Wednesday, August 24, 2016

Tắm biển đâu cần bằng cơm áo?

Phạm Trần (Danlambao) - Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nhà nước Cộng sản Việt Nam kết luận ngày 22/08/2016 rằng “nước biển miền Trung đã "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản”, nhưng chưa thể bảo đảm cá biển đã an toàn để ăn. Nhà nước cũng chưa biết bao lâu nữa “môi trường biển trở lại như trước khi sự cố ô nhiễm xảy ra vào ngày 06/04/2016.

Như vậy là gần 5 tháng sau khi các sinh vật biển bị ô nhiễm bởi Formosa mà nhà nước vẫn chưa bảo đảm được người ăn sẽ không nhiễm độc.

Nhưng sinh vật biển chưa an toàn chỉ nằm trong phạm vi 20 hải lý chiều ngang (mỗi hải lý dài 1,852 mét) tính từ bờ biển và chiều dài ngót 300 cây số của 4 Tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khi xảy ra thảm trạng Formosa hay bao gồm cả vùng biển bên ngoài 20 hải lý? 

Sau ngày cá chết vì nhiễm độc bị phát giác ngày 06/04/2016, Chính phủ CSVN đã mau chóng cho dân biết họ có thể đánh bắt an toàn ở vùng biển bên ngoài 20 hải lý vì nghĩ rằng chất độc chỉ ở gần bờ. Nhưng không phải gia đình ngư dân nào cũng có thuyền máy có công sức đánh xa bờ nên đại đa số phải kéo thuyền lên bãi phơi nắng và thất nghiệp nằm nhà.

Cá ngư dân có khả năng đánh từ vùng biển cho là an tòan bên ngoài 20 hải lý, và dù được chứng nhận là cá sạch vẫn không bán được hoặc phải bán với giá rẻ mạt vì tâm lý sợ bị nhiễm độc vẫn lảng vảng trong đầu dân.

Bằng chứng dân không tin những gì nhà nước nói được một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 08/07/2016 xác nhận: “Giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2015, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý thì giá bán giảm 30-50% còn sản phẩm khai thác trong 20 hải lý thì không tiêu thụ được.”

Theo tin trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam thì: “Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh).”

Trong báo cáo ngày 22/08/2016, Bộ Tài Nguyên & Môi trường không nói rõ các loại thực phẩm nào từ biển còn nghi ngờ chưa sạch nên dân tiếp tục hoang mang. Dân cũng thắc mắc liệu nước mắm và muối sản xuất sau ngày cá chết, hay từ cá chết khi dân chưa biết đã bị nhiễm độc Formosa mà chưa có kiểm chứng của giới khoa học và Bộ Y tế có thuộc diện nguy hại không? 

Người dân chỉ biết Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà nói tại Hội nghị công bố kết quả điều tra được tổ chức tại Thị trấn Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị ngày 22/08/2016 rằng: “Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ-Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ-Quảng Trị và Chân Mây-Thừa Thiên Huế. Riêng vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn hải sản, thì cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế.

Đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết “trong thời gian qua Bộ này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng.”(theo báo VnExpress, 22/08/2016).

“Giảm dần” có nghĩa là chưa hết nên bộ này còn chần chờ chưa dám quyết. Vậy đến bao giờ thì Bộ Y tế mới nghiên cứu xong để có “kết luận cuối cùng” là điều hàng triệu người dân miền Trung đang điêu đứng vì cá chết cần được trả lời.

Do đó khi công bố kết luận điều tra tình trạng biển đã sạch đến đâu là nhà nước mới làm được 50 phần trăm để ưu tiên đem lợi cho kỹ nghệ du lịch và tắm biển của giới dư tiền nhiều của.

50 phần trăm còn lại là món nợ nhà nước phải trả cho đại đa số người dân nghèo khổ, nạn nhân của Formosa. Hàng triệu nạn nhân, trực tiếp và gián tiếp của biển, thuộc 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị-Thừa Thiên-Huế) cần được biết khi nào an toàn thực phẩm biển được bảo đảm và chừng nào họ có thể ra khơi đánh bắt kiếm cơn ăn áo mặc hàng ngày chứ đâu họ có muốn biết có thể nhịn đói đi tắm biển? 

Vì vậy, khi nhìn Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà diễn kịch khoe trần tắm biển Cửa Việt (Quảng Trị) 30 phút cùng với một số viên chức để cho báo chí chụp hình chiêu khách du lịch, sau khi kết thúc buổi họp công bố kết luận ngày 22/08/2016, không ít ngư dân ngậm ngùi. Bởi lẽ khi dân chưa được bảo đảm ăn cá không chết, chưa biết tương lai con cháu đã bao đời sống nhờ biển sẽ ra sao thì nhà nước lại coi mối lợi thu được từ du lịch tắm biển quan trọng hơn mạng sống người dân là một xúc phạm rất khó tha thứ.

Vẫn chưa biết chắc

Hơn thế nữa, khi nhà nước hớn hở báo tin mừng “đã có thể tắm biển thoải mái” thì mọi người cũng được nghe Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) nói với báo chí về tương lai biển miền Trung.

Khi được hỏi: “Vấn đề dư luận quan tâm nhất là bao giờ biển miền Trung trở lại như trước khi xảy ra sự cố môi trường?”

GS Nhuận đáp: “Số liệu nghiên cứu hiện chưa thể trả lời được chính xác khi nào, cần thêm nghiên cứu chi tiết, áp dụng phương pháp mô phỏng mới có thể đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, thực tế các hàm lượng (chất ô nhiễm) đều giảm rất nhanh, có nơi giảm đến 90% từ tháng 4 đến tháng 8 này. 

