đây 4 tháng vẫn diễn ra nhộn nhịp như chợ cá, các khu nhà hàng hải sản, ghe thuyền đều yên lặng. Chỉ duy nhất tiếng sóng rì rào thì vẫn vỗ đều đặn vào bờ như ai oán, mặc cho ống khói của Formosa vẫn cuồn cuộn nhả khói lên bầu trời như thách thức người dân nới đây.
Ông Hà Văn Thắng, 48 tuổi, một ngư dân ở vùng biển Kỳ Ninh cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ đến lớn. Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tan tác thê lương đến như vậy. Cả làng bây giờ không biết làm gì để kiếm sống. Mà chính phủ thì chỉ mới cho mỗi gia đình 15kg gạo trong suốt 4 tháng qua”.
“Hai đứa con trai đầu của tôi đã bỏ nhà để đi kiếm sống. Trước khi đi chúng chỉ nói với tôi là đi vào Sài Gòn kiếm công việc gì đó làm cũng được, còn hơn ở đây để chờ chết. Mới đầu hai đứa cũng hay liên lạc về gia đình, nhưng bây giờ thì ít hẳn, có lẽ hết tiền để điện thoại vì ghe nó nói là đang làm phụ hồ trong đó.” Ông Thắng nói với gọng buồn bã.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hương, người dân thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh. Hai vợ chồng chị Hương đã thâm niên 4 năm làm công nhân trông giữ kho container cho một nhà thầu tại công trường nhà máy Formosa, nhưng hiện nay cả hai đều đang bị bệnh ung thư vào giai đoạn cuối.
Chị cho biết: “Ban đầu khi Formosa tới vùng đất Vũng Áng này, chính quyền đã hứa hẹn sẽ biến khu này thành khu công nghiệp hiện đại, tạo điều kiện việc làm cho người dân. Nên chúng tôi mới tin tưởng đi làm việc cho họ. Thấy họ đến tháng trả lương cũng đàng hoàng nên chúng tôi vẫn làm đến hơn 4 năm trời.”
“Mãi đến tháng 5 năm 2016 thì tôi thấy sức khỏe không tốt lắm. Ði khám thì bác sĩ cho biết đã bị bệnh ung thư vú, nên phải xạ trị. Còn chồng tôi vẫn cố gắng làm việc cho Formosa, vì anh nói sức khỏe vẫn tốt nên ráng kiếm tiền để chữa bệnh cho tôi. Ai ngờ đến tháng 6 vừa rồi, trong một ca trực thì ảnh ngã quị xuống. Ðưa tới bệnh viên thì họ nói bị ung thư vòm họng vào giai đoạn cuối. Hiện nay không ăn uống được gì, chỉ nằm chờ chết.”
Chị Hương nói trong nước mắt: “Tôi biết nguyên nhân chính là vì chúng tôi uống nước ở khu vực nhà máy Formosa. Gia đình dòng họ cả nội ngoại không ai bị bệnh ung thư hết. Mà chúng tôi mới làm việc cho Formosa được vài năm đã bị bệnh. Formosa đã làm đảo lộn hết cuộc sống của gia đình tôi.”
Không những các ngành nghề liên quan đến biển mới chịu ảnh hưởng, mà khách sạn, taxi cũng chung một số phận, dường như sự sống nơi đây đã có những dấu hiệu chìm vào quên lãng, bởi: “Có ai ghé tới đây nữa đâu. Thanh niên, trai tráng trong làng cũng dần di chuyển đi nơi khác kiếm sống, nhưng dân biển mà, ngoài đánh bắt cá chắc họ chỉ có thể hợp với bốc vác hay phụ hồ thôi.” Anh Ðằng, hành nghề lái taxi ở đây cho biết.
Formosa phải cút khỏi Việt Nam!
Ðó là câu trả lời dứt khoát của ông Hoàng Trinh Danh, một ngư dân ở nơi đây: “Người dân như chúng tôi không được học cao hiểu rộng. Nhưng cũng thừa biết Formosa này chỉ làm hại cho đất nước chúng ta mà thôi. Thế nhưng chính quyền này vẫn cứ cố tình chứa chấp họ.”
“Họ hứa sẽ đền bù 500 triệu đô la, nhưng đến nay số tiền này vào tay ai thì chúng tôi hoàn toàn không biết. Người dân chúng tôi 4 tháng qua chỉ có được 15 kg gạo từ tay chính quyền mà thôi. Formosa chẳng những phải đền bù những thiệt hại do họ gây ra cho dân chúng tôi mà chính họ cũng phải cút khỏi Việt Nam.” Ông Danh nói giọng giận dữ.
Còn chị Nguyễn Thị Hương thì buồn bã: “Ðiều hối hận nhất là vợ chồng tôi đã làm việc cho Formosa đến 4 năm. Mặc dù công việc chỉ là trông giữ kho bãi, nhưng cũng đã vô tình tiếp tay cho tụi nó hại mình. Bây giờ ai cũng bị bệnh ung thư hết thì có hối hận cũng đã muộn.”
Gặp dân biểu Ðài Loan
Chị Hương cho hay: “Vừa qua, khi may mắn được gặp dân biểu của Ðảng Dân Tiến đang cầm quyền ở Ðài Loan là Su Chih Fen. Tôi cũng đã nói cho bà biết về hiện trạng của tôi và yêu cầu chính phủ Ðài Loan phải có biện pháp với Formosa và bà cũng đã hứa sẽ đưa vấn đề này lên quốc hội của Ðài Loan.”
Hàng quán ở khu vực biển Vũng Áng nay không một bóng người lui tới. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện để giúp đỡ ngư dân nơi đây cho rằng: “Formosa gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử, triệt hạ sinh kế của 200,000 người sống dựa biển và hàng triệu người liên quan, phá hủy hệ sinh thái 200 km bờ biển, tạo ra những nguy cơ không thể tưởng tượng nổi đối với kinh tế, chính trị và xã hội thì không có lý do gì có thể chấp nhận họ tồn tại ở Việt Nam, dù chỉ một ngày nữa chứ đừng nói 70 năm.”
Anh Nguyễn Xuân Lộc một ngư dân tại thôn Ðông Yên xã Kỳ Lợi cho biết: “Với những gì Formosa đã gây ra, thì chỉ có thể tống cổ họ ra khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt. Người dân như chúng tôi đã phải thất nghiệp, gia đình phân tán, đứa thì phải đi vào Sài Gòn kiếm sống, đứa thì tìm cách đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn đảo lộn từ ngày có Formosa.”
Liên quan đến vấn đề Formosa, ngày 1 tháng 8, 2016, bà Su Chih Fen dân biểu của Ðảng Dân Tiến đang cầm quyền ở Ðài Loan đến Hà Nội với dự định sẽ đi Hà Tĩnh để tìm hiểu về vấn đề Formosa và môi trường biển miền Trung.
Tuy nhiên bà đã bị an ninh giữ lại làm việc tại sân bay Nội Bài trong một cuộc làm việc kéo dài 9 tiếng đồng hồ mà bà mô tả rằng: “…phía chính quyền Việt Nam có hành động như muốn vồ cướp lấy cuốn hộ chiếu của bà.”
Phái đoàn của bà Chih Fen đã trễ chuyến bay ra Hà Tĩnh, và phải di chuyển bằng xe hơi để vào Hà Tĩnh trong sự giám sát chặt chẽ của Bộ Ngoại Giao và công an Việt Nam. Bà đã không thể đến nhà thờ Ðông Yên, nơi có nhiều giáo dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do Formosa gây ra.
03-08-2016
No comments:
Post a Comment