Hệ sinh thái san hô từ chỗ bị hủy diệt hoàn toàn, bị tẩy trắng nay bắt đầu xuất hiện san hô sống, cá con trở về. Điều này cho thấy môi trường hồi phục tốt. Tôi hy vọng rằng, cùng với việc giám sát chặt chẽ nguồn thải của Formosa và áp dụng giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi bằng khoa học công nghệ, trong thời gian không lâu nữa biển sẽ trở lại như trước.”

Tuyên bố của GS Nhuận cho thấy 2 điều: 

1) Nước biển đã hòa tan dần chất độc hại giết sinh vật biển nên đã thấy mầm sống san hô tái xuất hiện và cá con trở lại. 

2) Tuy nhiên, sự tồn tại và sống còn của sinh vật biển hoàn toàn tùy thuộc vào công việc kiểm soát chất thải của Formosa trong tương lai. 

Trong khi đó, theo báo chí Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nghi, người nhiều năm nghiên cứu môi trường, trầm tích biển, đánh giá đây là kết quả nghiên cứu bước 1. Ông nói: “Chúng tôi chờ nghiên cứu bước 2 lúc đó mới có kết luận khi nào môi trường 4 tỉnh thật sự có thể đánh bắt, cá ăn được, biển trở lại bình thường. Đây chưa phải là kết thúc nghiên cứu để trả lời thỏa đáng cho dân, nhưng tôi đánh giá cao cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả. Ngay ban đầu có vụ Formosa này, nếu để quy luật tự nhiên thì tất yếu chất độc sẽ bị đào thải và trầm tích dưới biển sẽ trong sạch, nhưng vấn đề là thời gian nào.” 

“Thời gian nào” là câu hỏi người dân miền bị nạn Formosa đã trông chờ từ gần 5 tháng qua và chưa ai biết họ sẽ phải chờ thêm bao nhiều tháng hay bao nhiêu năm nữa.

Đó cũng là băn khoăn của chuyên gia người Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder, người đã tham gia đoàn điều tra Quốc tế cùng với các chuyên viên Việt Nam về thảm họa môi trường miền Trung. 

Báo chí Việt Nam cho biết ông đã khuyến cáo: “Tuy cá nhỏ đã quay trở lại vùng biển 4 tỉnh, chúng ta cần giữ chứ không được đánh bắt ngay lập tức, cũng phải nghĩ tới việc thu hút các loài cá khác mang lại nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, để biết đã ăn được chưa Bộ Y tế cần giám sát kỹ và đưa ra những khuyến cáo cụ thể.” 

Ông cũng khuyên phía Việt Nam cần tạo niềm tin với dân chúng bắng “các phân tích tiếp theo cần có đối chứng gửi từ các cơ quan khoa học lận cận như Australia, Nhật Bản. Chúng ta cần chứng tỏ cho công chúng, những người không làm khoa học đó là cách tiếp cận hợp lý, chính xác.” 

Vế khía cạnh chuyên môn, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng: “Chất độc xyanua đã sạch, phenol vẫn còn ở một số nơi. Liên quan đến 2 thông số xyanua và phenol, TS Friedhelm Schroeder, thông tin qua quan trắc cho thấy cyanua qua thời gian đã sạch. Phenol vẫn còn nhưng đã có chiều hướng giảm dần và nằm trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam. Ngoài ra, còn một số hố, bẫy thủy lực cần giám sát thêm để theo dõi các thông số phenol chìm sâu ở dưới thay đổi như thế nào. Tóm lại, các thông số đảm bảo cho hoạt động bơi lội, du lịch là hoàn toàn an toàn tuyệt đối.”

Đó là kết luận phấn khởi, nhưng “hoạt động bơi lội, du lịch” không phải là nhu cầu cấp bách của hàng triệu dân nghèo miền cá chết. Điều cần ngay là làm sao để dân có cơm ăn, áo mặc và trẻ em học sinh cấp 2 (từ 12 tuổi đến 15 tuổi) có thể quay lại trường học, thay vì phải bỏ nhà đi lao động tận bên Lào và cả Trung Quốc vì nhà không còn tiền để sống từ khi cá chết. Tương lai của hàng trăm nghìn trẻ em vô tội này sẽ ra sao nếu cha mẹ sống nhờ vào biển cứ thất nghiệp mãi để đeo nợ chồng chất? 

Vì vậy, hơn bao giờ hết ông Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cần đi “thăm dân cho biết sự tình” chứ không nên ngồi ở Hà Nội để phồng mang trợn mắt hô hào mọi người “hãy đi tắm biển”.

Cả bộ tứ lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước CSVN từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng quê Qủang Nam Nguyễn Xuân Phúc hãy can đảm nhìn vào sự thật phũ phàng do Formosa đã gây ra cho người dân miền Trung.

Việc nhà nước CSVN vội vã xòe tay nhận khoản tiền đền bù 500 triệu dollars của Formosa mà chưa hề điều tra cho đúng và rõ ràng sự thiệt hại trong hiện tại và cả tương lai của người dân và môi trường cần bao nhiêu là vô trách nhiệm. Đây là hành động nông cạn, nếu không phải là hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đã cúi đầu nhận oản bố thí của kẻ chủ mưu Trung cộng đứng sau lưng Formosa Đài Loan.

Vì vậy, thái độ hả hê, tắm cười rất phản cảm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà ở biển Cửa Việt hôm trời mưa 22/08/2016 chẳng có nghĩa gì khác ngoài sự xúc phạm đến tận cùng nỗi đau khổ của dân miền Trung. 

24.08.2016

No comments:

Post a Comment